EVNNPT hướng đến mục tiêu "top" đầu châu Á

Sau 10 năm thành lập, vượt qua nhiều gian khó, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra và đang hướng đến giữ vị trí một trong các đơn vị truyền tải đứng đầu châu Á vào năm 2025. Làm thế nào hiện thực hóa mục tiêu này? Phóng viên TCĐL đã có cuộc trao đổi với TS. Đặng Phan Tường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVNNPT.

Ông Đặng Phan Tường

PV: Thưa ông, 10 năm qua, thành tựu nổi bật nào của EVNNPT mà ông tâm đắc nhất?

Ông Đặng Phan Tường: 10 năm qua, hệ thống truyền tải điện quốc gia đã có bước phát triển vượt bậc về quy mô và ngày càng nâng cao về chất lượng, trình độ công nghệ. EVNNPT đã vận hành an toàn, liên tục, ổn định hệ thống truyền tải điện quốc gia với tổng sản lượng điện truyền tải là 1.184,7 tỷ kWh, mức tăng trưởng bình quân đạt 10,95%/năm, góp phần quan trọng cùng EVN đảm bảo cung cấp điện ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đến nay, hệ thống truyền tải điện quốc gia đã vươn tới tất cả các tỉnh, thành, trong cả nước và kết nối với lưới truyền tải điện của Trung Quốc, Lào, Campuchia. Trình độ KHCN ngày càng hiện đại với đường dây truyền tải nhiều mạch, nhiều cấp điện áp, truyền tải bằng cáp ngầm 220 kV, trạm GIS 220 kV, TBA không người trực, hệ thống điều khiển tích hợp bằng máy tính, thiết bị định vị sự cố, giám sát dầu online, hệ thống SCADA...

PV: Được biết, Tổng công ty đã đặt mục tiêu đến năm 2025, sẽ là một trong các đơn vị đứng đầu châu Á về chất lượng dịch vụ truyền tải điện. Ông có thể cho biết rõ hơn về mục tiêu này?

Ông Đặng Phan Tường: EVNNPT đã xây dựng và đang thực hiện Chiến lược phát triển EVNNPT đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040 với quan điểm phát triển như sau:

Phát triển bền vững lĩnh vực truyền tải điện: Lĩnh vực truyền tải điện phải đi trước một bước, đáp ứng yêu cầu truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam.

Đẩy mạnh hiện đại hóa lĩnh vực truyền tải điện trong tất cả các khâu, từ quản lý vận hành, dịch vụ sửa chữa, đầu tư phát triển, quản trị doanh nghiệp; sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường điện. Nâng cấp và phát triển hệ thống truyền tải điện, đảm bảo khả năng truyền tải công suất từ các nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn, nâng cao độ an ninh, an toàn lưới điện và chất lượng dịch vụ truyền tải điện.

Đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu KHCN của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong tất cả các lĩnh vực hoạt động như: Xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống truyền tải điện, dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện, quản trị doanh nghiệp,… Huy động tối đa mọi nguồn lực trong và ngoài EVNNPT, đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định, với chất lượng và độ tin cậy cung cấp điện ngày càng cao, đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế - kĩ thuật. Phát triển lĩnh vực truyền tải điện phải thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo sự phát triển bền vững và phù hợp với chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.

PV: Để đạt được mục tiêu này, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẽ có tính quyết định. Vậy EVNNPT đã chuẩn bị nguồn nhân lực như thế nào thưa ông?

Ông Đặng Phan Tường: Hiện nay, EVNNPT đã xây dựng được đội ngũ cán bộ quản lý các cấp có trình độ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đề ra. Các chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực hàng năm và dài hạn của Tổng công ty được xây dựng trên cơ sở nhu cầu thực tế công việc và luôn bám sát mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ công nhân vận hành, cán bộ, chuyên gia kỹ thuật. EVNNPT cũng thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức các hội nghị, hội thảo theo chuyên đề, các chương trình học tập tại các đơn vị trong, ngoài nước.

Tuy nhiên, hiện nay, lực lượng công nhân vận hành vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng xử lý công việc còn hạn chế cũng là những cản trở lớn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và tiếp thu những kiến thức công nghệ mới của thế giới.

Cùng với việc nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong lĩnh vực truyền tải điện, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng kĩ thuật tiến bộ, công nghệ mới, công nghệ thông tin vào các lĩnh vực hoạt động của Tổng công ty. Xây dựng giải pháp khắc phục những tồn tại và xây dựng hệ thống truyền tải điện quốc gia đồng bộ, hiện đại, trên cơ sở phát triển lưới điện thông minh, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực sửa chữa đường dây và TBA áp đang mang điện (sửa chữa nóng),… cũng là những nhiệm vụ chúng tôi tập trung thực hiện trong thời gian tới.

PV: EVNNPT có những định hướng gì cho phát triển lưới điện thông minh trong tương lai?

Ông Đặng Phan Tường:  EVNNPT đã xây dựng và đang triển khai thực hiện "Đề án Lưới điện thông minh" góp phần hiện đại hóa hệ thống truyền tải điện; nâng cao độ tin cậy, hiệu quả vận hành lưới truyền tải điện; giảm tổn thất điện năng và tăng năng suất lao động. Để đạt được các mục tiêu trên, EVNNPT đang triển khai các nhóm giải pháp như, nâng cao độ ổn định lưới điện, ổn định điện áp và cân bằng công suất phản kháng.

Đồng thời, nâng cao khả năng giám sát và điều khiển xa, nâng cao hiệu quả của hệ thống truyền tải điện. Bên cạnh đó, Tổng công ty tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực  chất lượng cao, có đủ trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ mới trong lưới điện thông minh.

PV: Một trong những khó khăn lớn hiện nay là huy động vốn đầu tư phát triển lưới điện. Vậy EVNNPT đã có những  giải pháp gì cho vấn đề này?

Ông Đặng Phan Tường: Theo Quy hoạch (điều chỉnh) phát triển điện lực Quốc gia đến năm 2020, có xét đến năm 2030, giai đoạn 2017 - 2020, nhu cầu đầu tư của EVNNPT vào khoảng 105.000 tỷ đồng, xây dựng 270 dự án về đường dây, trạm biến áp.

Để huy động nguồn vốn lớn như vậy, EVNNPT đã xây dựng các kế hoạch và triển khai sớm các thủ tục thu xếp vốn cho các dự án đã được giao, đồng thời, tìm cách cân đối, sử dụng hợp lý nguồn vốn của EVNNPT để trả nợ vay và làm vốn đối ứng; thực hiện các thủ tục thu xếp vốn ODA đối với các dự án đã có cam kết của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á… và huy động các nguồn vốn tín dụng thương mại trong nước.

PV: Xin cám ơn ông!

Hiện EVNNPT đang quản lý, vận hành:

- 7.503 km đường dây 500 kV và 16.865 km đường dây 220 kV

- 28 TBA 500 kV và 113 TBA 220 kV

- Tổng dung lượng máy biến áp: 81.288 MVA


  • 21/07/2018 02:21
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 16132