Những cây cầu nối hai bờ no ấm

Sẽ là không trọn vẹn cho một công trình mang tầm vóc thế kỷ như công trình Thủy điện Sơn La, nếu không có những cây cầu mới, những con đường mới chống ngập được đầu tư xây dựng, tạo nên bức tranh tổng thể về vùng Tây Bắc đang trên đà phát triển. Đây là 1 trong 3 hợp phần quan trọng của dự án.

Cầu Pá Uôn – Cao nhất Việt Nam

Ông Nguyễn Quốc Bình, Phó tổng giám đốc Ban quản lý Dự án 1 (Bộ Giao thông Vận tải), Giám đốc Ban điều hành dự án xây dựng cầu Pá Uôn cho biết: Cầu Pá Uôn bắc qua sông Đà trên tuyến Quốc lộ 279 thuộc xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La.  Cầu có tổng chiều dài 1.273 m, rộng 9 m, được thiết kế bê tông cốt thép dự ứng lực vĩnh cửu, xây dựng trên vùng có điều kiện địa chất phức tạp, thường xuyên xảy ra động đất. Đây là cầu có chiều cao thân trụ 98 m (cao nhất Việt Nam hiện nay), khoan sâu 26 m, nên được xếp hạng công trình cấp đặc biệt.

Quá trình triển khai thi công cầu Pá Uôn đã gặp nhiều khó khăn do trụ cầu quá cao, công nghệ phức tạp và điều kiện thi công về thời tiết và địa chất đều hết sức khắc nghiệt... Nhưng được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Bộ GTVT, được EVN đảm bảo cung cấp vốn, việc xây dựng cầu Pá Uôn đã đảm bảo được tiến độ, đáp ứng được tiến trình nước dâng của Thủy điện Sơn La.

Thi công cầu Pá Uôn - Ảnh Hà Bắc

Cầu Hang Tôm – Quá khứ và hiện tại

Cầu Hang Tôm cũ từng nổi tiếng là cầu dây văng đẹp nhất Tây Bắc. Song cây cầu này sẽ chỉ còn là kí ức khi tích nước hồ Thủy điện Sơn La, biến toàn bộ thị xã Mường Lay (Điện Biên) thành lòng hồ, cầu Hang Tôm cũng sẽ ngập sâu trong nước. Cách cầu Hang Tôm vài trăm mét, một cây cầu bê tông vĩnh cửu khác đang hình thành và sẽ trở thành tuyến giao thông có vị trí chiến lược của vùng Tây Bắc giàu đẹp.

Cầu Hang Tôm mới là loại cầu bê tông đúc hẫng cốt thép dự ứng lực được xây dựng cách cầu cũ chừng 600 m về phía thượng lưu. Cầu dài 362,4 m rộng 9 m gồm 4 nhịp dầm bê tông cốt thép dự ứng lực đặt trên 4 trụ và 2 mố với chiều cao từ đáy sông Đà lên mặt cầu tới trên 70 m, trong đó có 2 nhịp dầm thông thuyền giữa sông dài 120 m, 2 nhịp biên 73 m và 2 nhịp 42 m thi công theo công nghệ đúc hẫng dầm hộp bê tông liên tục khẩu độ lớn. Vốn đầu tư cho công trình khoảng 235 tỷ đồng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, cầu Hang Tôm là một trong những cây cầu bê tông đúc hẫng dự ứng lực khó thi công nhất tại Việt Nam do chiều cao và điều kiện địa hình phức tạp. Chỉ tính riêng khối lượng đá dùng để đổ bê tông cho toàn bộ cây cầu, phải vận chuyển từ các mỏ đá cách xa địa điểm xây dựng hàng trăm km mới thấy hết sự vất vả của các đơn vị thi công. Địa hình núi dốc đứng, mặt bằng thi công chật hẹp cùng sự thiếu thốn về điều kiện ăn ở, sinh hoạt cũng gây những khó khăn nhất định cho những người thợ cầu. Chính vì vậy mà một kỹ sư cầu đường khi hoàn thành cầu Hang Tôm đã tuyên bố một câu xanh rờn xen lẫn chút tự hào: Đã xây được cầu Hang Tôm thì không ngại bất cứ cây cầu nào trên đất nước Việt Nam.

Cầu Lai Hà – nối giao thương huyện nghèo nhất nước

Đây là cây cầu duy nhất nằm trong dự án tránh ngập của Thủy điện Sơn La do EVN làm chủ đầu tư. Cầu Lai Hà nối quốc lộ 12 với thị trấn Mường Tè nằm trên tuyến tỉnh lộ 127 thuộc xã Lê Lợi, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, được bắc qua sông Nậm Na, nhánh đổ ra sông Đà khu vực thị xã Mường Lay.

