Doanh nghiệp số có văn hóa mạnh

Ứng dụng những thành tựu của cuộc các mạng công nghiệp 4.0 và nỗ lực hoàn thành mục tiêu trở thành Doanh nghiệp số có văn hóa mạnh theo tinh thần của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Công ty Điện lực Lai Châu (PC Lai Châu) đã xây dựng và triển khai đồng bộ các giải pháp cụ thể theo các lĩnh vực nhằm đưa công ty hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số. Qua đó, góp phần vận hành an toàn lưới điện, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kinh doanh, đồng thời cung cấp các dịch vụ, tiện ích và tiện lợi, đem lại sự hài lòng cho khách hàng sử dụng điện.

Số hóa hệ thống lưới điện

Sau 20 năm chia tách, thành lập lưới điện của PC Lai Châu đã không ngừng được mở rộng và hiện đại. Tính đến thời điểm hiện tại công ty đang quản lý trên 438km đường dây 110kV; trên 2.200km đường dây trung áp, gần 2.000km đường dây 0,4kV; 4 trạm biến áp 110kV và 1.119 trạm biến áp phân phối, cấp điện phục vụ nhu cầu của trên 114 nghìn khách hàng. Năm 2020, công ty đã đưa vào vận hành Trung tâm Điều khiển xa (TTĐKX), 4/4 Trạm biến áp 110kV trên địa bàn đều được điều khiển từ TTĐKX; hoàn thành lắp đặt, kết nối, điều khiển từ xa toàn bộ các máy cắt (Recloser), cầu dao phụ tải (LBS)… Các TBA 110kV, các máy cắt, cầu dao phụ tải được thao tác, điều khiển từ TTĐKX thông qua phần mềm SP5 nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định trên địa bàn.

Việc đưa vào vận hành TTĐKX giúp các điều độ viên phát hiện sự cố kịp thời, chính xác các vị trí bị sự cố thông qua cảnh báo trên phần mềm, từ đó kịp thời báo cáo cấp trên để điều hành xử lý sự cố theo quy định, bảo đảm chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện. Ngoài ra, khi theo dõi qua hệ thống SCADA, các nhân viên trực vận hành có thể kiểm soát được chính xác các thông số kỹ thuật vận hành thực tế trên lưới điện như điện áp, dòng điện, công suất… để điều hành việc duy trì nguồn điện an toàn, liên tục và ổn định. Khi xảy ra sự cố, các thông tin về sự cố được đồng bộ, cập nhật kịp thời từ hệ thống SCADA sang hệ thống “Quản lý lưới điện OMS” để thông báo đến khách hàng về nguyên nhân sự cố, thời gian, kế hoạch xử lý sự cố, thời gian khôi phục cấp điện...

Đặc biệt, PC Lai Châu đã lắp đặt, đưa vào vận hành hệ thống lưới điện thông minh DMS mạch vòng 22kV khu vực thành phố và 7 mạch vòng 35kV trên địa bàn tỉnh tạo nhiều nguồn dự phòng ổn định, an toàn. Tháng 7/2022 công ty đã hoàn thành lắp đặt 100% công tơ điện tử đo xa cho khách hàng trên địa bàn tỉnh. Việc sử dụng các công tơ điện tử có chức năng đo xa đã giúp PC Lai Châu loại bỏ các trường hợp ghi nhầm, ghi sai chỉ số công tơ, phát hiện kịp thời các sự cố phía sau công tơ của khách hàng… Lưới điện trên địa bàn tỉnh đã mở rộng và được quản lý bằng các công nghệ hiện đại là kết quả của những nỗ lực của PC Lai Châu trong đẩy mạnh chuyển đổi số, số hóa hệ thống lưới điện, xây dựng doanh nghiệp số theo chủ trương của EVN.

Trung tâm Điều khiển xa là kết quả nổi bất của công tác chuyển đổi số của PC Lai Châu

Cung cấp các dịch vụ trên nền tảng số

Với mục tiêu hướng tới doanh nghiệp số có văn hóa mạnh, PC Lai Châu đã không ngừng cung cấp cho khách hàng các dịch vụ trên nền tảng trực tuyến giúp thuận tiện trong giao dịch các dịch vụ điện; đẩy mạnh số hóa trong kinh doanh và dịch vụ khách hàng; tăng cường ứng dụng, khai thác hiệu quả đo xa. Thực hiện chỉ đạo của EVN, Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc (EVNNPC) về đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt theo Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh Lai Châu về triển khai Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công. PC Lai Châu đã ký kết hợp tác với 4 ngân hàng trên địa bàn tỉnh và các đối tác tổ chức trung gian khác như Bưu điện tỉnh, Chi nhánh Viettel Lai Châu thỏa thuận phát hành thẻ thấu chi thanh toán tiền điện, dịch vụ điện nhằm tạo thuận tiện cho khách hàng trong việc thanh toán tiền điện, các dịch vụ điện, đồng thời hạn chế thanh toán tiền mặt.

Bên cạnh đó, công ty cũng tăng cường ứng dụng mở rộng các dịch vụ tiện ích qua các kênh gián tiếp như: trích nợ tự động, thực hiện thu tiền và chấm nợ online 100% khách hàng sử dụng điện; nhắn tin cho khách hàng qua ứng dụng Zalo; các công đoạn đều tiến hành trên nền tảng công nghệ nhằm cung cấp cho khách hàng nhiều kênh thanh toán trực tuyến như Internet Banking, Mobile Banking, Zalo Pay, Payoo, Viettel Money… Hiện PC Lai Châu đang triển khai cung cấp dịch vụ điện cấp độ 4 với 12 dịch vụ điện trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và được kết nối liên thông trên Cổng dịch vụ công quốc gia và tương tác với khách hàng qua mạng xã hội. Đồng thời, tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của khách hàng giao dịch trực tuyến qua Website, App, số tổng đài chăm sóc khách hàng 19006769… Qua đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, chất lượng dịch vụ khách hàng được nâng cao, cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng.

