Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong EVN: “Nhìn thẳng để thấy tính cấp thiết của vấn đề”

Năm 2018 với chủ đề “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp hiệu quả, thiết thực góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng kịp thời các mục tiêu chiến lược đề ra. Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN cho rằng, cần nhìn thẳng vào sự thật để thấy tính cấp thiết của vấn đề.

Ông Võ Quang Lâm

PV: Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó công tác đào tạo rất được quan tâm. Xin ông cho biết, Tập đoàn đang triển khai các chương trình, đề án cụ thể nào trong lĩnh vực này? 

Ông Võ Quang Lâm: Sau nhiều năm lựa chọn các chủ đề tập trung vào việc nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, năm nay, Hội đồng thành viên đã lựa chọn nội dung “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” là chủ đề năm 2018. EVN luôn xác định “Người lao động là tài sản quý giá nhất” (theo tài liệu Văn hóa EVN) trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển bền vững của Tập đoàn, lộ trình tái cơ cấu EVN giai đoạn 2017-2020 mà Chính phủ đã phê duyệt và thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chúng ta có những giải pháp đồng bộ về quản lý, đánh giá cán bộ, người lao động; cải cách tiền lương và các cơ chế khuyến khích người lao động và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. 

Trong lĩnh vực đào tạo, kế hoạch thực hiện chủ đề năm 2018 yêu cầu các đơn vị triển khai 10 nhiệm vụ cụ thể, trong đó bao gồm một số nội dung chủ yếu như hoàn thiện thể chế quản lý công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực (PTNNL); xây dựng và thực hiện một số đề án lớn như Đề án Đào tạo chuyên gia, Đề án xây dựng Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu khoa học, Đề án Đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý (bao gồm cán bộ quy hoạch và đương chức); chuẩn hóa hệ thống bồi dưỡng, thi và kiểm tra sát hạch nghề cho công nhân; bắt đầu đưa hệ thống đào tạo trực tuyến (E-learning) áp dụng trong toàn bộ các đơn vị thuộc Tập đoàn và tăng cường đầu tư trang thiết bị thực hành trong đào tạo…

PV: Mấy năm trước, Tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An đã nói: “Chúng ta còn thiếu những nhà quản lý giỏi, chuyên gia giỏi và công nhân giỏi”, ông nghĩ sao về nhận định này, trong thời điểm hiện nay chất lượng nguồn nhân lực của EVN đã được cải thiện chưa, thưa ông? 

Ông Võ Quang Lâm: Về phát biểu của Tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An năm 2013, tôi cho rằng đó là sự đánh giá thẳng thắn, ngắn gọn và chính xác của lãnh đạo Tập đoàn về chất lượng nguồn nhân lực. Sự thật là hiện nay EVN còn thiếu những nhà quản lý giỏi, chuyên gia giỏi và công nhân giỏi. Vì vậy, chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật để thấy được tính cấp thiết của vấn đề này. 

EVN đề ra mục tiêu phấn đấu trở thành một trong bốn tập đoàn điện lực hàng đầu trong khối ASEAN, do đó yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực cũng cao hơn, tương xứng với sự phát triển của hệ thống điện. Hiện nay, EVN đang phải đối mặt với nhiều thách thức về công nghệ, phương thức quản lý khi hệ thống điện Việt Nam đang phát triển nhanh với độ phức tạp tăng lên gấp nhiều lần. Mặt khác, để vươn lên một tầm cao mới, trong khi các quốc gia hàng đầu khu vực vẫn đang trên đà phát triển, càng đòi hỏi EVN phải có nội lực mạnh, vững vàng với đội ngũ lãnh đạo có năng lực quản lý sắc bén, đội ngũ chuyên gia tinh thông công nghệ, giảm dần sự phụ thuộc vào đối tác, chuyên gia nước ngoài và đội ngũ công nhân tinh nhuệ với tay nghề thành thục. 

Hiện nay, cơ cấu lao động của EVN với độ tuổi từ 30 trở lên chiếm đến hơn 80%, trong đó lực lượng lao động chính ở độ tuổi 30-40 chiếm đến 43,7%. Nếu chúng ta không kịp thời đào tạo nâng cao năng lực, trong vòng 10 năm tới đội ngũ lao động bị già hóa sẽ khó đào tạo và tiếp thu công nghệ mới. Đó chính là yêu cầu cấp thiết buộc Tập đoàn phải khẩn trương tập trung vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên mọi phương diện, từ cán bộ quản lý, chuyên gia đến đội ngũ lao động trực tiếp.

PV: Thưa ông, một trong những chương trình, dự án để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của EVN triển khai trong năm 2018 là triển khai xây dựng đề án Đào tạo chuyên gia. Tập đoàn đánh giá rất cao vai trò của các chuyên gia? 

