Điện về với người Rục

Người Rục đã có điện thắp sáng, được xem ti vi, loa truyền thanh, bọn trẻ được đến trường... Đó là những bước tiến vượt bậc sau gần 60 năm người Rục rời hang hòa nhập với cuộc sống cộng đồng.

Để người Rục không quay lại cuộc sống hoang dã

Ông Đinh Thanh Văn – Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa cho biết, vào cuối năm 1959,  Biên phòng tỉnh Quảng Bình tình cờ phát hiện người rừng tóc dài quá vai, thân quấn vỏ cây, di chuyển trên vách đá nhanh thoăn thoắt. Đó chính là bộ tộc người Rục ở Quảng Bình. 

Qua nhiều lần thuyết phục, 11 hộ gồm 34 người Rục đầu tiên đã rời hang ra thung lũng dựng nhà định canh, định cư. Những hạt muối, những cân gạo nghĩa tình của bộ đội Biên phòng đã giữ chân người Rục, giúp họ rời bỏ dần cuộc sống du canh du cư. Tuy nhiên, sau đó là chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ lan ra miền Bắc, rồi những năm tháng khó khăn của đất nước sau chiến tranh, người Rục đã quay lại cuộc sống hoang dã.

Năm 2002, cuộc vận động người Rục quay trở lại với cộng đồng lần thứ hai được coi là một kỳ tích. Họ được đưa về khu định cư với sự đầu tư của Nhà nước. Đặc biệt, trong các năm 2004, 2005, huyện Minh Hoá đã quyết định xây cho mỗi hộ người Rục một nhà ngói, vận động họ sớm ổn định cuộc sống, phát nương, làm rẫy, tăng gia sản xuất. 

Cũng trong thời gian này, ngành Điện tại Quảng Bình đã đầu tư xây dựng 32 km lưới điện 22 kV từ thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa đến bản cuối Mù U xã Thượng Hóa cùng nhiều tuyến đường dây hạ thế, lắp đặt hệ thống lưới điện sau công tơ cho 177 hộ gia đình người Rục với hy vọng, họ sớm ổn định cuộc sống.

Ông Thái Hồng Quân – Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Bình cho biết: “Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng góp phần giữ vững an ninh chính trị khu vực biên giới, Công ty đã đặc biệt chú trọng đầu tư xây dựng, cải tạo lưới điện ở khu vực xã Thượng Hóa, đảm bảo cấp điện ổn định cho các hộ gia đình người Rục. Chính việc đưa đến ánh sáng văn minh đã giúp họ ổn định cuộc sống, gắn bó với mảnh đất này”. 

Từ khi có điện, những đứa trẻ nơi đây đã biết đọc, biết viết

An cư lạc nghiệp

Tính đến nay, người Rục ở Minh Hóa có 220 hộ với gần 800 nhân khẩu. Từ khi có nhà, có điện, người Rục ở Quảng Bình đã dần dần ổn định cuộc sống. 

Trao đổi với bà Trần Thị Dân (60 tuổi) ở bản Ón, bà cho biết: “Trước đây người Rục  chỉ có một số ít định cư trong những ngôi nhà tranh vách nứa, còn phần lớn đều sống trong hang núi hoặc trong các túp lều tạm, di canh di cư liên tục xung quanh thung lũng này. Từ khi Nhà nước cấp cho nhà ở kiên cố, cho điện sáng, con em đã được đến trường học chữ. Cán bộ xã, cán bộ huyện đã hướng dẫn chúng tôi trồng lúa, trồng ngô, khoai, sắn trên rẫy và hướng dẫn chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà ở nhà”.

Và bà Dân cũng vui vẻ cho biết: “Khi mới có điện, dân mình không dám nhìn bóng điện, nó quá sáng, chói cả con mắt, từ bao đời nay, dân mình chỉ quen ánh lửa và đèn dầu. Cán bộ xem đấy, từ khi có nhà ở ổn định, có điện thắp sáng, cuộc sống của người Rục đã ổn định, bà con sắm được tivi, nghe đài, học cách chăn nuôi, trồng trọt sao cho năng suất cao”.

Gia đình anh Cao Văn Lộc (34 tuổi) ở bản Ón đã thề, không bao giờ quay trở lại hang đá hay vào rừng nữa, vì cuộc sống ở đây “sướng” hơn nhiều, tự mình chăn nuôi lợn, gà, vịt để lấy thịt ăn, trồng lúa, trồng ngô để lấy lương thực ăn và được tiếp thu văn minh của xã hội.

Anh Lộc chia sẻ: “Ở bản này, bây giờ nhà nào cũng sắm được ti vi, có nhà khá giả còn mua được cả loa, đài. Vui nhất là những lần sinh hoạt cộng đồng có điện sáng, có đàn, có nhạc đệm khi ca hát. Giờ chỉ lo làm ăn để nuôi con lớn, được học hành đến nơi đến chốn là tốt lắm rồi”.

Niềm vui của bà con chính là sự động viên tinh thần rất lớn đối với CBCVN ngành Điện tại Quảng Bình – những người đã không quản ngại mọi gian khó để đưa điện về nơi đây, cũng như luôn cố gắng đảm bảo nguồn điện an toàn, ổn định. Và theo ông Thái Hồng Quân – Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Bình: “Mặc dù đã có điện thắp sáng cho các hộ dân người Rục ở đây, nhưng xã Thượng Hóa là thung lũng, vùng rốn lũ, mỗi khi mưa lũ đi qua là vùng này bị ngập úng nặng nề. Vì vậy, lúc đó Công ty đã phải cắt điện, đảm bảm an toàn cho dân. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ sử dụng cáp ngầm xuyên núi, thay thế đường dây trần hiện nay, cung cấp điện ổn định cho bà con”. 

Ông Đinh Thanh Văn - Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa: “Mặc dù phần lớn người Rục vẫn là những hộ nghèo, nhưng kể từ khi có điện lưới quốc gia, cuộc sống ngày càng khá hơn, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhiều. Có điện, con em học tập được tốt hơn; bà con nghe đài, xem ti vi biết được nhiều thông tin hay, học hỏi được cách làm kinh tế đạt hiệu quả cao. Mỗi khi có dịp, chính quyền địa phương đều tuyên truyền và căn dặn bà con phải bảo vệ các công trình điện. Nếu điện không sáng nữa thì bà con sẽ khổ nhiều, sẽ bị luẩn quẩn trong vòng tối tăm, nghèo đói, lạc hậu…”.


  • 18/05/2017 11:06
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 12704