Khô hạn nghiêm trọng ở miền Trung, Tây Nguyên
Trong mùa lũ 2012, tổng lượng dòng chảy đến trung bình tháng trên hầu hết các sông ở Trung bộ và khu vực Tây Nguyên đều nhỏ hơn TBNN từ 45% đến 50%, một số tỉnh nhỏ hơn tới 70% như các sông ở Hà Tĩnh và các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa. Trên sông Mê Kông, tổng lượng dòng chảy đến thiếu hụt so với TBNN từ 10% đến 40%. Đỉnh lũ tại các trạm thượng nguồn sông Mê Kông thấp hơn TBNN từ 0,5m đến 1,5m.
Đến cuối tháng 11-2012, hồ chứa thủy lợi ở hầu hết các tỉnh Trung bộ đều thiếu hụt 20-50%, Tây Nguyên thiếu hụt 10-15% so với dung tích thiết kế. Đặc biệt các hồ chứa ở một số tỉnh như Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định thiếu hụt tới 60-80%. Mực nước các hồ chứa thủy điện ở Trung bộ, Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ đều thấp hơn mức dâng bình thường 1-6m, riêng hồ A Vương (Quảng Nam) thấp hơn 32m; Cửa Đạt (Thanh Hóa) 21m.
Dự báo mùa khô 2012-2013, lượng mưa ở Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ phổ biến thấp hơn bình thường, riêng ở Trung bộ thấp hơn nhiều. Dòng chảy trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An có khả năng thấp hơn TBNN 15-30%; các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận thấp hơn 40-50%, có nơi thấp hơn 70-80%; khu vực Tây Nguyên ở mức xấp xỉ TBNN. Tình trạng thiếu nước, khô hạn có khả năng xảy ra nghiêm trọng trên diện rộng ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, xảy ra cục bộ một số vùng thuộc khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ. Độ mặn có khả năng xâm nhập sâu vào vùng cửa sông, ven biển miền Trung.
Thủy điện sông Ba Hạ vận hành hợp lý giữa phát điện và cung cấp nước tưới cho hạ du
|
Thủy điện thiếu nước
Vùng hạ lưu sông Ba, nhiều đoạn mực nước thấp hơn cùng kỳ từ 1,5m đến 1,8m, có đoạn trẻ em cũng có thể lội từ bên này sang bên kia sông. Nguyên nhân sông Ba đột ngột cạn nước một phần do lượng mưa ít, một phần là do Thủy điện Đak Srong 2, Đak Srong 2A và công trình hồ chứa nước Thủy điện An Khê - Ka Nak chặn dòng, tích nước nên mực nước sông giảm xuống nhanh chóng. Đây là hiện tượng chưa bao giờ xảy ra đối với sông Ba.
Lưu lượng nước trên hệ thống sông Sê San chỉ bằng 20% so với năm ngoái. Các hồ thủy điện lớn như Ya Ly, Plei Krông cũng thiếu nước trầm trọng. Công ty Thủy điện Ya Ly cho biết, đến nay hồ chứa của Thủy điện Plei Krông chỉ đạt 537m, trong khi mực nước dâng bình thường là 570m (thấp hơn cùng kỳ 33m), hồ chứa Nhà máy Thủy điện Ya Ly chỉ đạt 494m (thấp hơn cùng kỳ 20m), cả hai hồ chứa đã sát với mực nước chết. Ở thời điểm này năm ngoái, lưu lượng nước trên hệ thống sông Sê San đạt trên 1.000m3/giây, hiện chỉ đạt 200m3/giây, đáp ứng từ 1/3 đến 1/2 công suất tối đa của 2 nhà máy, dẫn đến nguy cơ thiếu điện.
Không chỉ ở Gia Lai mà hầu hết các nhà máy thủy điện phía Nam như Thác Mơ, Trị An, Hàm Thuận - Đạ Mi, Đa Nhim, Đại Ninh... cũng trong tình trạng tương tự; lưu lượng nước từ thượng nguồn về chỉ đạt khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo nhận định của cơ quan chức năng, từ nay đến đầu mùa khô, Tây Nguyên có rất ít mưa, khi nào có bão và không khí lạnh mới có mưa cho khu vực này. Vì vậy, mùa khô tới sẽ là một mùa hạn hán khốc liệt đối với toàn bộ khu vực Tây Nguyên.
Tham gia chống hạn và bảo đảm cung ứng điện
Để bảo đảm mục tiêu chống hạn ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chủ động đề xuất với Cục Điều tiết điện lực tách các nhà máy có lưu lượng nước về thấp và mực nước thấp ra khỏi thị trường phát điện cạnh tranh để điều hành tập trung từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia nhằm tích nước tối đa chuẩn bị cho cấp nước vùng hạ du mùa khô năm 2013. Trung tâm đã và đang phối hợp với các công ty thủy điện và các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên đáp ứng nhu cầu cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp.
Năm nay, sản lượng thủy điện được huy động sẽ gần 54 tỷ kWh; trong đó, mùa khô (từ tháng 1 đến tháng 6) là 20 tỷ kWh. Tuy nhiên, do các hồ không tích được đầy nước nên sản lượng điện thiếu hụt vào mùa khô này sẽ là 1,43 tỷ kWh (tính cả các hồ bậc thang là 2,42 tỷ kWh). Theo EVN, sẽ phải huy động gần 1,6 tỷ kWh chạy dầu FO và DO; trong đó, mùa khô là trên 1,1 tỷ kWh.
Ngoài đảm nhiệm vai trò cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, các nhà máy vẫn phải duy trì phát điện để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện, nhất là thời điểm mùa khô, hệ thống điện quốc gia sẽ luôn vận hành trong tình trạng căng thẳng. Để cung ứng điện, EVN đã tập trung sửa chữa các tổ máy nhiệt điện than, tua bin khí; tích nước tối đa các hồ. Đồng thời đưa Nhà máy Uông Bí mở rộng 2, Thủy điện Bản Chát, tổ máy 1 Nhiệt điện Quảng Ninh 2 vào vận hành nhằm tăng nguồn phát điện mùa khô. EVN phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Khí Việt Nam và các đơn vị phát điện khác bảo đảm nguồn phát cho hệ thống điện.