Người dân Thủ đô và cái Tết Nguyên đán đặc biệt

Xin trân trọng giới thiệu tới quý độc giả trích dẫn bút ký của Nhà báo quốc tế Krichevski Leonhid Sergeevich - phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Liên Xô (sau này là Liên bang Nga) chia sẻ ký ức về những ngày Tết Nguyên đán đáng nhớ cuối tháng 12 năm 1990, khi lần đầu tiên Thủ đô được cung cấp điện từ Nhà máy Thủy điện Hòa Bình trong niềm vui vô hạn của người dân Hà Nội.

Tôi muốn chia sẻ một ký ức khó quên liên quan đến Thủy điện Hòa Bình. Việc đó xảy ra ở Hà Nội vào cuối tháng 12 năm 1990, tôi không nhớ cụ thể ngày nào nhưng đó là thời điểm khi thành phố chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, ngày lễ năm mới theo âm lịch. Khi đó, khắp nơi ở Hà Nội người ta rỉ tai nhau rằng, hình như đến chiều tối, Thủ đô sẽ được cung cấp điện từ Hòa Bình và trong những ngày Tết, Hà Nội sẽ lộng lẫy ánh điện. Chuyện này đã được “đồn thổi” từ lâu, nhưng xem ra thực hư thật khó tin vì công tác xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình vẫn chưa hoàn tất.

Thời gian này, điện trong thành phố rất yếu, người ta vẫn thường gọi là sụt áp. Những con phố, những công viên được chiếu sáng bằng những ngọn đèn đường lờ mờ và ngay tại trung tâm Thủ đô tình hình cũng chẳng khá hơn. Ngoài ra, để tiết kiệm, điện thường bị cắt và không được thông báo về thời điểm đóng điện trở lại.

Buổi chiều muộn, đường phố Hà Nội trở nên nhộn nhịp hơn. Người dân Hà Nội rỉ tai nhau về một thông tin sốt dẻo nào đó có vẻ quan trọng lắm, người nọ thì thầm với người kia, họ vội vàng chia sẻ với người quen, với hàng xóm, láng giềng. Gần 7 giờ tối, có cảm giác như mọi chuyển động trên đường phố đều ngừng lại. Đúng 19h00, loa phóng thanh của thành phố thông báo, từ  hôm nay Hà Nội sẽ nhận được điện từ Hòa Bình. “Thành phố của chúng ta - ông Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nói, từ hôm nay, Thành phố của chúng ta được cung cấp điện từ Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Hoan hô!...”.

Trong mắt mỗi người dân Hà Nội đều sáng lên niềm tin yêu vô hạn và bắt đầu, người ta chúc mừng nhau, chúc nhau những điều tốt đẹp và hạnh phúc trong năm mới, chúc sức khỏe đến với mọi người, rồi người ta ôm nhau, cả người già và trẻ nhỏ. Chúng tôi thật khó khăn để vượt qua dòng người đông như mắc cửi đó. Khi nhìn thấy các nhà báo Liên Xô, nhiều người đã dừng lại và chào hỏi chúng tôi thân mật. Khắp nơi người ta nói: “Việt Nam - Liên Xô - Tình hữu nghị!”.

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình

Giữa đám đông những người trên đường, thật bất ngờ tôi gặp một nhà hoạt động xã hội, một nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam, ông Tố Hữu. Tôi với ông đã quen nhau nhiều năm. Hôm nay, ông cũng xuống đường để ngắm thành phố đang rực rỡ ánh điện.

Ông tâm sự với tôi: “Chúng tôi sẽ mãi ghi nhớ buổi tối hôm nay. Thật là ấn tượng, dường như có hàng nghìn ngôi sao sáng rực trên đầu chúng ta. Rồi năm tháng qua đi, các nhà thơ sẽ có các bài thơ, các họa sỹ sẽ có các tác phẩm của mình về những hình ảnh sinh động trong buổi tối đáng nhớ này… Hãy để khắc sâu trong con tim, khối óc chúng ta tên tuổi những người thợ xây dựng Liên Xô và Việt Nam đã làm hết sức mình với nguồn năng lượng vô tận, tinh thần lao động quên mình đã vượt qua tất cả những khó khăn và trở ngại để tạo nên Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, cung cấp điện cho đất nước chúng tôi, cho nhân dân chúng tôi hàng thế kỷ”.

Ngày 20/12/1994, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã khánh thành và hòa vào lưới điện quốc gia, góp phần tăng sản lượng điện của đất nước lên gấp đôi.

… Tôi làm việc ở Việt Nam khoảng gần 15 năm, tuy không được liên tục, nhưng với tư cách là phóng viên của Đài Phát thanh và Truyền hình nước Nga, tôi được đến nhiều vùng, miền của đất nước kỳ lạ này, chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng diễn ra trong những năm tháng đó. Tôi đã yêu đất nước này, yêu những danh thắng tuyệt vời ở đó. Sẽ nhớ mãi những buổi hoàng hôn đỏ rực trên sông Hồng và ánh bình minh dịu dàng trên vịnh Hạ Long. Tôi luôn luôn bị cuốn hút bởi những cánh đồng lúa bất tận ở Việt Nam. Tôi thích xem những người Việt Nam chơi đùa với trẻ nhỏ, xem các họa sỹ nghiệp dư vẽ những bức tranh mộc mạc, nhưng cuốn hút đa sắc màu và sâu sắc về chủ đề tác phẩm.

Tôi cũng không quên những ngôi chùa cổ kính, đặc biệt là những ngôi chùa nhỏ ở thôn quê, chật chội chỉ đủ chứa vài chục người đến vãn cảnh, nhưng khi nào cũng ngát hương thơm, linh thiêng huyền ảo trong làn hương khói, đặc biệt trong những thời điểm Tết đến, Xuân về…

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình không còn các chuyên gia Xô Viết, thay thế họ là các kỹ sư và cán bộ kỹ thuật Việt Nam. Một thế hệ mới các cán bộ khoa học công nghệ và quản lý ngành Điện lực đã trưởng thành chính trong những năm tháng xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Họ được đào tạo không chỉ ở trong nước mà còn từ nhiều nước khác trên thế giới, trong đó có nước Nga. Họ đã quản lý và vận hành rất hiệu quả Nhà máy Thủy điện Hòa Bình trong nhiều năm.

Nhà báo quốc tế Krichevski Leonhid Sergeevich đã có gần 15 năm làm việc ở Việt Nam. Ông đã được tặng thưởng Huân chương Lao động Cờ đỏ và Huân chương Hữu nghị của Việt Nam.

 


  • 31/01/2022 07:10
  • Theo Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 3688