Điện về, làng nghề khởi sắc

Từ khi lưới điện quốc gia được phủ khắp, nhiều làng nghề truyền thống ở miền Tây Nam bộ chuyển dần sang công nghiệp hóa, nhờ đó hiệu quả sản xuất tăng cao, đời sống người dân ngày càng sung túc.

Chiếu Định Yên trăm cái như một

Nằm bên sông Hậu hiền hòa, xã Định Yên (H.Lấp Vò, Đồng Tháp) được xem là thủ phủ của chiếu với hàng triệu sản phẩm được làm ra mỗi năm. Bước ngoặt của làng chiếu Định Yên là năm 2003, khi điện lưới quốc gia kéo về và người dân bỏ dần khung dệt tay vốn đã gắn bó lâu đời, chuyển sang dùng máy dệt chiếu chạy bằng điện.

Năng suất của những chiếc máy dệt chiếu bằng điện cao gấp nhiều lần so với dệt tay. Với khung dệt tay, muốn dệt 1 chiếc chiếu thường phải có 2 người và chỉ dệt được tối đa 4 chiếc chiếu/ngày. Với khung dệt máy, 1 người có thể dệt 10 chiếc chiếu/ngày. Đặc biệt là khi dệt bằng điện thì bản sắc và nét tinh hoa của sản phẩm truyền thống vẫn được giữ nguyên.

Ông Ba Khê, người làm nghề dệt chiếu lâu đời ở ấp An Lợi B (xã Định Yên), chia sẻ: “Để làm ra được chiếc chiếu phải qua hàng chục công đoạn như làm sạch lát, se chỉ, dệt, may bìa, đánh bóng. Hồi trước phải làm tay hết. Còn bây giờ tất cả đều làm bằng máy. Quan trọng hơn, dệt bằng máy mình có thể làm ra hàng trăm chiếc chiếu như một với chất lượng đồng đều, dễ bán hơn”.

Từ khi chuyển sang dệt chiếu bằng máy đến nay, sản lượng chiếu Định Yên đã tăng từ 400.000 chiếc lên hơn 1 triệu chiếc mỗi năm.

Dệt chiếu bằng điện cho năng suất cao gấp 5 lần so với dệt thủ công

Diện mạo mới của làng mộc Chợ Thủ 

Cách TP.Long Xuyên (An Giang) khoảng 50 km là làng mộc Chợ Thủ (xã Long Điền A, H.Chợ Mới) - một làng nghề truyền thống đang phát triển mạnh mẽ nhờ ứng dụng máy móc, công nghiệp vào sản xuất. Ông Tư Chia, một nghệ nhân nổi tiếng của làng nghề, có 4 người con nối nghiệp và đều là những cơ sở mộc có tiếng, cho biết: “Trước đây, để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh, người thợ thủ công phải tốn rất nhiều thời gian, công sức từ khâu cưa xẻ, đục, lọng… Nhưng từ khi có điện, máy móc được đầu tư cùng với đôi bàn tay khéo léo của người thợ, sản phẩm làm ra không chỉ chính xác đến từng chi tiết, chất lượng đồng đều mà còn rút ngắn được thời gian”.

Sản phẩm của làng nghề Chợ Thủ được chạm trổ, ráp nối tinh xảo bắt đầu vươn ra thị trường với những đơn hàng lớn từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Nhiều cơ sở mộc ăn nên làm ra, đời sống người dân ngày càng sung túc. Ông Đinh Thanh Hòa, chủ cơ sở mộc Thanh Hòa, một trong những cơ sở mộc lớn nhất ở làng nghề Chợ Thủ, kể lại: “Khi cha tôi mất, tài sản để lại là cơ sở mộc tạm bợ, thủ công. Rồi đến khi có điện, tôi mới có thể đầu tư để bây giờ có được cơ sở khang trang thế này”. 

Cũng theo ông Hòa, lưới điện mở rộng, chất lượng điện áp ổn định chính là điều kiện thuận lợi để các cơ sở trong làng nghề mạnh dạn đầu tư, ứng dụng các loại máy móc, công cụ vào sản xuất. Đến nay, làng mộc Chợ Thủ đã có trên 200 cơ sở mộc lớn nhỏ, thu hút hàng ngàn lao động, qua đó giải quyết công ăn việc làm ổn định cho thanh niên địa phương.

Ngoài làng nghề dệt chiếu Định Yên, làng mộc Chợ Thủ, khu vực ĐBSCL hiện còn có gần 500 làng nghề truyền thống khác đang phát triển khá mạnh. Một trong những nhân tố không thể thiếu để làm nên sức sống mới cho các làng nghề chính là nguồn điện và việc đưa máy móc vào sản xuất.

Ông Đào Hữu Điền, Phó giám đốc Công ty Điện lực Đồng Tháp, cho biết: “Chúng tôi đang cùng với tỉnh lên kế hoạch khảo sát để đáp ứng yêu cầu quy hoạch làng nghề của từng khu vực. Đối với những khu vực có yêu cầu phát triển cao hơn thì chúng tôi sẽ nâng công suất, nâng phụ tải lên, cụ thể là nâng các trạm biến áp, nâng lưới điện hạ thế hiện hữu để đảm bảo yêu cầu phát triển phụ tải của khu vực làng nghề đó”.

 


  • 13/09/2013 09:53
  • Theo Thanh niên online
  • 3608


Gửi nhận xét