Ông Võ Quang Lâm: Đúng như vậy. Tôi cho rằng chuyên gia có vai trò rất lớn để “kéo” trình độ chuyên môn, kỹ thuật đi lên. Khi chúng ta có các chuyên gia giỏi, họ không những là người giải quyết được những vấn đề phức tạp, mà cũng phải là người thầy truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm quý báu của mình cho các thế hệ sau. Nhiều năm qua, chúng ta đã có nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, tổ chức thi thợ giỏi các cấp, nhưng vẫn còn thiếu một chương trình đào tạo, xây dựng đội ngũ chuyên gia. Vì vậy, Đề án đào tạo chuyên gia vừa được Hội đồng thành viên phê duyệt tại Nghị quyết số 24/NQ-HĐTV ngày 26/1/2018 đã đề ra những công việc cần phải làm để xây dựng được đội ngũ chuyên gia trong EVN.

PV: Thưa ông, mục tiêu cơ bản và các bước tiến hành đào tạo đội ngũ chuyên gia là gì? EVN sẽ làm thế nào để các chuyên gia phát huy hết năng lực, sở trường của mình? 

Ông Võ Quang Lâm: Đề án hướng đến mục tiêu xây dựng đội ngũ chuyên gia hiểu biết sâu về lý thuyết cơ bản và kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực được đào tạo; nắm bắt, làm chủ được công nghệ mới, có kỹ năng phân tích, chẩn đoán, giải quyết hiệu quả các tình huống phức tạp trong thực tế; làm chủ được hệ thống thiết bị, có khả năng thiết kế, liên kết các thiết bị với nhau thành một hệ thống…Đội ngũ chuyên gia có khả năng ngoại ngữ tốt, hướng tới đạt các chuẩn mực năng lực chung của khu vực và thế giới; đảm bảo tính kế thừa và liên tục trong đội ngũ chuyên gia, đào tạo có dự phòng về số lượng. 

Bác Hồ đã nói “Vì sự nghiệp trăm năm trồng người”... việc xây dựng đội ngũ chuyên gia cũng vậy, chúng ta sẽ cần khoảng thời gian tính bằng năm để có được các chuyên gia như mục tiêu nêu trên. Trong Đề án cũng đã nêu rõ chỉ đào tạo không thể có được chuyên gia mà chúng ta cần triển khai đồng bộ nhiều việc. Những bước cơ bản để xây dựng đội ngũ chuyên gia gồm: Lựa chọn đúng người; phát triển đúng hướng bằng những chương trình đào tạo phù hợp; đánh giá và công nhận chính xác, xây dựng cơ chế đãi ngộ phù hợp để tạo động lực và quản lý, tạo điều kiện, tạo môi trường cho họ phát huy, thử nghiệm, nâng cao những kiến thức, kỹ năng, sự sáng tạo của họ trong lĩnh vực chuyên môn. Thiếu bất kỳ một yếu tố nào trong những bước cơ bản đó chúng ta cũng có thể sẽ không đạt được mục tiêu.

Hiện nay, EVN đã bắt đầu triển khai thực hiện Đề án và rất cần có sự phối hợp nhịp nhàng của các Ban/đơn vị trong 6 lĩnh vực chuyên gia EVN dự kiến tập trung thực hiện trong giai đoạn đầu. 

PV: Không chỉ quan tâm đến chương trình đào tạo chuyên gia, năm 2018 Tập đoàn còn xây dựng nhiều đề án liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng CBNV…, vậy những chương trình này liệu có là giải pháp căn cơ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực? Những mục tiêu chúng ta hướng đến là gì, thưa ông?

Ông Võ Quang Lâm: Như tôi đã nói, Tập đoàn quan tâm đến tất cả người lao động nên kế hoạch thực hiện chủ đề năm cũng bao gồm nhiều hoạt động như chương trình đào tạo cán bộ quản lý; rà soát lại các bài giảng, đề thi nâng bậc, giữ bậc của đội ngũ công nhân, đảm bảo đánh giá được năng lực nhưng không gây áp lực lớn nên người lao động trực tiếp và hệ thống đào tạo trực tuyến E – learning cho mọi CBCNV; Công tác đào tạo được thực hiện thường xuyên. Năm 2018 đưa nội dung này là nội dung trọng tâm để các đơn vị có điều kiện tập trung nhiều hơn cho việc “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”. Có thể nói, chất lượng nguồn nhân lực chính là yếu tố quyết định kết quả sản xuất kinh doanh, vì vậy nếu chất lượng nguồn nhân lực thực sự được nâng lên thì kết quả sản xuất kinh doanh sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, để chúng ta thực sự đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và có thể định lượng được chất lượng đã được nâng cao đến đâu sẽ cần sự quyết tâm thực hiện của các cấp quản lý, tâm sức của người triển khai các Đề án, tổ chức đào tạo và sự mong muốn học hỏi, phát triển, sự nghiêm túc trong học hành của chính người lao động. 

PV: Xin cảm ơn ông. 


  • 22/04/2018 09:40
  • Theo TCDL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 21903