Trả giá đắt nếu chỉ một sơ sảy

“Vận chuyển những thiết bị “siêu trường, siêu trọng” từ cảng Hải Phòng lên công trình Thủy điện Sơn La, là cả một cuộc chiến đầy cam go, thử thách. Chỉ một sơ sẩy nhỏ, có thể phải trả giá đắt hoặc đánh mất tất cả”. Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Đăng Sâm – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải Đa phương thức Bộ Giao thông  - Vận tải, khi bắt đầu câu chuyện với chúng tôi về quá trình vận chuyển thiết bị lên công trường Thủy điện Sơn La.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh động viên cán bộ công nhân viên  Công ty vận tải Đa phương thức năm 2010 - Ảnh CTV

Đón đầu công nghệ - Giành chiến thắng

Đã bước vào tuổi xưa nay hiếm, nhưng Anh hùng Lao động Nguyễn Đăng Sâm vẫn còn nhanh nhẹn và mẫn tiệp lắm. Lẽ ra, theo chế độ của Nhà nước,  ông đã được vui thú điền viên gần 10 năm, nhưng ông vẫn được lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải tin dùng, giao trọng trách “Tổng tư lệnh” Công ty Cổ phần Vận tải đa phương thức lớn nhất không chỉ ở Việt Nam mà cả khu vực Đông Nam Á.

Ông làm “Tổng tư lệnh” Công ty từ năm 1989, khi nền kinh tế nước ta đang chuyển đổi từ bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong giai đoạn này, nhiều doanh nghiệp nhà nước gặp khó khăn do chưa tìm được hướng đi mới. Chính ở thời điểm đó, để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới, Việt Nam bắt đầu xây dựng các công trình điện cao áp và trung áp. Vì vậy, các thiết bị điện nhập khẩu ngày càng nhiều, khối lượng và trọng lượng thiết bị ngày càng tăng. Trong điều kiện như vậy, Công ty của ông cũng phải đầu tư đổi mới phương tiện vận tải, đáp ứng được việc vận chuyển các thiết bị điện siêu trường, siêu trọng như,  những cuộn dây cáp, máy biến áp cỡ lớn… phục vụ cho thi công các đường dây 220 kV, 500 kV. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành Điện đã tạo điều kiện thuận lợi giúp Công ty ngày càng  lớn mạnh.

Công ty Vận tải đa phương thức đã đặt ra mục tiêu phải chiếm lĩnh được thị trường vận chuyển thiết bị toàn bộ siêu trường, siêu trọng. Công ty đã tập trung đầu tư các thiết bị rơ-mooc hiện đại, chấp nhận cước phí thấp để lấy uy tín trên thị trường. Nhờ đón đầu được công nghệ nên hầu hết các công trình điện như: Thủy điện Ialy, Vĩnh Sơn, Sông Hinh, Bản Vẽ, Plei Krông, Buôn Kuốp, Nhiệt điện Ô Môn, Vũng Áng, Phú Mỹ, Nghi Sơn… đều thuê Công ty Cổ phần Vận tải đa phương thức vận chuyển thiết bị.

“Chính nhờ các dự án điện này mà Công ty đã vươn lên mạnh mẽ và trở thành lá cờ đầu trong vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng ở nước ta”, ông Sâm chia sẻ.

Và đặc biệt, qua những thử thách, cam go khi vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng của công trình Thủy điện Sơn La lại càng khẳng định hơn sự bền bỉ và sức mạnh nội lực của Công ty. Ông Nguyễn Đăng Sâm hào hứng chia sẻ: “Do tính toán trước được việc xây dựng Thủy điện Sơn La cần phải vận chuyển thiết bị nặng, nên chúng tôi đã cho người sang Italia học hỏi công nghệ vận chuyển và nhập khẩu hệ thống rơ-mooc hiện đại bậc nhất thế giới về Việt Nam với giá trị lên đến 15 triệu USD. Loại rơ moóc này được nâng, hạ điều khiển bằng hệ thống thủy lực, có thể lắp ghép ngang, dọc thành đoàn bằng rơ moóc nguyên chiếc hoặc ½ chiếc với nhau để đoàn rơ moóc có chiều dài, chiều rộng phù hợp với kích thước kiện hàng cũng như điều kiện cầu, đường. Chính vì vậy, thành công của Đa phương thức hôm nay chính là biết đón đầu công nghệ để giành lấy chiến thắng”.

