Nắng nóng cùng hiệu ứng đô thị nên thợ điện phải làm việc trong điều kiện nhiệt độ lên tới hơn 40 độ C. Trong ảnh: Công nhân Đội quản lý điện số 1, Công ty Điện lực Long Biên thực hiện chống quá tải tại phố Ngọc Lâm, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên (Hà Nội) do nhu cầu dùng điện tăng đột biến trong nắng nóng gay gắt, ngày 3/7/2018 - Ảnh: Kim Oanh
|
PV: Ông có thể cho biết tình hình tiêu thụ điện kể từ đầu mùa nắng nóng năm nay như thế nào?
Ông Vũ Xuân Khu: Hiện tại, khu vực Bắc và Trung bộ đang trải qua những ngày nắng nóng cao điểm. Riêng miền Bắc, từ đầu mùa đến nay đã trải qua 2 đợt nắng nóng.
Đợt nắng nóng đầu tiên từ ngày 19 – 23/6. Trong đó, ngày 22/6, sản lượng tiêu thụ điện toàn quốc lên tới gần 711 triệu kWh, tăng 69 triệu kWh nếu so với sản lượng ngày cao nhất của năm 2017. Sản lượng tăng thêm này cũng tương đương với mức tiêu thụ của khoảng 4 tỉnh/ thành phố phía Bắc.
Đợt nắng nóng thứ hai đang diễn ra và dự báo còn gay gắt, kéo dài hơn so với đợt 1, với nền nhiệt phổ biến từ 38 độ C - 42 độ C. Ghi nhận vào ngày 2/7, sản lượng điện tiêu thụ của miền Bắc đạt xấp xỉ 345 triệu kWh, tăng trưởng 11,14% so với năm 2017, công suất cực đại lên tới 16.655 MW tăng trưởng 12%. Những con số công suất và sản lượng này của miền Bắc là cao nhất trong lịch sử và được dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng.
Ông Vũ Xuân Khu - Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia
|
PV: Thưa ông, người dân lo ngại khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến do nắng nóng thì có thể sẽ phải tiết giảm điện để đảm bảo an toàn cho hệ thống?
Ông Vũ Xuân Khu: Trong các ngày nắng nóng vừa qua, hệ thống điện vẫn vận hành an toàn, ổn định. Thời gian tới, EVN sẽ tiếp tục đảm bảo cung cấp đủ điện cho toàn hệ thống mà không phải tiết giảm điện.
Đây là kết quả của sự chuẩn bị kỹ lưỡng của EVN và các đơn vị thành viên ngay từ đầu năm. Trong đó, đã xây dựng các phương án vận hành hệ thống điện trong tình huống cực đoan nhất, như mức tăng trưởng công suất cực đại 12,5% đối với miền Bắc trong mùa nắng nóng thì thực tế các ngày qua đã đạt đến mức tăng trưởng 11,5%.
Trước đó, Tập đoàn cũng chỉ đạo các đơn vị tập trung công tác sửa chữa nguồn điện, lưới điện ngay từ cuối năm 2017 và quý I/2018, đảm bảo từ quý II/2018 hệ thống điện có độ sẵn sàng vận hành ở mức cao nhất. Các nhà máy thủy điện cũng được khai thác hợp lý để đáp ứng nhu cầu huy động của hệ thống điện, cũng như nhu cầu sử dụng nước ở phía hạ du trong thời kỳ cao điểm của mùa khô.
EVN cũng đã chỉ đạo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia và các đơn vị liên quan chủ động bố trí lịch sửa chữa nguồn điện, lưới điện truyền tải hợp lý, đảm bảo đủ công suất khả dụng để đáp ứng nhu cầu phụ tải được dự báo còn có thể lớn hơn nhiều so với hiện nay.
Trong những ngày nắng nóng cao điểm, các tổng công ty điện lực sẽ không triển khai công tác trên lưới có ảnh hưởng đến việc cung cấp điện cho khách hàng; đồng thời, tăng cường lực lượng vận hành và ứng trực để xử lý nhanh các tình huống bất thường có thể xảy ra.
Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng điều hòa nhiệt độ và các thiết bị làm mát tăng rất cao trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt này cũng có thể dẫn đến nguy cơ đầy tải và quá tải lưới điện cục bộ ở một số khu vực, gây mất an toàn ổn định vận hành hệ thống điện. Do vậy, chúng tôi kêu gọi các cơ quan, công sở và người dân cần chung tay với ngành Điện trong việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.
PV: Xin cảm ơn ông!