Cùng dự cuộc họp có đại diện Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Công ty Thủy điện Hòa Bình, Công ty Thủy điện Sơn La, Tổ chuyên gia Hội đồng,…
Theo Thường trực Hội đồng, trong 1 năm qua, các Công ty Thủy điện Sơn La, Hòa Bình đã kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống thiết bị quan trắc, thực hiện thay thế một số thiết bị quan trắc không đảm bảo độ chính xác hoặc hỏng. Số lượng thiết bị quan trắc hiện tại đủ để giám sát công trình.
Trong công tác quan trắc bồi lắng lòng hồ, Công ty Thủy điện Sơn La đã tiến hành đo vẽ bồi lắng chu kỳ 1 trên cơ sở 13 mặt cắt quan trắc đã được lập trong năm 2013. Trong thời gian tới, EVN sẽ tiếp tục chỉ đạo Công ty phối hợp với tư vấn để có đề xuất cụ thể liên quan đến quan trắc bồi lắng lòng hồ đảm bảo đủ số liệu phục vụ theo dõi, giám sát quá trình bồi lắng lòng hồ trong quá trình vận hành lâu dài. Đối với Công ty Thủy điện Hòa Bình, năm 2013 đã bổ sung thêm 38 mặt cắt quan trắc bồi lắng lòng hồ trên cơ sở 60 mặt cắt quan trắc đã có.
Thượng lưu Thủy điện Sơn La - Ảnh: X.Tiến
|
Đặc biệt, đã hoàn tất thực hiện nghiên cứu mô hình thủy lực vùng hạ lưu Thủy điện Sơn La. Dự kiến, năm 2015 sẽ thực hiện xử lý bãi bồi phía hạ lưu, nâng cao hiệu quả phát điện. Đối với Thủy điện Hòa Bình, đã tiến hành đo bình đồ lòng sông hạ lưu sau lũ năm 2013, kết hợp quan trắc bằng mắt thường tình trạng xói lở khu vực hạ lưu công trình.
Đối với việc theo dõi thời gian truyền lũ từ tuyến đập Sơn La đến tuyến đập Hòa Bình: Qua các đợt xả lũ của Thủy điện Sơn La các năm 2012, 2013, đồng thời qua theo dõi, tính toán của Công ty Thủy điện Hòa Bình, sơ bộ xác định thời gian truyền lũ như sau: Với cấp mực nước hồ Hòa Bình ở mức 104-112 mét, thời gian truyền lũ khoảng 6 giờ; ở cấp mực nước 117 mét, thời gian truyền lũ khoảng 4 giờ. Để có thể đánh giá đày đủ hơn về thời gian truyền lũ phục vụ cho công tác chỉ đạo, vận hành các hồ chứa thủy điện Sơn La, Hòa Bình, EVN chỉ đạo 2 Công ty này tiếp tục tổ chức theo dõi trong mùa lũ năm 2014 để có đánh giá đầy đủ hơn báo cáo Hội đồng.
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Quân khẳng định: EVN, Công ty Thủy điện Sơn La, Công ty Thủy điện Hòa Bình đã hoàn thành nhiệm vụ điều tiết hồ chứa năm 2013 và năm 2014. “Qua kết quả quan trắc và đo đạc các thông số làm việc của công trình đến thời điểm tháng 5/2014, có thể khẳng định các công trình thủy điện trên bậc thang sông Đà đang làm việc an toàn và ổn định. Công tác phòng chống lụt bão đã được chuẩn bị chu đáo, các công trình đủ điều kiện sẵn sàng tham gia chống lũ và tích nước năm 2014”, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng lưu ý, công tác dự báo khí tượng thủy văn, quan trắc động đất trong khu vực công trình cần đặc biệt quan tâm, việc tăng cường năng lực, độ tin cậy và tính toán kịp thời trong công tác quan trắc, thu thập dữ liệu, tính toán xử lý, cung cấp thông tin dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo sớm các hiện tượng thời tiết bất thường trên lưu vực sông Đà phục vụ công tác vận hành hồ chứa Sơn La, Hòa Bình và Lai Châu.
Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan chuyên môn cần đề xuất kế hoạch và giải pháp nâng cao độ chính xác trong công tác dự báo, nhằm đảm bảo an toàn cho công trình.
Được biết, Hội đồng KH&CN về an toàn hệ thống thủy điện trên bậc thang thủy điện sông Đà được thành lập theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sau khi công trình Thủy điện Sơn La đưa vào hoạt động cuối năm 2012. Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ KH&CN.
Nhiệm vụ chính của Hội đồng KH&CN về an toàn hệ thống thủy điện trên bậc thang Thủy điện sông Đà:
- Đánh giá định kỳ hàng năm về mức độ an toàn cho công trình thủy điện đã đưa vào vận hành trên sông Đà trên cơ sở số liệu quan trắc, đo đạc các thông số công trình do EVN lập và báo cáo.
- Xem xét, kết luận và kiến nghị các giải pháp xử lý kịp thời các hiện tượng bất thường của hệ thống công trình thủy điện trên sông Đà khi có báo cáo của EVN hoặc khi có những báo cáo đột xuất liên quan đến tình trạng an toàn của công trình thủy điện trên sông Đà từ các cơ quan liên quan.
- Thẩm định các kết quả nghiên cứu, tính toán mới có liên quan đến an toàn công trình, hệ thống công trình thủy điện trên sông Đà.
- Đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, kế hoạch tăng cường thiết bị và các nội dung quan trắc liên quan đến việc nâng cao hiệu quả chống lũ, phát điện và bảo đảm an toàn cho hệ thống công trình thủy điện trên sông Đà.
- Xem xét, kiến nghị hiệu chỉnh quy trình vận hành từng hồ và quy trình vận hành liên hồ chứa để đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu quả các hồ chứa.
|