Hiểm nguy luôn cận kề
Cô Tô hôm nay không còn cảnh hoang sơ, buồn tẻ ngày nào, thay vào đó là cuộc sống nhộn nhịp từ sáng đến tối, các công trình cao tầng, nhà nghỉ, khách sạn, dịch vụ… mọc lên san sát với sự có mặt của đông đảo du khách thập phương... Tất cả đã tạo nên bộ mặt tươi sáng của Cô Tô ngày mới. Theo người dân trên đảo, Cô Tô “thay da đổi thịt’ là nhờ Dự án đưa lưới điện ra đảo Cô Tô, hoàn thành vào tháng 10/2013.
Tròn 3 năm kể ngày lưới điện quốc gia lần đầu tiên vượt biển, phủ điện trên đảo Cô Tô, những người thợ điện Cô Tô không thể nhớ hết mọi gian nan, vất vả đã trải qua. Anh Phạm Gia Phả - Đội phó kiêm An toàn vệ sinh viên Đội quản lý đường dây và trạm biến áp số 2 (khu vực Cô Tô) cho biết, trên đảo, mưa gió thất thường nên việc quản lý, vận hành lưới điện cũng vất vả hơn nhiều so với đất liền. Đặc biệt, ở Cô Tô có đảo Thanh Lân nằm tách biệt, nên việc xử lý sự cố trong những ngày giông bão rất gian nan, nguy hiểm.
Anh Phả cho biết, tháng 7 năm nay, anh và đồng nghiệp những tưởng đã bị sóng biển nhấn chìm. “Hôm đó, đường dây 475 ở xã Thanh Lân bị chạm đất do sét đánh. Tôi với anh Hùng - Trưởng phòng Kỹ thuật phải thuê thuyền sang xử lý. Tuy nhiên, sang đến Thanh Lân, thuyền không thể đi vào được vị trí sự cố, chúng tôi phải mượn mảng xốp của dân để tiếp tục di chuyển. Xử lý xong sự cố quay về, trời bỗng đổ mưa to, gió lớn. Hai anh em dập dềnh trên mảng xốp, tưởng chừng có thể bị sóng biển đánh úp bất cứ lúc nào. Lúc đó, chúng tôi đã cho điện thoại vào túi bóng và chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Đến 3 giờ sáng, khi về đến đảo Cô Tô, mới thực sự có được cảm giác mình đã sống sót trở về”, anh Phả chia sẻ.
Thợ điện Cô Tô vượt sóng sang đảo Thanh Lân xử lý sự cố
|
Giông bão đã vậy, vào cao điểm mùa du lịch, thợ điện trên đảo Cô Tô cũng phải “trực chiến” suốt ngày đêm. Sau khi có điện lưới quốc gia, các dịch vụ du lịch trên đảo phát triển mạnh, kéo theo nhu cầu phụ tải tăng cao. Mặc dù Công ty Điện lực Quảng Ninh đã nỗ lực, đầu tư đáp ứng nhu cầu phụ tải, nhưng tình trạng quá tải, nhảy aptomat vẫn không thể tránh khỏi.
Anh Nguyễn Trần Tuấn Linh - Đội trưởng Đội Quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp số 2 cho biết, vào mùa du lịch, để đảm bảo cho dòng điện luôn thông suốt, ban ngày anh em thực hiện nhiệm vụ quản lý vận hành, buổi tối tiếp tục “trực chiến” tại các trạm biến áp, xử lý kịp thời các sự cố.
Thắm tình thợ điện - dân đảo
Nhưng ấn tượng nhất đối với tôi là tình cảm của người dân trên đảo dành cho công nhân ngành Điện. Có lẽ, đây cũng chính là lý do mà dù vất vả, gian nan, những người “lính áo cam” vẫn nguyện gắn bó với công việc, với mảnh đất và con người nơi đảo xa.
Theo anh Nguyễn Việt Thịnh - Công nhân Đội Quản lý vận hành đường dây và TBA số 2: “Sự đùm bọc, quý mến của đồng nghiệp, người dân trên đảo đã giúp chúng tôi vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Người dân trên đảo thân thiện lắm. Mỗi lần đến sửa điện hay giới thiệu về an toàn điện, chúng tôi lại được bà con tặng quả cam, quả bưởi bồi dưỡng. Tuy giá trị vật chất không nhiều, nhưng đây là những món quà tinh thần vô cùng quý giá”, anh Thịnh chia sẻ.