Cầu Lai Hà có chiều dài 296 m, rộng 8 m, sử dụng công nghệ bê tông cốt thép đúc hẫng cân bằng đối xứng, là công nghệ tiên tiến trên thế giới. Cầu gồm 2 mố bằng bê tông cốt thép trên hệ cọc khoan nhồi đường kính 1 m. Mỗi trụ cầu  đặt trên 16 cọc phân nhồi đường kính 2 m sâu 40 m. Khối lượng vật tư phục vụ cho thi công cầu Lai Hà là rất lớn, bao gồm 14.226 m3 bê tông các loại, thép thường 2.512 tấn, thép dự ứng lực 14 tấn, cáp dự ứng lực 174 tấn.

Những cây cầu và hệ thống giao thông tránh ngập phục vụ công trình Nhà máy Thủy điện Sơn La sẽ mang lại tươi lai tươi sáng cho bà con các tỉnh Tây Bắc - Ảnh Lam Vũ

Ông Phạm Mạnh Thắng, Trưởng phòng kỹ thuật Lai Châu – Ban quản lý dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La – Lai Châu cho biết: “Tuyến tỉnh lộ 127 trong đó có cầu Lai Hà do EVN làm chủ đầu tư, được thiết kế vĩnh cửu đảm bảo vận chuyển thiết bị siêu trường siêu trọng phục vụ công trình Thủy điện Lai Châu, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế, giao thương cho huyện Mường Tè – huyện nghèo nhất đất nước”.

Tương lai tươi sáng…

Những cây cầu và các tuyến đường chống ngập không chỉ là niềm tự hào của công trình Thủy điện Sơn La mà còn thỏa lòng mong đợi, khát khao của nhân dân Tây Bắc. Từ nay, Tây Bắc sẽ chuyển mình, đi lên cùng đất nước nhờ những công trình thủy điện, nhờ những cây cầu và các tuyến đường mới mở liên kết các địa phương trong vùng…

Ông Lưu Văn Lẩu – người dân bản Phiêng Luông II (xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè, Lai Châu) phấn khởi: “Chúng tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước đã xây dựng những con đường, những cây cầu để chúng tôi có thể đi lại dễ dàng. Trước kia đi lại giao thông rất khó khăn, qua cầu Lai Hà cũ hẹp, toàn đá hộc, một số đoạn dốc cua thường xuyên sạt lở núi khi mùa mưa.  Để đi đến trung tâm xã, chúng tôi phải mất nửa ngày đường, giờ đây có đường mới, chỉ đi mất có mấy chục phút thôi”.

Còn anh Lò Văn Thanh (xã Chiềng Ơn huyện Quỳnh Nhai, Sơn La) cũng phấn khởi chia sẻ: “Trước kia để sang huyện Than Uyên (Lai Châu) buôn bán khó lắm, giờ đây có cầu Pá Uôn rồi thì việc buôn bán được thuận lợi hơn, bà con ở đây cũng mang nhiều nông sản sang bán ở  Lai Châu”.

Ông Từ Bá Minh – Chủ tịch UBND thị xã Mường Lay cho biết: Thị xã Mường Lay nằm trên trục đường giao lưu giữa thị xã Lai Châu, thành phố Điện Biên, các huyện Sìn Hồ, Tuần Giáo. Chính vì vậy, cầu Hang Tôm có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương. Chúng tôi đang xây dựng Mường Lay phát triển theo hướng du lịch, thương mại và du lịch nhờ vào những cây cầu và những con đường đi qua thị xã.

Đánh giá về ý nghĩa những cây cầu và những tuyến giao thông trong dự án Thủy điện Sơn La, Đại tá Đào Văn Tuấn - Giám đốc Ban Điều hành Thủy điện Sơn La của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc Phòng) nhìn nhận: Do vị trí chiến lược quan trọng của Tây Bắc đối với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng đòi hỏi phải có mạng lưới đường bộ đáp ứng được các yêu cầu vận tải. Việc xây dựng tuyến quốc lộ 12, tỉnh lộ 127, các cầu Pá Uôn, Hang Tôm, Lai Hà đã hình thành hệ thống giao thông đường bộ thông suốt từ trung ương xuống địa phương và toàn bộ vùng Tây Bắc, gắn kết được đồng bằng với miền núi, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam phát triển bền vững.

 


  • 05/01/2013 02:37
  • Theo sách Thủy điện Sơn La: Trọn vẹn niềm tin
  • 6033


Gửi nhận xét