Người làm điện qua ống kính nhiếp ảnh

Là ngành kinh tế năng lượng đặc biệt quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp tới mọi tầng lớp trong xã hội nên điện luôn là chủ đề “nóng bỏng” được báo giới quan tâm, trong đó có nhiếp ảnh. Nhân dịp kỷ niệm 89 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, phóng viên Tạp chí Điện lực có cuộc trò chuyện với Nhà báo, Nhà lý luận, phê bình nhiếp ảnh Vũ Huyến về hình ảnh người làm điện trên báo chí.

PV: Theo đánh giá của ông, những bức ảnh về ngành Điện Việt Nam trên báo chí hiện nay đã thể hiện được hết vai trò, sứ mệnh của người làm điện hay chưa?

Nhà báo Vũ Huyến: Trước hết, phải khẳng định rằng: Vai trò không thể thiếu của ngành Điện đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước khiến cho nó luôn là một đề tài quan trọng được báo chí quan tâm phản ánh, bao gồm cả nhiếp ảnh.

Trong đó, dù nhiếp ảnh đã luôn song hành để phản ánh mỗi bước tiến của ngành Điện, tôi vẫn phải đánh giá những bức ảnh về điện đăng trên báo nói chung – chứ chưa nói đến ảnh báo chí về ngành Điện – thực sự chưa thể hiện được hết tầm của ngành kinh tế năng lượng này so với yêu cầu cần có.
Sự thiếu hụt này thể hiện ở chỗ số lượng ảnh đăng chưa nhiều, trừ một số tờ báo, tạp chí riêng của ngành là có đăng tải thường xuyên. Bên cạnh đó, ảnh sử dụng chủ yếu mang tính minh họa cho tin, bài viết và phần lớn là tập trung miêu tả các công trình điện như sự hoành tráng, bề thế của các nhà máy, đường dây,… chứ chưa đi sâu vào đời sống của những người làm điện, những con người cụ thể, tổ/đội sản xuất cụ thể… Đó là  khoảng trống mà tôi cho rằng nhiếp ảnh rất cần dành sự quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới.

Nhà báo Vũ Huyến trong một buổi nói chuyện về nhiếp ảnh với phóng viên, biên tập viên Tạp chí Điện lực. Ảnh: Vũ Lam

PV: Trên thực tế, trong những cuộc thi ảnh hoặc triển lãm mà ông đã tham gia tổ chức, chấm giải thì đề tài người làm điện có thu hút được các tay máy hay không?

Nhà báo Vũ Huyến: Đối với các cuộc thi hay triển lãm đề tài tự do, quả thực số lượng ảnh về ngành Điện nói chung và hình ảnh về người làm điện nói riêng là không đáng kể. Tôi nghĩ nếu mở cuộc thi hoặc triển lãm ảnh về chủ đề cụ thể như Công nghiệp Việt Nam chẳng hạn thì chắc chắn tỷ lệ ảnh về ngành Điện sẽ nhiều hơn.

Từ góc độ người chụp ảnh, tôi đánh giá đây là một đề tài khó. Thứ nhất, việc tiếp cận với đối tượng không dễ dàng, không phải bất cứ khi nào muốn chụp là ta có thể đi vào các nhà máy hay các trạm biến áp…Thứ hai, phụ thuộc vào khả năng phát hiện ra tính vấn đề của tác giả khi tiếp xúc với một ngành kỹ thuật đặc thù như ngành Điện. Nếu không có kiến thức, không hiểu biết về ngành thì kể cả có tiếp cận được cũng rất khó sáng tác.

PV: Theo ông, cần phải làm thế nào để thu hút các tay máy quan tâm hơn đến lĩnh vực này?

Nhà báo Vũ Huyến: Tôi được biết Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang phối hợp với Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức cuộc thi ảnh với chủ đề “EVN - 60 năm thắp sáng niềm tin”. Đó là một cách làm hay.

Cá nhân tôi cho rằng, từ phía Tập đoàn nên chủ động “lôi kéo” các nhà nhiếp ảnh bằng cách tổ chức thêm nhiều cuộc thi sáng tác ảnh hoặc sưu tập ảnh, tạo điều kiện cho họ đi thực tế chụp ảnh về ngành Điện, cũng như xem xét các cơ chế động viên, khuyến khích xứng đáng để thu hút những tay máy ngoài ngành tham gia.

Trong đó, theo tôi, Tập đoàn nên phối hợp với các cơ quan báo chí để đặt được những bức ảnh hoặc bộ ảnh có giá trị cao về tính tư liệu, tính chân thật và tính thông tin của mỗi tác phẩm.

PV: Theo kinh nghiệm của ông, nên làm thế nào để có những bức ảnh tốt, có chiều sâu về ngành Điện?

Nhà báo Vũ Huyến: Ở thời buổi công nghệ như hiện nay, giới nhà báo trẻ đang có rất nhiều lợi thế, đó là phương tiện hiện đại, kỹ thuật tiên tiến như máy ảnh kỹ thuật số, chỉ cần giơ lên và bấm là có hình ảnh.

Tuy nhiên, một bức ảnh mà không có bố cục, nội dung không rõ ràng thì rất khó sử dụng, càng không thể nói là tạo nên những tác phẩm ảnh báo chí độc lập, có sức nặng như khả năng của thể loại báo chí này.
Vì vậy, tốt nhất là mỗi tòa soạn nên có phóng viên chuyên ảnh. Còn những phóng viên viết cũng phải tự nâng cấp nghiệp vụ chụp ảnh để khai thác tối đa công năng chiếc máy ảnh của mình.

Mặt khác, không thể có ảnh tốt nếu ta không lăn xả vào thực tế, phải đến tận nơi, gặp gỡ những con người cụ thể, trò chuyện với họ, thậm chí phải đầu tư thời gian cùng ăn, cùng ở để hiểu được công việc của họ, tính cách của họ…thì mới có thể xuất hiện những ý tưởng hình ảnh, bố cục đẹp, có thần và thể hiện được những nội dung có ý nghĩa về hoạt động của ngành Điện.

Bản thân tôi không chụp ảnh chuyên về Điện, nhưng trong quá trình làm nghề, tôi đã có cơ hội chụp ảnh ngành Điện từ những năm 80 của thế kỷ XX, từ thời xây dựng công trình Thủy điện Hòa Bình.

Đến bây giờ, tôi vẫn luôn mong muốn đến với thợ điện ở vùng sâu vùng xa, dùng máy ảnh ghi lại những gian khổ, thiếu thốn của họ, những giọt mồ hôi đổ xuống để mỗi bản làng có điện thắp sáng. Đó cũng là cách ghi nhận “hơn vạn lời nói” về sự vinh quang trong lao động của người làm điện Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.

Nhà báo, Nhà lý luận - phê bình nhiếp ảnh Vũ Huyến từng giữ các cương vị: Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh

 


  • 01/07/2014 08:35
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 2523


Gửi nhận xét