Vượt khó khăn, thách thức
Nhìn lại giai đoạn 2011 – 2015, nền kinh tế trong nước gặp rất nhiều khó khăn, Chính phủ yêu cầu thắt chặt chi tiêu ngân sách, tăng cường quản lý tiền tệ tài chính, rà soát cắt giảm đầu tư. Trong bối cảnh đó, EVN cũng chịu nhiều tác động bất lợi do lạm phát và lãi suất cao, huy động các nguồn vốn cho sản xuất và đầu tư không thuận lợi, tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng về tài chính do kết quả lỗ trong sản xuất kinh doanh điện năm 2010 - 2011 cộng với tình hình hạn hán, bão, lũ bất thường hàng năm càng làm gia tăng thêm khó khăn.
Với việc thực hiện đồng loạt các giải pháp nhằm tăng doanh thu, tối ưu hóa chi phí và nâng cao hiệu quả sử dụng lao động, tổ chức lại sản xuất kinh doanh, chuyên môn hóa hoạt động của các đơn vị thành viên để nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành sản xuất. Thoái vốn đầu tư vào các lĩnh vực ngoài ngành để tập trung mọi nguồn lực cho lĩnh vực chính là sản xuất kinh doanh điện.
Nhà máy Thủy điện Sơn La tự hào là công trình lớn nhất Đông Nam Á
|
Theo đó, EVN đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đáp ứng đủ điện cho đất nước, đảm bảo yếu tố quan trọng để các tỉnh, thành phố và các ngành thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015. Các trung tâm kinh tế - chính trị, vùng kinh tế trọng điểm ở 3 miền Bắc, Trung, Nam luôn được đáp ứng đầy đủ và kịp thời về nhu cầu điện, qua đó EVN đã góp phần vào tăng trưởng kinh tế của đất nước với tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân ước đạt 5,9%/năm. Cũng trong thời gian qua, EVN và các đơn vị còn nỗ lực và rất quyết liệt trong việc thực hiện giảm tổn thất điện năng. Tính chung trong 5 năm, tỷ lệ tổn thất điện năng giảm được 2,15%, bình quân mỗi năm giảm 0,43% và đạt 8,0% vào cuối năm 2015 – đạt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.
Công tác thu xếp vốn cho đầu tư - xây dựng cũng đạt được kết quả xuất sắc. Ngoài vốn tự có, Tập đoàn và các đơn vị đã thu xếp ký được hợp đồng vay trên 320.000 tỷ đồng từ các ngân hàng trong nước và nước ngoài, các tổ chức tài chính quốc tế đa phương và song phương. Ngay trong các năm khó khăn nhất về vốn đầu tư (2011 – 2012), các dự án nguồn điện và lưới điện vẫn được đáp ứng đủ vốn thanh toán. Trong 5 năm, tổng giá trị khối lượng đầu tư toàn EVN đạt trên 492.000 tỷ đồng (gấp 2,42 lần so với khối lượng thực hiện giai đoạn 2006 – 2010).
Bên cạnh đó, Tập đoàn đã nỗ lực lớn, hoàn thành vượt kế hoạch đầu tư đưa điện về nông thôn, hải đảo giai đoạn 2011 – 2015 với tổng số vốn trên 640 triệu USD và gần 3.500 tỷ đồng để thực hiện các dự án đầu tư cấp điện nông thôn trên phạm vi cả nước, trọng tâm là các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc, khu vực Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Năng suất lao động giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 6,8%/năm, trong đó năng suất lao động năm 2015 tăng 10% so với năm 2014. Những kết quả đạt được trong 5 năm qua là động lực để EVN và các đơn vị tiếp tục thực hiện mục tiêu trong giai đoạn mới.
