Một ngày với thợ điện hotline

Mặc cho trời nắng gay gắt, 12 công nhân đội hotline Công ty Lưới điện cao thế thành phố Hà Nội, với đồng phục màu trắng vẫn miệt mài làm việc trên đường dây đang mang điện.

 

"Kỵ”… bóng râm

Yêu cầu nghiêm ngặt khi làm việc trên đường dây đang mang điện, hay còn gọi là “điện sống” là chỉ được phép tiến hành khi có đủ ánh sáng, không được thực hiện vào ban đêm, hoặc lúc trời mưa gió. Mùa nắng nóng lại là cao điểm thi công của đội hotline. Mỗi ngày, đội phải thực hiện từ 1 đến 2 công trình đấu mới đường dây cao thế.

Anh Nguyễn Văn Trường, một thợ giỏi của đội hotline đã chia sẻ: “Trong mùa cao điểm nắng nóng, nhất là vào tháng 6, nắng nóng đỉnh điểm. Ra đường lúc 7 giờ sáng đã cảm thấy rất khó chịu. Vậy nhưng anh em chúng tôi vẫn lên xe gầu cách điện, làm việc trên lưới điện “sống”. Được biết, mấy ngày qua, dưới cái nắng 42 độ C, anh Trường và các anh em trong đội vẫn “phơi mình” trên lưới. Họ vẫn thường động viên nhau bằng những câu hát “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai…”.

Thông thường, khi đi giữa trời nắng nóng, ai cũng thích tìm được nơi râm mát, nhưng đội hotline lại “kỵ” bóng râm, biết “yêu và sống chung” với cái nắng nhiệt đới.

Họ ngồi lên gầu, xe nâng gầu lên tiếp xúc trực tiếp với lưới điện cách mặt đất khoảng 16 mét, mỗi ca có 2 người. Nắng phả nhiệt vào áo cao su, găng tay cao su - dụng cụ bảo hộ đặc chủng của đội. Họ buộc phải “hấp thụ” cái nóng rát mặt. Vì vậy, mỗi ca chỉ làm việc tối đa được 30 phút. 

Xe gầu hạ hai người xuống, tiếp tục đưa 2 người khác lên. Nhịp nhàng và liên tục như vậy, cho đến khi hoàn thành một gói thi công trên đường dây cao thế. Khi người dân nhìn thấy đội thợ “điện sống” thao tác trên lưới mà vẫn không cắt điện, quạt vẫn quay trong nhà, họ chạy ra hiện trường, hỏi thợ điện: “Các cháu làm thế này, không phải cắt điện à?”. Những lúc như thế, sau lời giải thích về công nghệ mới của điện cao thế, là các anh em của đội hotline lại xốn xang niềm tự hào.

Các thành viên đội hotline thao tác kĩ thuật trên lưới điện

“Coi cộng sự như… vợ”

Trên chuyến xe ra hiện trường của đội hotline đều có 2 bình nước uống. Nếu phải làm qua trưa, đội chuẩn bị thêm bánh mì và thức ăn đi kèm. “Bao giờ cũng phải có kẹo trong túi. Phòng khi đói quá, tránh tụt huyết áp, chỉ cần ngậm vài viên là được. Nhiều lúc cũng giải nguy tốt lắm đấy!” - anh Trường chia sẻ.

12 công nhân đội hotline được tuyển chọn từ 30 đơn vị điện lực các quận, huyện ở Hà Nội. Trước khi làm chủ công nghệ “điện sống”, họ được đào tạo 3 tháng dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia trong lĩnh vực này. Để đội luôn làm tốt nhiệm vụ, ngoài việc giỏi tay nghề kĩ thuật, sức khỏe dẻo dai, các thành viên trong đội còn phải có tinh thần đồng đội. Mỗi ngày, trước khi lên gầu, Đội phó Trần Đức Nghị lại nhớ đến lời dặn chuyên gia: Phải coi đồng đội như vợ mình. Phải yêu thương và phối hợp chặt chẽ mới an toàn và hiệu quả. Ai mệt, cần nói rõ để người khác thay thế.

Thực tế, nếu thành viên nào đó buổi sáng trước đi làm có chút… bức xúc "nhẹ" với vợ thì cũng được khuyến cáo, không lên gầu. Bởi, khi lên gầu, tuyệt đối không được phân tâm, cần tập trung tâm trí 100% để thao tác đúng kĩ thuật. Chỉ cần một sơ suất nhỏ, cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, thành viên của đội hotline sống như anh em một nhà, thấu hiểu hoàn cảnh của nhau.

Sau nửa ngày phơi mình trong nắng, các thành viên cùng nhau ăn bữa cơm trưa vui vẻ và đầm ấm, không bia, không rượu. Họ ăn nhanh như các chiến sĩ quân đội. Ấm trà được pha sẵn, họ cùng nhau chuyện trò, thư giãn trước khi bắt tay vào công việc buổi chiều, sẵn sàng đối diện với công việc hiểm nguy, không để người dân chịu cảnh mất điện, nhất là trong điều kiện thời tiết cực đoan, nắng nóng như thiêu như đốt.

- Các thành viên của đội hotline đều tham gia luyện tập TDTT, chơi bóng bàn, chạy, đẩy tạ…

- 100% thành viên không đeo nhẫn. Đó là yêu cầu kỹ thuật. Vì vậy, đội hotline còn tự gọi nhau là… “Đội vô sản”.


  • 09/07/2019 03:07
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 9604