Điện về, “đánh thức” Cà Đơ

Chúng tôi đến thôn Cà Đơ (xã Lam Vĩ, huyện Định Hóa, Thái Nguyên) sau đúng 2 năm Công ty Điện lực Thái Nguyên (PC Thái Nguyên) thực hiện công trình “Tri ân khách hàng” - kéo điện lên vùng cao, hẻo lánh này.

“Cõng” điện đến Cà Đơ

Từ trung tâm xã Lam Vĩ, các anh công nhân Đội Tổng hợp sản xuất số 1, Điện lực Định Hóa đón chúng tôi bằng xe máy, để “tăng bo” đến Cà Đơ. Anh Dương Văn Phong, Công nhân Đội Tổng hợp sản xuất số 1, Điện lực Định Hóa hồ hởi, “may mấy hôm nay trời nắng còn đi được bằng xe máy, còn những bữa trời mưa, đường trơn trượt, muốn ra hoặc vào thôn, chỉ còn cách… cuốc bộ”.

Ngồi sau “tay lái lụa” Dương Văn Phong - người vốn nhắm mắt cũng thuộc đến từng khúc cua, đoạn dốc, từng đoạn sạt lở trên đường đến Cà Đơ, vậy mà tôi vẫn không ít lần “thót tim”. Có lúc, tưởng chừng như bị hất ngược cả người và xe ra sau, khi vượt qua những đoạn dốc cua dựng đứng. Di chuyển được hơn 5 phút, vượt qua hàng chục đèo, dốc, chiếc xe máy có mùi khét lẹt. 

Anh Phong chia sẻ, “Xe máy của thợ điện ở đây được gọi thân thương là “ngựa chiến" và được anh em “chăm sóc” rất kĩ, cứ tuần vài lần phải ra cửa hàng sửa xe tra dầu, thay lốp, sửa phanh… Bởi cứ cài số 1, số 2 và rà phanh thế này, không bảo dưỡng thường xuyên, chóng hỏng lắm”. 

Con đường đất đến với thôn Cà Đơ chỉ dài khoảng hơn 2 km, nhưng phải mất gần 15 phút, chúng tôi mới có mặt ở đầu thôn... Xuống xe, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. 

Địa hình khó khăn, giao thông cách trở là thế, nhưng từ tháng 12/2016, điện lưới quốc gia đã bừng sáng ở thôn Cà Đơ. Đây là công trình tri ân khách hàng của Công ty Điện lực Thái Nguyên dành cho các hộ dân ở nơi xa xôi còn nhiều khốn khó này, với tổng vốn đầu tư 700 triệu đồng. Chi phí đầu tư lớn, nhưng hàng tháng, mỗi hộ dân ở đây chỉ sử dụng... hai, ba chục ngàn đồng tiền điện. 

Nhớ lại những ngày “cõng” điện lên đây, anh Phong bùi ngùi: Đường đến Cà Đơ, đi xe máy chở người không đã chật vật, nói gì đến việc vận chuyển vật tư, thiết bị. Hồi đó, phần lớn các thiết bị đều phải vận chuyển bằng sức người. Những hôm trời nắng còn thuận lợi. Trời mưa thì gian nan không nói hết. Có khi, anh em vừa gồng sức kéo cột điện lên được một đoạn, gặp đúng dốc trơn, cột lại trượt về chỗ cũ...

Kéo điện đã vậy, nhưng công tác quản lý, vận hành đường dây sau đó cũng gian nan không kém. 18 hộ dân nơi đây, mỗi nhà ở một quả đồi, nhà này cách nhà kia tới cả cây số.

Dù địa hình cách trở nhưng Công nhân Điện lực Định Hóa thường xuyên lên kiểm tra, hướng dẫn cho bà con nhân dân thôn Cà Đơ sử dụng điện an toàn, hiệu quả

“Có điện, đỡ cực hơn rồi”

Thôn Cà Đơ được thành lập vào khoảng những năm 1990, khi một số người dân ở xã Tân Thịnh (Định Hóa) và huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn đến làm nương rồi định cư tại đây. Đường xá xa xôi, đi lại khó khăn nên người dân Cà Đơ gần như “tự cung, tự cấp”. 

Bà Ma Thị Hồng - Phó Chủ tịch xã Lam Vĩ cho biết, thôn Cà Đơ có 18 hộ dân thì có tới 16 hộ thuộc diện nghèo. Đồng bào ở đây đều là dân tộc Dao, dân tộc Tày, vốn quen với cuộc sống du canh, du cư trên núi cao. Trước khi điện lưới được kéo về, nhà nào có điều kiện thì mua máy phát điện nhỏ đặt ở suối nhưng chất lượng điện chập chờn; còn lại đa số đều sử dụng đèn dầu. 

Cà Đơ gần như biệt lập với bên ngoài, nên trước đây, việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng gặp không ít khó khăn: Ban ngày thì người dân đi làm nương, làm rẫy; buổi tối thì nhà nào cũng thắp ngọn đèn dầu leo lét một lúc rồi đi ngủ sớm.

Đã 25 năm sống gắn bó với Cà Đơ, chị Nông Thị Dao chia sẻ: “Trước kia không có điện, vất vả lắm! Khổ nhất là những khi hết dầu lại đúng vào đợt mưa dai dẳng, không xuống xã mua được, đành phải sống mấy ngày liền trong bóng tối. Con cái phải đội mưa, vượt cả cây số sang hàng xóm học bài”. 

Từ ngày có điện lưới quốc gia, khi màn đêm buông xuống, cũng là lúc ánh sáng điện bừng lên trên mỗi nếp nhà. Tiếng tivi, loa đài rộn rã. Cuộc sống của Cà Đơ đã nhiều màu sắc, âm thanh hơn. Có điện, gia đình chị Dao sắm nồi cơm điện, tivi. Đặc biệt, trong thôn có nhà đầu tư máy xay xát nhỏ nên chị và các gia đình khác không còn phải đi cả tiếng đồng hồ xuống trung tâm xã xát gạo. Điện về cũng giúp thầy và trò của điểm trường Cà Đơ thuộc trường Tiểu học Lam Vĩ được tiếp cận dần với công nghệ thông tin, phục vụ công tác dạy và học…. 

Dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, do đặc thù về vị trí địa lý, nhưng điện lưới quốc gia đã góp phần quan trọng giúp bà con Cà Đơ thay đổi nhận thức, tiếp cận được các phương tiện nghe, nhìn để học tập các mô hình sản xuất, từng bước vượt khó, vươn lên, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. 


  • 10/02/2019 05:11
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 18731