Vận chuyển máy biến áp của Nhà máy Thủy điện Sơn La lên công trường - Ảnh CTV

Phương án chỉ Đa phương thức làm được

Khi Nhà nước có chủ trương xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La (năm 2003), Công ty của ông đã vinh dự được lựa chọn làm đối tác. Tiếp đến, năm 2004, Công ty tiếp tục trúng thầu vận chuyển cụm tượng đài nặng 80 tấn lên tỉnh Điện Biên, nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Trong quá trình vận chuyển thiết bị lên Điện Biên, Công ty đã kết hợp khảo sát tuyến đường chuẩn bị cho việc vận chuyện thiết bị lên công trình  Thủy điện Sơn La. Khó khăn nhất chính là việc vận chuyển thiết bị qua cầu Mường La. Sau nhiều  lần khảo sát, tính toán, Công ty đã đưa ra 3 phương án: Thứ nhất là làm phà qua sông trên cơ sở những chiếc phà cũ Tạ Pú. Đây là phương án rất khó thực hiện bởi địa hình và mực nước tại sông ở khu vực Tây Bắc phức tạp, độ dốc cao, nước chảy xiết vào mùa mưa và rất cạn về mùa khô, trong khi đó những thiết bị siêu trường siêu trọng nặng đến hàng trăm tấn, rất khó sử dụng phương án này.

Phương án thứ 2 là gia cố cầu. Hành trình vận chuyển được đưa ra là:  Thiết bị từ Hải Phòng về qua Hà Nội, lên Bến Ngọc (thành phố Hòa Bình), vượt đập Thủy điện Hòa Bình bằng đường bộ lên cảng Ba Cấp (thượng lưu đập Thủy điện Hòa Bình) rồi từ đó qua cảng Tà Hộc (Sơn La), tiếp tục vận chuyển bằng đường bộ vào Nhà máy Thủy điện Sơn La. Phương án này gặp khó khăn là từ Bến Ngọc lên cảng Ba Cấp phải qua 2 cây cầu (cầu Trắng và cầu Đồng Tiến), 2 cây cầu này tải trọng tối đa cho phép là 13 tấn. Không những vậy, theo phương án này, từ cảng Tà Hộc đến Nhà máy Thủy điện Sơn La khoảng 70 km nhưng có đến 17 cây cầu, mà khó khăn nhất chính là cầu Mường La - cửa ngõ đi vào công trình. Vì vậy, phương án gia cố cầu được đưa ra. “Tuy nhiên theo tính toán của chúng tôi, việc gia cố cầu chỉ đi được mùa khô, còn mùa mưa nước lũ về sẽ cuốn trôi hết các thiết bị gia cố. Nếu vận chuyển vào mùa khô thì các tàu không thể đi được trên những đoạn sông. Tuy nhiên, trong trường hợp bí nhất, phương án này vẫn có thể thực hiện, tuy nhiên sẽ rất tốn kém (khoảng 30 đến 50 tỷ đồng/lần gia cố cầu, chưa tính gia cố cầu Mường La) và phải thụ động chờ thiết bị, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công công trình”, ông Sâm chia sẻ.

Phương án cuối cùng đã được Công ty đưa ra – một phương án mà chỉ có Đa phương thức mới có thể làm được. Đó là dùng 10 trục đầu kéo lớn loại trên 500CV/chiếc và dùng 150 rơ-mooc thủy lực hiện có của Công ty nối thành hệ thống để phân bổ tải trọng trên các trục rồi kéo các thiết bị đi qua các cầu. Công ty tính toán, với năng lực hiện có, Công ty đủ sức vận chuyển các thiết bị siêu trường, siêu trọng lên Sơn La. Phương án này đã được các công ty tư vấn thiết kế hàng đầu của ngành Giao thông Vận tải Việt Nam phối hợp với Đa phương thức tính toán thiết kế (cầu lớn hầm của TECDI và HECO) qua thẩm định của Trường Đại học Giao thông Vận tải.

Với việc tính toán kỹ các phương án và phân tích những ưu, nhược điểm, Ban chỉ đạo nhà nước về công trình Thủy điện Sơn La đã yêu cầu Công ty ra Hà Nội để trình bày và bảo vệ phương án vận chuyển thiết bị. Chính việc tính toán hợp lý, có cơ sở khoa học đã  thuyết phục được Ban chỉ đạo nhà nước chấp thuận cho Công ty vận chuyển thiết bị lên Thủy điện Sơn La.

Bằng hệ thống Rơ mooc hiện đại, Công ty vận tải Đa phương thức đã vận chuyển được thiết bị nặng 280 tấn lên Thủy điện Sơn La - Ảnh CTV

An toàn, tiến độ là tuyệt đối

Kể về chuyện vận chuyển thiết bị lên Sơn La, ông Sâm rành rẽ đến từng chi tiết. Ông cho biết, đích thân ông là người đứng ra bảo vệ, chứng minh năng lực việc vận chuyển với Ban Chỉ đạo nhà nước, rồi khi vận chuyển  những kiện hàng quan trọng ông đều tham gia.

Năm 2007, Công ty bắt tay vào vận chuyển 3 gói thiết bị: Thiết bị bình thường, thiết bị thủy công và gói siêu trường, siêu trọng. Năm 2008, các thiết bị được nhập khẩu về Việt Nam, Công ty đã chuẩn bị củng cố phương tiện, tiếp nhận rơ-mooc mới, mua thêm lốp dự phòng. Quá trình vận chuyển thiết bị từ Hải Phòng lên đến cảng Tà Hộc về cơ bản như phương án đã chuẩn bị. Thế nhưng khi kiểm tra lần cuối để đón tổ máy số 1 nhập về Hải Phòng đưa lên Nhà máy thì hạn hán nặng đột biến trái quy luật, đã làm cho mực nước cảng Bến Ngọc sụt giảm trên 3 mét, sà lan không thể cập bến được mà chỉ neo ở giữa sông.