Đến tháng 6/2021 toàn PC Lai Châu đã hoàn thành số hóa 100% các hợp đồng mua bán điện sinh hoạt và chuẩn hóa thông tin khách hàng trên phần mềm và ngoài hiện trường. Tháng 1/2024 PC Lai Châu đã hoàn thành việc dịch chuyển lịch ghi chỉ số công tơ cho toàn bộ khách hàng vào ngày cuối cùng trong tháng. Nhờ đó, khách hàng không chỉ được khai thác dữ liệu qua hệ thống đo xa; chủ động theo dõi sản lượng điện tiêu thụ theo thời gian thông qua ứng dụng chăm sóc khách hàng và có cảnh báo khi sản lượng điện tăng cao bất thường mà còn chủ động được thời gian chốt chỉ số công tơ hàng tháng để theo dõi, giúp Ngành điện công khai, minh bạch về thông tin sử dụng điện…

Hướng tới doanh nghiệp số

Bên cạnh những kết quả nổi bật nhờ chuyển đổi số đem lại cho hệ thống lưới điện và dịch vụ khách hàng, PC Lai Châu còn triển khai tích cực công tác chuyển đổi số trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng và lĩnh vực quản trị điều hành nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường khả năng cạnh tranh góp phần để PC Lai Châu hoàn thành mục tiêu trở thành doanh nghiệp số. Theo đó, PC Lai châu đã áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng như: sử dụng phần mềm IMIS để quản lý toàn bộ quá trình từ lập kế hoạch, lập dự toán, lập hồ sơ mời thầu, đấu thầu, ký hợp đồng, thi công, nghiệm thu, thanh toán…; sử dụng phần mềm GIS để quản lý tài sản và mạng lưới điện; sử dụng phần mềm AutoCAD, Revit… để thiết kế và vẽ bản vẽ kỹ thuật.

Đồng thời, PC Lai Châu đã và đang đưa vào khai thác vận hành hiệu quả trên các phần mềm lõi, ứng dụng dùng chung của EVN, EVNNPC và của PC Lai Châu. Ứng dụng văn phòng không giấy, 100% văn bản đi đến nội bộ được ký số trên môi trường điện tử. Hiện nay gần như toàn bộ dữ liệu doanh nghiệp và quy trình hoạt động quản trị, điều hành, sản xuất kinh doanh của công ty đã và đang được số hóa: Toàn bộ công văn được xử lý qua hệ thống văn phòng số Doffice; dữ liệu nhân sự được quản lý qua phần mềm HRMS; giám sát an toàn lao động qua phần mềm ECP; dữ liệu kinh doanh được số hóa và quản lý qua phần mềm quản lý khách hàng CMIS... Áp dụng triệt để việc tổ chức các cuộc họp, hội nghị, các chương trình đào tạo, tập huấn… được thực hiện trực tuyến thông qua hệ thống hội nghị truyền hình, Zoom từ EVN, EVNNPC đến công ty và các đơn vị trực thuộc.

Với những giải pháp chuyển đổi số đã và đang triển khai, PC Lai Châu đã chứng tỏ được sự năng động, sáng tạo và tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Hướng đến mục tiêu trở thành doanh nghiệp số, trong thời gian tới PC Lai Châu sẽ tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ: tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trên các lĩnh vực theo lộ trình, kế hoạch của EVN, EVNNPC và PC Lai Châu. Cơ bản hoàn tất công tác số hóa dữ liệu, số hóa các quy trình nội bộ đáp ứng công tác quản trị điều hành doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực. Tiếp tục đầu tư xây dựng lưới điện thông minh: TBA kỹ thuật số; TBA không người trực; hệ thống lưới điện thông minh DMS; ứng dụng công nghệ trong sửa chữa theo phương pháp CBM cho các TBA 110kV; sửa chữa điện hotline; khai thác có hiệu quả hệ thống công tơ điện tử và đo xa; đa dạng hóa cung cấp các dịch vụ về điện trên nền tảng số.

Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số theo lộ trình của EVN và kế hoạch của EVNNPC trong đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, quản trị nhân lực, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng năng suất lao động. Đầu tư hạ tầng đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác chuyển đổi số đảm bảo tất cả các hệ thống trong kế hoạch chuyển đổi số vận hành ổn định khi đưa vào khai thác và triển khai. Thực hiện đầy đủ các chính sách, trang bị đầy đủ các giải pháp phần cứng, phần mềm nhằm đảm bảo an toàn an ninh mạng khi mọi hoạt động sản xuất kinh doanh được đưa lên không gian số. Hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ và số hóa quy trình nghiệp vụ đề tiến tới số hóa toàn diện. Đây là cơ sở để PC Lai Châu tiến tới là doanh nghiệp số có văn hóa mạnh góp phần thực hiện chiến lược phát triển bền vững của EVN, EVNNPC và tỉnh Lai Châu.

Link gốc


  • 29/03/2024 08:44
  • Theo baolaichau.vn
  • 3296