PV: Được biết trước khi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả chính thức có hiệu lực, công tác kiểm toán năng lượng đã được triển khai, ECC HN vào cuộc rất tích cực. Ông đánh giá thế nào về kết quả bước đầu?
Ông Đào Hồng Thái: Ngay từ những năm 2006 – 2007, công tác kiểm toán năng lượng đã được quan tâm. Mục tiêu ban đầu là tập trung tuyên truyền nhằm làm thay đổi nhận thức của các DN về vấn đề kiểm toán năng lượng, từ đó tích cực áp dụng những biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Theo tôi, so với mục tiêu đề ra, công tác này đã đạt kết quả rất tốt, về cơ bản là thành công đến 80%. Hầu hết cộng đồng DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng cũng đã nhận thức sâu sắc ý nghĩa của công tác kiểm toán năng lượng và có sự đồng thuận cao. Bước đầu nhiều DN cũng đã vào cuộc rất tích cực.
PV: Vậy mục tiêu của công tác kiểm toán năng lượng trong giai đoạn tiếp theo là gì? Theo ông, để thực hiện những mục tiêu đó, liệu có phát sinh những khó khăn, vướng mắc nào không?
Ông Đào Hồng Thái: Trong giai đoạn 2011 – 2015, mục tiêu chính sẽ là tập trung biến từ nhận thức sang hành động cụ thể. Song song với việc áp dụng Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả một cách triệt để, công tác kiểm toán năng lượng cũng sẽ được luật hóa, đi vào thực chất và chiều sâu. ECC HN cùng với nhiều công ty kiểm toán độc lập khác sẽ cùng vào cuộc, giúp DN kiểm soát tốt nhất bài toán sử dụng năng lượng của mình. Mục đích cuối cùng của công tác kiểm toán năng lượng cũng chính là giúp DN giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, từ đó nâng cao lợi nhuận cũng như uy tín cạnh tranh...
Tuy nhiên, theo tôi, để thực hiện được các mục tiêu này, sẽ có rất nhiều yếu tố trở ngại. Thứ nhất là do tính chất công tác kiểm toán năng lượng ở nước ta vẫn còn khá mới mẻ, trình độ và kinh nghiệm đội ngũ thực hiện công tác này cũng còn hạn chế. Thứ hai, chủ yếu là do quy mô của các DN nước ta nhỏ (đa phần là các doanh nghiệp nhỏ và vừa). Vì vậy, khả năng để sau kiểm toán có thể áp dụng các giải pháp như đổi mới công nghệ, trình độ quản lý một cách đồng bộ... hoàn toàn không đơn giản.
PV: Để giảm bớt khó khăn, nâng cao hiệu quả công tác kiểm toán năng lượng, theo ông, cần có những điều kiện gì?
Ông Đào Hồng Thái: Để kiểm toán năng lượng giai đoạn 2011 – 2015 có thể đạt kết quả cao nhất, theo tôi, phải có sự phối hợp nhịp nhàng từ nhiều phía. ECC HN cũng như các đơn vị kiểm toán khác phải nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ kiểm toán, chú trọng công tác đào tạo cán bộ theo kịp yêu cầu của thực tiễn. Về phía các DN, cũng cần tích cực hỗ trợ công tác kiểm toán năng lượng một cách toàn diện, thực chất, vì lợi ích thiết thực của chính đơn vị mình chứ không chỉ là kiểm toán kiểu “đối phó luật”. Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng cần có sự hỗ trợ, xây dựng mô hình kiểm toán năng lượng từ cơ sở để làm nền tảng vững chắc. Cuối cùng là nhận thức và sự đồng thuận của toàn xã hội. Khi xã hội nhận thức đầy đủ và đồng thuận sâu sắc về an ninh năng lượng quốc gia, vì sự phát triển bền vững, thì công tác kiểm toán năng lượng nói riêng, cũng như thực hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả nói chung sẽ đi vào thực chất hơn, hiệu quả hơn!
PV: Xin cảm ơn ông!