Chúng tôi khẩn trương đề xuất, được ông Thái Phụng Nê (Phó Ban chỉ đạo Nhà nước) đồng ý và ông đã chỉ đạo các lực lượng ngành Điện, Quốc phòng phối hợp với Đa phương thức để mở mới một bến nghiêng dài 200 m, rộng 15 m bằng bê tông ở bờ Bắc đập Thủy điện Hòa Bình cách cửa nhận nước về hạ lưu đập khoảng 2 km đường chim bay, phối hợp thi công liên tục ngày đêm, chỉ sau 20 ngày bến đã hoàn thành mà bình thường phải mất 3 tháng. Nhờ vậy, khi sà lan đưa thiết bị lên Hòa Bình là có bến tiếp chuyển ngay không 1 ngày chờ đợi.

Tuy nhiên, đoạn đường 70 km từ cảng Tà Hộc vào đến công trình mới nan giải. Cung đường ở đây khúc khuỷu, lúc lên dốc, lúc xuống dốc, xe đi chậm như bò ngoài đường, phải mất 20 ngày mới đến nơi. Vất vả nhất chính là khi gặp núi,  xe không thể cua được, đành phải chuyển từ rơ-mooc dài sang rơ-mooc ngắn rồi qua đoạn đó lại chuyển sang rơ-mooc dài. Qua 17 cầu phải chuyển qua, chuyển lại rơ- mooc đến 34 lần.

Tổng khối lượng Công ty vận chuyển lên Sơn La: 17.000 tấn

- Trong đó thiết bị siêu trường, siêu trọng: 8.000 tấn.

-  Tổng chi phí cho vận tải: 106 tỷ đồng.

Năm 2012, Tập đoàn Truyền thông đa phương tiện KHL (Anh) công bố Bảng xếp hạng thường niên 50 công ty vận tải thiết bị siêu trường siêu trọng hàng đầu thế giới, trong đó Công ty CP Vận tải Đa phương thức đứng thứ 28/1.300 công ty thành viên của Hiệp hội Vận tải và Lắp đặt thiết bị siêu trường siêu trọng quốc tế.

Phải nói rằng, việc xẻ núi, mở đường cũng không khó bằng việc tính toán sao cho vận chuyển được thiết bị qua cầu Mường La. Đây chính là nút thắt quan trọng nhất để Công ty hoàn thành sứ mệnh vận chuyển thiết bị vào công trình. Bằng phương pháp nối nhiều mô-đun của rơ-mooc thành những dàn mooc, Công ty đã cử người sang bên nước chế tạo thiết bị, tìm hiểu, tính toán và khẳng định cầu Mường La có thể qua được, cầu có độ võng ở mức cho phép. Vậy là máy biến áp nặng 280 tấn của tổ máy số 1 Nhà máy Thủy điện Sơn La đã được vận chuyển qua cầu an toàn, độ võng mới đến 70% quy định của thiết kế cho phép.

Và quả thực, sau khi vận chuyển thành công chuyến hàng đầu tiên qua cầu Mường La, toàn thể cán bộ công nhân viên các đơn vị trên công trường chứng kiến đều vỗ tay reo hò, vui mừng. Còn những người lãnh đạo thì thở phào nhẹ nhõm, như trút được gánh nặng ngàn cân.

Ông Sâm chia sẻ: “Mỗi trục mooc nặng 4 tấn, mà qua cầu cần 60 trục mooc cùng với hệ thống đầu kéo và tải trọng của máy biến áp, vì thế tổng trọng tải qua cầu là 550 tấn. Chúng tôi luôn tính toán đầu mooc và mooc không nằm trên 1 nhịp cầu và phải có hệ thống dây cáp. Tôi nhớ lúc chở thiết bị qua cầu Mường La, không ai dám đi theo vì sợ cầu sập, mà chỉ có tôi và ông Hoàng Trọng Nam (Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La hiện nay), một người ngồi đầu xe, một người ngồi cuối xe để trấn an anh em lái xe”.

 “Đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời làm công tác vận tải của tôi. Việc đưa được máy biến áp số 1 qua cầu thành công thì các kiện hàng khác sẽ thuận lợi và tự tin hơn. Mọi yêu cầu của công trình chúng tôi đều thực hiện nghiêm túc, đáp ứng được tiến độ với kinh phí hợp lý nhất. Những gì tinh hoa nhất của Công ty chúng tôi đều dồn vào Thủy điện Sơn La với phương châm “An toàn là tuyệt đối, tiến độ là tuyệt đối”, ông Nguyễn Đăng Sâm thổ lộ.

 


  • 05/01/2013 01:20
  • Theo sách Thủy điện Sơn La: Trọn vẹn niềm tin
  • 3591


Gửi nhận xét