Nhà máy điện Yên Phụ được xây dựng từ năm 1925, đưa vào sản xuất năm 1930, là nhà máy điện lớn nhất của miền Bắc nước ta thời Pháp thuộc với công suất 22.500kW.
Trước khi tiếp quản nhà máy, thực dân Pháp từng tuyên truyền Việt Nam sẽ không thể tiếp tục quản lý được, chỉ sau vài ba ngày nhà máy sẽ bị tê liệt, Hà Nội sẽ chìm trong bóng đêm. Đồng thời họ có âm mưu di tản các thiết bị, phụ tùng và sử dụng cạn kiệt nguồn than dự trữ, khiến cho Nhà máy phải ngừng hoạt động, làm tê liệt sản xuất, gây mất trật tự trị an, ảnh hưởng xấu đến đời sống nhân dân.
Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội, đông đảo công nhân đã kiên quyết đấu tranh bảo vệ thiết bị, buộc chủ Pháp phải tiếp nhận 300 tấn than dự trữ. Sau khi tiếp quản Thủ đô, Nhà máy vẫn đảm bảo sản xuất bình thường trong điều kiện hết sức khó khăn.
Khi đến thăm nhà máy, Bác Hồ đã đánh giá cao sự nỗ lực của cán bộ, công nhân nhà máy: Trong lúc quân Pháp sắp rút lui, các cô, các chú, từ cán bộ đến công nhân, đã ra sức đấu tranh giữ nhà máy tương đối được hoàn toàn. Đây là một điều rất tốt. Sau khi Chính phủ ta về tiếp quản Thủ đô, các cô, các chú đã cố gắng sản xuất điện đều, làm cho sinh hoạt của đồng bào trong thành phố được tiếp tục như thường. Bác thay mặt Chính phủ khen ngợi và cảm ơn các cô, các chú.
Nhà máy điện Yên Phụ kỷ niệm 30 năm ngày Bác Hồ về thăm nhà máy và đón nhận Huân chương chiến công hạng III (năm 1984)
|
Thực hiện lời dạy của Bác, cán bộ công nhân Nhà máy điện Yên Phụ đã nỗ lực thi đua sản xuất và thực hành tiết kiệm, cung cấp điện an toàn liên tục, phục vụ có hiệu quả công cuộc phục hồi kinh tế và xây dựng Thủ đô. Trong những năm 1961-1965 miền Bắc đã hình thành lưới điện 110kV nối liền 9 nhà máy điện với nhau thành hệ thống điện lực miền Bắc.
Nhà máy điện Yên Phụ đã tích cực sửa chữa thiết bị cũ và được nhà nước đầu tư cho xây dựng mới 2 lò hơi Ba Lan OR 32 để thay thế cho những lò hơi quá cũ, sản lượng điện năm 1965 đã tăng gần gấp đôi so với trước, nhà máy giữ vị trí xung kích và điều tần cấp 1 của hệ thống.
Từ ngày 5/8/1964 đến ngày 31/12/1972 đế quốc Mỹ đã tiến hành hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta bằng không quân. Nhà máy điện Yên Phụ là một trong những mục tiêu hủy diệt trọng điểm của chúng. Với tinh thần: "Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu", "Địch đánh, ta phục hồi, địch lại đánh, ta lại phục hồi", CBCNV Nhà máy đã thể hiện xứng đáng là những chiến sỹ trên mâm pháo không nòng. Ngày 8/11/1968 Bác Hồ kính yêu đã đến thăm, ngợi khen và động viên CBCNV Nhà máy.
Trải qua tám trận chiến đấu kiên cường với không quân Mỹ, hai công nhân của nhà máy đã anh dũng hy sinh. Bằng mồ hôi và xương máu của mình, CBCNV Nhà máy điện Yên Phụ đã giữ vững được dòng điện phục vụ cho chiến đấu và sản xuất của Thủ đô. Lực lượng tự vệ của nhà máy đã phối hợp với lực lượng phòng không Thủ đô bắn rơi một máy bay phản lực A4 và trực tiếp bắn hạ một máy bay phản lực F4 của không lực Hoa Kỳ. Những chiến công của CBCNV Nhà máy điện Yên Phụ đã được ghi nhận bằng danh hiệu cao quý mà Nhà nước trao tặng - danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
CBCNV Nhà máy mãi mãi ghi nhớ và làm theo lời dạy bảo ân cần của Bác: “Chúng ta tin chắc là chúng ta làm được vì dân ta rất tốt, công nhân ta rất oanh liệt, đường lối lãnh đạo của Đảng và Chính phủ ta đúng, lại có thêm sự giúp đỡ nhiệt tình, cao cả của nhân dân các nước bạn".