Ngày 17/9, Tổ công tác số 4 của EVN (chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ khách hàng EVN) họp trực tuyến để rà soát các nhiệm vụ. Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm chủ trì cuộc họp.
Theo Ban Kinh doanh EVN, hiện nay, 100% công việc hiện trường (như ghi chỉ số điện, thu tiền điện, cấp điện mới,...) đều đã có ứng dụng để hỗ trợ nhân viên điện lực. Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đang là đơn vị có nhiều dịch vụ nhất trên ứng dụng hiện trường, đặc biệt có các nghiệp vụ nội bộ như: treo tháo định kỳ, kiểm tra mua bán điện, hợp đồng dây sau công tơ,..., Trong khi đó, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC) được tập đoàn ghi nhận là đơn vị sở hữu ứng dụng hiện trường có tính năng trải nghiệm người dùng tốt nhất.
Đối với hệ thống thông tin hiện trường, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã phát triển được một phần mềm riêng, hiển thị thông tin lưới điện trung áp, hạ áp, các trạm, cột, thiết bị,… trên nền bản đồ Google map. EVN giao EVNCPC xây dựng hệ thống quản lý thông tin hiện trường dùng chung trong các tổng công ty điện lực.
Mục tiêu chuyển đổi số tới hết năm 2022, 100% các công việc hiện trường của lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng (KD&DVKH) được thực hiện trên thiết bị di động và cập nhật trực tiếp từ hiện trường về hệ thống.
Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến
|
Ban Kinh doanh EVN cũng đã thông tin một số kết quả nổi bật về thực hiện chuyển đổi số trong công tác KD&DVKH. Cụ thể, với hệ thống đo đếm, 8 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ công tơ điện tử toàn tập đoàn đạt 66,18% tổng số công tơ trên lưới. Trong đó, Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội đã đạt 100%, Tổng công ty Điện lực miền Trung đạt 92,68%. Cũng trong 8 tháng qua, tỷ lệ giao dịch điện tử các dịch vụ điện đạt 97,68% trong tổng số tiếp nhận. Các ứng dụng, website chăm sóc khách hàng hoạt động ổn định, đảm bảo tiếp nhận yêu cầu và cung cấp dịch vụ trực tuyến tới khách hàng trên toàn quốc.
Tại cuộc họp, đại diện Công ty Viễn thông Điện lực và công nghệ thông tin (EVNICT) cũng đã trình bày về việc triển khai nâng cấp Hệ thống thông tin quản lý khách hàng (CMIS 3.0) lên phiên bản CMIS 4.0, nhằm đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ kinh doanh của tập đoàn trong giai đoạn chuyển đổi số.
Nhân viên Điện lực EVNCPC thực hiện cấp điện mới cho khách hàng qua ứng dụng trên thiết bị di động thông minh
|
Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm ghi nhận, các ban, các đơn vị trong tập đoàn đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số, đây là cơ sở để tiếp tục phấn đầu hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. EVN sẽ thiết lập 1 hệ sinh thái KD-DVKH, trong đó hệ sinh thái số của tập đoàn là cốt lõi, kết nối, chia sẻ với các hệ sinh thái khác. Tham gia phát triển hệ sinh thái số này, các tổng công ty trong tập đoàn cần tiếp tục phát huy các kết quả nghiên cứu, sáng kiến chuyển đổi số để hoàn thiện.
Với việc phát triển CMIS 4.0, Phó Tổng giám đốc EVN nhấn mạnh, đây là phần mềm rất quan trọng, cần đảm bảo hệ thống hoạt động trôi chảy, ổn định, có tính bảo mật cao. EVNICT phối hợp tốt với các tổng công ty điện lực trong việc điều phối nhân sự để phát triển CMIS 4.0, huy động nhân lực hợp lý, đảm bảo an toàn theo tình hình diễn biến dịch COVID-19 tại các địa phương. Đồng thời, lãnh đạo EVN cũng yêu cầu nâng cấp module quản lý điện mặt trời mái nhà trên hệ thống CMIS, hoàn thiện tiêu chuẩn hạ tầng đo đếm tiên tiến (AMI), hoàn thiện các nghiệp vụ theo quy trình KD-DVKH mới…