Anh Nguyễn Trần Tuấn Linh vẫn còn nhớ như in kỉ niệm với người dân hồi mới ra đảo. Lần đó, anh cùng đồng nghiệp đi giải quyết sự cố trên đảo Thanh Lân vào một ngày mưa to, gió lớn. Dù đã mặc áo mưa, nhưng mấy anh em vẫn ướt như chuột lột. Phải mất nhiều giờ liền, khi thì xuyên rừng, lúc lại bì bõm trên những con đường đầy bùn đất; liên tục từ sáng đến tối mới xử lý xong sự cố. Cả ngày làm việc dưới mưa, gió, không có gì vào bụng, anh em vừa đói, vừa rét lại mệt. Trên đảo Thanh Lân ngày ấy lại không có một nhà nghỉ hay quán bán hàng nào.
“Rất may, một hộ gia đình đã mời chúng tôi vào trú mưa, uống nước, cho chúng tôi tắm rửa, mượn quần áo khô để mặc, nấu cơm rồi bố trí chỗ ngủ. Lần đầu tiên trong đời, chúng tôi nhận được sự đùm bọc, giúp đỡ đầy tình nghĩa của người dân trên đảo… Kể từ đó, thợ điện và những người dân trên đảo luôn coi nhau như người thân ruột thịt trong nhà. Mỗi khi có công việc sang đảo Thanh Lân, chúng tôi lại được chào đón như những người thân đi xa trở về”, anh Linh chia sẻ.
Với người dân, khi được hỏi về thái độ làm việc của thợ điện, ai cũng dành cho họ những lời thương yêu, trìu mến. Bác Bùi Đức Bổng (khu 1, thị trấn Cô Tô) chia sẻ, “dù nắng hay mưa, hễ có sự cố, tôi lại thấy công nhân áo cam thắt dây bảo hiểm, trèo cột, không quản ngại khó khăn. Thợ điện ở đây sửa chữa điện cho người dân như làm cho chính gia đình mình vậy. Do đó, người dân trên đảo cũng xem thợ điện như người nhà. Mối thân tình giữa thợ điện với bà con hải đảo ngày càng bền chặt, gắn kết”.
Công việc gian nan, vất vả, lại phải xa gia đình, nhưng lòng yêu nghề, sự ghi nhận của khách hàng, tình cảm của người dân trên đảo là động lực để những người “lính áo cam” tiếp tục nỗ lực, cống hiến “giữ” cho dòng điện luôn thông suốt. Họ thực sự là “những người lính thời bình”, đang ngày đêm thầm lặng góp sức cùng ngành Điện hoàn thành chiến lược đảm bảo điện cho biển đảo, góp phần giữ vững chủ quyền an ninh trên mảnh đất tiền tiêu của Tổ quốc.
Anh Nguyễn Việt Thịnh - Công nhân Đội Quản lý vận hành đường dây và TBA số 2: “Vào các tháng cao điểm mùa du lịch, hầu như cả đội không ai về thăm nhà. Có đồng nghiệp, vợ ra đảo thăm chồng rồi kiêm luôn “xe ôm” chở chồng đi chốt chỉ số công tơ”.
Huyện đảo Cô Tô:
- Nằm cách đất liền 60 hải lý.
- Diện tích đất tự nhiên: 4.179 ha.
- Gồm 30 hòn đảo lớn, nhỏ.
- Vùng biển (vùng ngư trường) thuộc huyện: Rộng trên 300 km2.
- Dân số: Hơn 7.000 người.
Đội quản lý, vận hành đường dây và trạm biến áp số 2:
- Tổng số CBCNV: 13 người
- Quản lý và vận hành:
+ Gần 48 km đường dây 22 kV, trong đó cáp ngầm xuyên biển là 17,539 km, đường dây trên không là trên 30 km, gồm cả đường dây khách hàng.
+ Trên 42 km đường dây hạ thế.
+ 31 TBA, với tổng dung lượng 8.000 kVA.
|