Việc đưa công trình vào vận hành thời điểm này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo điện cho miền Nam trong những tháng mùa khô năm nay và các năm tiếp theo.
Công trình có quy mô đầu tư xây dựng thay thế MBA AT2 hiện hữu 500 kV- 450 MVA bằng MBA 500 kV – 900 MVA (nâng công suất TBA 500 kV Ô Môn từ 1.050 MVA lên 1.500 MVA) và xây dựng mới, bổ sung, thay thế, cải tạo các thiết bị cho phù hợp với MBA mới.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 230 tỷ đồng do EVNNPT làm chủ đầu tư; Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 3 tư vấn thiết kế; Công ty Truyền tải điện 4 (PTC4) đại diện chủ đầu tư điều hành quản lý dự án; Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Sông Lam thi công phần móng; các đơn vị trực thuộc PTC4 thi công phần đấu nối, lắp đặt thiết bị nhất thứ, nhị thứ, thí nghiệm máy biến áp 900 MVA và phối hợp giám sát công trình.
TBA 500 kV Ô Môn được nâng công suất thành công, đáp ứng nhu cầu điện cho miền Nam - Ảnh: NPT
|
Theo EVNNPT, công trình “Nâng công suất TBA 500 kV Ô Môn” được đầu tư xây dựng nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng của khu vực miền Tây Sông Hậu, đồng thời khai thác được các nguồn điện có giá thành rẻ, tăng hiệu quả vận hành trong trường hợp Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau giảm phát (do bảo trì hoặc nguồn cấp khí có sự cố) và các nguồn điện mới trong khu vực chưa vận hành kịp.
Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tổng chênh lệch sản lượng điện trong 1 năm do việc nâng công suất máy biến áp (từ 450 MVA lên 900 MVA) tại TBA 500 kV Ô Môn là 122,8-133,1 triệu kWh, và do chênh lệch đơn giá giữa dầu và khí Cà Mau khoảng 2.400 đồng/kWh thì số tiền tiết kiệm được vào khoảng 294,7- 319,4 tỷ đồng/năm.
Đơn cử, trong giai đoạn cắt khí PM3 hàng năm 14 ngày để bảo dưỡng, sửa chữa thì sản lượng dầu cần huy động nếu chưa nâng công suất khoảng 131,2 triệu kWh, trong khi đó, nếu nâng công suất máy biến áp lên 900 MVA thì sản lượng dầu cần huy động chỉ còn khoảng 69,8 triệu kWh. Sản lượng chênh lệch khoảng 61,4 triệu kWh. Chưa kể các trường hợp sự cố khí PM3 khác, thường xảy ra từ 14 đến 15 ngày/năm, chênh lệch sản lượng từ 61,4 triệu kWh đến 71,7 triệu kWh.
Riêng việc rút ngắn thời gian thi công, đưa vào vận hành sớm công trình nâng công suất TBA 500 kV (trước 1 tháng), theo ông Võ Đình Thủy - Giám đốc Công ty Truyền tải điện 4, đã giúp tiết kiệm khoảng 40 tỷ đồng. Để làm được điều này, hàng ngày các cán bộ, kỹ sư quản lý dự án lên kế hoạch làm việc và cố gắng hoàn thành các bước theo kế hoạch đề ra, cố gắng hết sức để hoàn thành và đưa vào vận hành trong thời gian sớm nhất. Với sự chỉ đạo sát sao quyết liệt của lãnh đạo EVNNPT và công trình được Công ty Truyền tải điện 4 huy động thêm nguồn lực thợ có tay nghề từ một số đơn vị Truyền tải lân cận về nên công trình đã rút ngắn tiến độ được 1 tháng so với kế hoạch đề ra (kế hoạch hoàn thành trước 30/6/2015).
Việc rút ngắn tiến độ sẽ làm lợi hàng chục tỉ đồng cho Nhà nước, điều ấy thật sự có ý nghĩa khi toàn ngành Điện đang thực hiện chủ trương tối ưu hóa chi phí. Nhưng quan trọng hơn là miền Tây Nam bộ sẽ được cung cấp điện an toàn, ổn định trong mùa khô này.
Do tính cấp bách, hiệu quả đầu tư nên Dự án nâng công suất TBA 500 kV Ô Môn đã được EVNNPT chọn làm công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ Tổng công ty lần thứ II, nhiệm kỳ 2015-2020 và đăng ký gắn biển thi đua cấp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Trạm biến áp 500 kV Ô Môn
- Công trình Nâng công suất được khởi công 6/3/2015
- Địa điểm: Khu vực Thới Lới, phường Thới An, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ
- Nhiệm vụ: Truyền tải điện năng từ cấp điện áp 500 kV xuống điện áp 220 kV khu vực miền Tây và truyền tải điện năng từ cấp điện áp 220 kV khu vực miền Tây và hệ thống điện quốc gia cấp điện áp 500 kV
- TBA được đưa vào vận hành từ tháng 5/2010 gồm 2 MBA 500 kV (600 MVA và 450 MVA)
- Công trình Nâng công suất TBA 500 KV Ô Môn phù hợp với kế hoạch đầu tư phát triển lưới điện truyền tải 2014, có xét đến 2018 đã được Bộ Công Thương phê duyệt theo quyết định số 5320/QĐ-BCT ngày 13/06/2014)
|