Số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) cho thấy, do nắng nóng gay gắt diện rộng duy trì liên tục ở mức 39-40 độ C ở miền Bắc và miền Trung tuần qua khiến công suất tiêu thụ đầu nguồn toàn quốc đã đạt tới 38.147 MW vào khoảng 14h ngày 21/6. Đây là mức công suất đỉnh cao kỷ lục trong lịch sử.
Sản lượng tiêu thụ điện toàn quốc của ngày 21/6 cũng ghi nhận số liệu cao kỷ lục ở mức 782,9 triệu kWh. Sang ngày 22/6, công suất tiêu thụ toàn quốc giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức rất cao: 37.500 MW.
Riêng tại Hà Nội, lượng điện tiêu thụ cũng tăng đột biến ngày 22/6 với mức tiêu thụ kỷ lục hơn 82 triệu kWh. Các số liệu cũng cho thấy, tiêu thụ điện trên toàn thành phố trong tuần qua tăng 121% so với tháng 5.
Để đảm bảo cung cấp điện với mức tiêu thụ tăng rất cao những ngày qua, EVN đã phải thường xuyên huy động các tổ máy nhiệt điện chạy dầu với chi phí rất cao, từ 3.500 đến 5.000 đồng/kWh.
Ngày 21/6, EVN phải huy động nhiều tổ máy nhiệt điện chạy dầu trong hệ thống với tổng công suất chạy dầu lên tới gần 2.000 MW.
Theo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, theo tính toán của chuyên gia kỹ thuật điện, trong những lúc thời tiết nắng nóng kéo dài, điện năng tiêu thụ của riêng điều hoà nhiệt độ trong gia đình có thể chiếm tới 60-65% tổng số lượng điện năng tiêu thụ.
Năm sau có thể thiếu điện vì nhiều dự án điện quy mô lớn chậm tiến độ
|
Năm sau có thể thiếu điện
Bộ Công Thương cho biết, tổng công suất các nguồn điện có khả năng đưa vào vận hành cả giai đoạn 15 năm, từ năm 2016-2030, dự kiến khoảng 80.500 MW, thấp hơn so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh khoảng 15.200 MW. Trong đó chủ yếu thiếu hụt trong các năm từ 2018 đến 2022.
Việc thiếu hụt nguồn điện do trong số 62 dự án nguồn điện công suất trên 200 MW/dự án, chỉ 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định tiến độ so với tiến độ nêu trong quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Trong số các dự án trên, có tới 5 dự án (Long Phú 3, Quỳnh Lập 2…) chưa có chủ đầu tư. Cả 5 dự án này đều thuộc giai đoạn 2021-2030. Trong đó 1 dự án đã bị loại khỏi Quy hoạch (nhiệt điện Bạc Liêu) và 4 dự án chưa rõ tiến độ (do chưa có chủ đầu tư nên khả năng đều chậm tiến độ).
Đáng chú ý, các dự án nhiệt điện Thái Bình II, Long Phú I, Sông Hậu 1 do PVN triển khai đến nay đã chậm tiến độ 2 năm, nếu các vướng mắc không được giải quyết dứt điểm, khả năng tiếp tục bị chậm tiến độ.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, nguồn nhiệt điện chạy dầu cần phải huy động với sản lượng tương ứng 1,7 tỷ kWh vào năm 2019 và 5,2 tỷ kWh năm 2020.
“Trong trường hợp các tổ máy phát điện không đáp ứng yêu cầu về độ tin cậy vận hành hoặc không đảm bảo đủ nhiên liệu (than, khí) cho phát điện, có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện vào năm 2020”, Bộ Công Thương cảnh báo.
Cũng theo Bộ Công Thương, các năm 2021 - 2025, dù đã phải huy động tối đa các nguồn điện chạy dầu, nhưng hệ thống điện không đáp ứng nhu cầu phụ tải và xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam.
Cụ thể, mức thiếu hụt tại miền Nam sẽ tăng từ 3,7 tỷ kWh năm 2021 lên gần 10 tỷ kWh năm 2022. Mức thiếu hụt cao nhất vào năm 2023 khoảng 12 tỷ kWh, sau đó giảm dần xuống 7 tỷ kWh năm 2024 và 3,5 tỷ kWh năm 2025.