Dự án cáp điện ngầm xuyên biển đưa điện ra đảo Phú Quốc: Có thể cấp điện vào năm 2014

Lần đầu tiên tại Việt Nam, một dự án cáp ngầm dẫn điện xuyên biển được xây dựng với chiều dài gần 56 km, nối từ đất liền ra đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Phú Quốc “khát” điện

Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát điện đến năm 2020, đảo Phú Quốc đang được đầu tư để trở thành đặc khu hành chính - kinh tế trực thuộc Trung ương trong tương lai gần.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang, mục tiêu phát triển du lịch phải đạt từ 2-3 triệu lượt khách/năm trong 10 năm tới. Bên cạnh đó, việc đưa vào hoạt động sân bay Phú Quốc mới đây cùng hơn 150 dự án đã và đang thực sự đưa huyện đảo hoang sơ thành đại công trường. Như vậy, một trong những khó khăn lớn nhất của Phú Quốc hiện nay chính là nguồn năng lượng phục vụ cho nhu cầu phát triển.

Hiện nay, nguồn điện chính tại chỗ của huyện đảo Phú Quốc là các tổ máy diesel, nhưng liên tục quá tải. Dù chính quyền địa phương đã tăng sản lượng cung cấp lên gấp 6 lần trong vòng 10 năm qua (từ 7,6 triệu kWh lên 45 triệu kWh) nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện ngày càng gia tăng trên đảo. Trong khi đó, ngành Điện phải bù lỗ trung bình 100 tỉ đồng/năm do giá thành sản xuất cao, nhưng giá bán thấp.

Điểm đấu nối cáp ngầm 110 kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc - Ảnh CTV

Theo ông Lê Xuân Thái, Trưởng ban Quan hệ Cộng đồng Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), nếu tiếp tục nâng công suất máy phát diesel, địa phương sẽ gặp rất nhiều khó khăn do chi phí đầu tư quá lớn, giá điện thương phẩm cao (khoảng 5.000 đồng/kWh) và gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với định hướng quy hoạch du lịch xanh.

Kỳ công đưa điện vượt biển

Trước tình hình trên, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương và ngành Điện lập dự án xây dựng tuyến cáp ngầm 110 kV, công suất 131 MVA xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc, giao cho EVNSPC làm chủ đầu tư.Hợp đồng thiết kế, cung cấp và lắp đặt hệ thống cáp ngầm xuyên biển 110 kV nối Hà Tiên - Phú Quốc đã ký với Tập đoàn Prysmian Powerlink S.r.l của Ý. Tập đoàn này phục vụ các công ty điện lực và các nhà điều hành lưới điện trên toàn thế giới, trong đó có nhiều dự án cáp điện lực ngầm xuyên biển tại Úc, Ý, Indonexia, Thái Lan... với những mạch cáp ngầm dài hơn 400 km và ở độ sâu  tới 1.600 m.

Sau một thời gian dài khảo sát thực địa, hiện nhà thầu đang gấp rút sản xuất sợi cáp liền mạch  đưa sang Việt Nam kịp thi công và có thể cung cấp điện lưới quốc gia cho Phú Quốc vào tháng 6/2014.

Quy mô toàn bộ dự án cấp điện lưới quốc gia cho huyện đảo Phú Quốc có tổng mức đầu tư hơn 2.467 tỉ đồng, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB). Đây là khoản tiền trích từ Chương trình Hỗ trợ phát triển chính sách cải cách ngành Điện giai đoạn 2 của WB tài trợ cho Việt Nam.

Để đưa điện ra Phú Quốc, EVNSPC phải đầu tư hơn 77 tỉ đồng cho đường dây 110 kV dài 18 km từ Kiên Lương đến Hà Tiên; 54 tỉ đồng xây TBA công suất 2x40 MVA tại bờ đất liền; 102 tỉ đồng xây TBA và đường dây dẫn điện từ mép nước vào trong đảo. Riêng phần cáp ngầm nằm dưới đáy biển dài liền mạch gần 56 km, có tổng giá trị 66,885 triệu euro. Tính ra, trung bình chi phí cho 1 km cáp ngầm lên tới  40 tỉ đồng.

Một điều kiện rất thuận lợi cho việc thi công cáp ngầm là vùng biển Hà Tiên - Phú Quốc có độ sâu vừa phải. Sau khi hoàn tất công đoạn sản xuất cáp liền mạch cuốn ru-lô, nhà thầu phải thuê tàu chuyên dụng vận chuyển kiêm thi công với giá 180.000 euro/ngày. Khi cáp được chở đến vị trí, tàu này sẽ  thực hiện liên hoàn các thao tác: Đào cuốc rãnh - rải cáp - lấp cáp. Cáp ngầm được chôn ở độ sâu từ 0,7 đến 1,5 m dưới đáy biển.

“Vì giá thuê tàu rất đắt, chúng tôi phải chuẩn bị kỹ mọi thứ và chọn thời điểm biển lặng nhất trong năm để khi cáp chở về là thi công ngay. Theo kế hoạch, riêng công đoạn rải cáp dưới biển kéo dài trong 3 tháng” - ông Lê Xuân Thái cho biết.

 


  • 20/02/2013 08:54
  • Theo Người Lao động
  • 11250


Gửi nhận xét