|
Để có mức cacbon thấp, thế giới không thể xem than đá là nguồn năng lượng chủ chốt |
Trong báo cáo đánh giá về tiến trình liên quan năng lượng và biến đổi khí hậu của IEA, khi Bắc Mỹ bắt đầu giảm tiêu thụ than đá, nhu cầu toàn cầu đối với nhiệt điện vẫn tăng 45% từ năm 2000 - 2010 và sẽ tăng thêm 17% vào năm 2017.
Theo IEA, các nhà sản xuất than đá ở Mỹ và Canađa đang được lợi từ xu hướng này, tăng giá xuất khẩu than đến châu Á để bù lại việc kinh doanh trong nước với giá thấp hơn. Kết quả là bùng nổ các cơ sở xuất khẩu than đá ở bờ Tây hai quốc gia Bắc Mỹ này. Riêng khả năng nhiệt điện của Trung Quốc năm 2011 đã tăng thêm 55 GW và nước này hiện chiếm 46% nhu cầu than đá toàn cầu.
Cơ quan tư vấn quốc tế về chính sách năng lượng cảnh báo, việc tăng sử dụng than đá trong lĩnh vực sản xuất điện tại các nước có mức tăng trưởng nhanh đang làm hạn chế nỗ lực kiểm soát khí thải gây hiệu ứng nhà kính, giữ cho nhiệt độ trái đất không tăng quá 2 độ C.
IEA cho rằng, để có mức cacbon thấp trong tương lai, thế giới không thể coi than là nguồn năng lượng chủ đạo, trong lúc các nước phải cam kết có chính sách chống biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, các nước cũng cần đẩy nhanh tiến trình thương mại hóa cũng như thông qua các công nghệ tiết kiệm năng lượng và giảm khí thải CO2. Thực tế, hiện tỉ lệ cacbon tính theo mức tiêu thụ năng lượng vẫn tương tự như tỉ lệ từ năm 1990.
Tuy nhiên, báo cáo của IEA về thực trạng mối quan hệ năng lượng và biến đổi khí hậu có điểm sáng là tốc độ chuyển đổi sử dụng năng lượng sang hệ thống năng lượng cacbon thấp đã có nhiều tiến bộ rất đáng phấn khởi. Mỹ và Canađa đang từ bỏ nguồn năng lượng được sản xuất từ than đá và đã đặt ra các tiêu chuẩn sử dụng hiệu quả năng lượng đầy tham vọng. Đầu tư cho năng lượng tái tạo đã đạt mức kỷ lục trong năm 2011 và chỉ giảm nhẹ trong năm qua. Tuy nhiên, tiềm năng tăng trưởng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo quá thấp, trong khi tiềm năng của nhiên liệu hóa thạch lại rất cao, lấn át hoàn toàn năng lượng tái tạo.
IEA nhận định, các nước sẽ tiếp tục sử dụng nguồn nhiên liệu than đá dồi dào có giá thành thấp, do vậy các chính phủ cần khuyến khích sự phát triển các công nghệ lưu giữ cacbon (CCS), thu CO2 từ các nhà máy đang hoạt động vào chứa trong lòng đất. Hiện trên thế giới mới có 9 dự án CCS quy mô lớn.
IEA cũng cho rằng, các chính phủ cần hỗ trợ nhiều hơn nữa trong lĩnh vực thương mại hóa và triển khai công nghệ CCS vì công nghệ này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng CO2 trong khi tăng sử dụng than đá. Chi phí cho công nghệ này thường tốn kém và bản thân ngành này không thể tự xoay sở đầu tư nếu không có những khuyến khích như sự trợ cấp và đánh thuế cacbon của nhà nước.