Ngang tầm khu vực
Giai đoạn 2016 - 2020, EVN đặt mục tiêu phấn đấu trở thành doanh nghiệp có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao, hoạt động hiệu quả, bền vững, giữ vai trò chính đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước, là nòng cốt để ngành công nghiệp điện lực Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả. Từng bước tham gia hoàn thiện và phát triển thị trường điện theo lộ trình Chính phủ quy định. Đồng thời, hoạt động có hiệu quả, dịch vụ ngày càng tốt hơn, phấn đấu đưa Tập đoàn Điện lực Việt Nam thành một trong bốn đơn vị hàng đầu trong các nước ASEAN.
Tại Hội nghị triển khai đề án “Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động giai đoạn 2016 – 2020” (đầu tháng 1/2016), lãnh đạo các tổng công ty điện lực, tổng công ty phát điện, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia cũng trình bày Đề án nâng cao Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động giai đoạn 2016-2020 của từng đơn vị. Trong đó, các tổng công ty đã phân tích rõ thực trạng, đưa ra mục tiêu cụ thể và đề ra các giải pháp thực hiện phù hợp với thực tế của từng đơn vị. Theo ông Lê Văn Phước – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP HCM, bên cạnh các chỉ tiêu do Tập đoàn giao, EVNHCMC còn đặt mục tiêu đến năm 2017 phấn đấu không còn thu tiền điện tại nhà; số lao động giảm hơn 1%/năm; năm 2018 hoàn tất việc triển khai trạm biến áp không người trực và đến năm 2020, hoàn tất việc thay điện kế điện tử có chức năng đo xa AMR, 100% lưới điện trung thế được đầu tư để giám sát điều khiển từ xa (mini - SCADA).
Đánh giá cao mục tiêu và giải pháp của các tổng công ty điện lực, Tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An nhấn mạnh: “Bất kỳ doanh nghiệp nào muốn phát triển bền vững đều phải hoạt động có hiệu quả. Vì vậy, EVN và các đơn vị phải khẩn trương thực hiện ngay từ năm 2016, chuyển từ đề án sang hành động. Đây là nhiệm vụ quan trọng nên mỗi tổng công ty cần cụ thể hóa các chỉ tiêu, phổ biến, quán triệt tới từng đơn vị, từng CBCNV”.
Tổng giám đốc còn yêu cầu, việc xây dựng mục tiêu, chỉ tiêu về hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động phải phù hợp với đặc thù, tình hình thực tế của từng đơn vị. Trong quá trình thực hiện phải có trọng tâm, trọng điểm, không thể cào bằng, chỉ tiêu nào có thể đạt được hiệu quả ngay thì lập tức phải khẩn trương triển khai, không chờ đến năm 2020. Đồng thời, tăng cường phân cấp kết hợp với kiểm tra, giám sát. Mục tiêu cốt lõi của giai đoạn 2016 – 2020 không chỉ hoàn thành đề án “Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động”, quan trọng hơn là phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam một cách bền vững.
Một số chỉ tiêu chủ yếu kế hoạch 5 năm 2016 - 2020:
- Đảm bảo mức tăng trưởng điện bình quân 10,5 - 11%/năm;
- Năng suất lao động bình quân tăng từ 8 - 10%/năm.
- Chỉ số tiếp cận điện năng của EVN từ 2016 giảm xuống còn 10 ngày;
- Huy động đủ vốn đáp ứng đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 trên 610.000 tỷ đồng
- Đầu tư các dự án theo Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2013 - 2020 đã được Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt đảm bảo hầu hết các hộ dân nông thôn có điện và hoàn thành điện khí hóa toàn quốc.
Đến năm 2020:
- Điện thương phẩm: 234 - 240 tỷ kWh;
- Điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống: Khoảng 262 - 270 tỷ kWh;
- Điện sản xuất của các nhà máy điện trong EVN: Khoảng 35 - 40% tổng nhu cầu;
- Tỷ lệ điện dùng cho truyền tải và phân phối: 6,5%;
- Sản lượng điện thương phẩm bình quân đạt 2,5 triệu kWh/CBCNV;
- Độ tin cậy cung cấp điện: Thời gian mất điện bình quân (SAIDI) giảm xuống còn 400 phút/khách hàng/năm.
|