Phó tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An: Trăn trở cùng người làm báo ngành Điện

“Không sa vào minh họa thuần túy, nhưng không giật gân, câu view một cách tầm thường. Phải đảm bảo thông tin chuyên sâu, nhưng vẫn hấp dẫn độc giả.  Làm thế nào để chuyển tải thông tin, đảm bảo tính công khai, minh bạch, đa chiều, đồng thời giúp công chúng hiểu đúng hơn, chia sẻ hơn với ngành Điện? – Khó, nhưng không thể không làm. Đó là những suy tư, trăn trở của Tổng Biên tập Tạp chí Điện lực, Phó Tổng giám đốc EVN – ông Đặng Hoàng An trong cuộc trao đổi với phóng viên TCĐL nhân kỷ niệm 89 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2014).

Ông Đặng Hoàng An

Phóng viên (PV): Theo ông, việc định hướng thông tin cũng như tác nghiệp của một Tạp chí chuyên ngành như Tạp chí Điện lực có gì khác biệt so với các tờ báo độc lập khác?

Ông Đặng Hoàng An: Là một tạp chí chuyên ngành, ngoài việc tuân thủ các nguyên tắc chung về hoạt động của báo chí, định hướng tư tưởng của Nhà nước, Bộ Thông tin & Truyền thông, Tạp chí Điện lực là cơ quan ngôn luận chính thức của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nên phải tuân thủ các quy định truyền thông trong doanh nghiệp, không chỉ truyền thông cho đội ngũ CBCNV Tập đoàn, mà còn có trách nhiệm đưa thông tin ngành Điện tới công chúng – những khách hàng sử dụng điện.

Vì là tạp chí chuyên ngành Điện, là ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù, nên phạm vi thông tin của Tạp chí Điện lực khá hẹp,  đòi hỏi sự chính xác về kỹ thuật, từ ngữ chuyên môn, chuyên ngành cao.

Thực tế này khiến hoạt động tác nghiệp của các phóng viên gặp một số khó khăn như: Khó tìm kiếm đề tài mới, dễ đi vào lối mòn, nguy cơ sa đà vào kỹ thuật khiến độc giả ngoài ngành khó hiểu, dẫn tới khó thu hút sự quan tâm của độc giả…  

PV: Những khó khăn đó sẽ được “hóa giải” bằng cách nào, thưa ông?

Ông Đặng Hoàng An: Bằng việc lắng nghe, hướng tới độc giả để luôn đổi mới nội dung, hình thức, đáp ứng kịp thời những yêu cầu về thông tin của các đối tượng độc giả. Bên cạnh đó là nguồn “nguyên liệu” thông tin vô cùng phong phú của ngành Điện: Những sự kiện, hoạt động sôi nổi của các đơn vị trong tất cả lĩnh vực sản xuất – truyền tải – phân phối điện; là tâm tư, tình cảm, buồn vui của hơn 100 ngàn CBCVN ngành Điện mà không ai có thể hiểu rõ, sâu sắc và đồng cảm hơn các nhà báo của ngành Điện.

Tôi nghĩ rằng vấn đề quan trọng nhất vẫn là tự thân các nhà báo, họ phải thực sự yêu nghề và yêu ngành Điện. Tình yêu và đam mê cống hiến sẽ giúp họ vượt qua mọi rào cản để tìm tòi, sáng tạo, cống hiến cho độc giả những tác phẩm báo chí thực sự có chất lượng, thông tin hữu ích, nhưng cũng phải luôn mới mẻ và thú vị.

PV: Tính khách quan, phản biện đa chiều là một trong những yếu tố “sống còn” của báo chí. Tuy nhiên, đối với một tờ tạp chí chuyên ngành như Tạp chí Điện lực, liệu yếu tố này có được đảm bảo hay không, thưa ông?

Ông Đặng Hoàng An: Không chỉ Tạp chí Điện lực mà bất kỳ ấn phẩm báo chí nào, dù là chuyên ngành hay không, thì nguyên tắc cao nhất vẫn là phải đảm bảo khách quan, trung thực.

Còn tính phản biện xã hội là mục tiêu hướng tới, giúp tạo nên sự đa chiều trong thông tin, tính hấp dẫn cho ấn phẩm mà người đọc tìm kiếm. Tạp chí Điện lực là đơn vị truyền thông của EVN, chúng tôi cũng luôn xác định nếu truyền thông không khách quan, không có tính phản biện thì ấn phẩm này cũng sẽ bị “ngủ quên’ trên kệ mà thôi, vì  không ai muốn đọc những thông tin một chiều, nhàm chán và thiếu trung thực. Đó là chưa nói tới các nguồn thông tin trong xã hội hiện đại ngày càng phong phú, người đọc càng có nhiều sự lựa chọn, thì không có lý gì họ lại chọn một kênh thông tin – tuyên truyền một chiều nhàm chán.

PV: Tạp chí Điện lực nói riêng, nhà báo ngành Điện nói chung có sứ mệnh như thế nào trước đòi hỏi công khai, minh bạch thông tin trong lĩnh vực hoạt động điện lực ngày càng cao như hiện nay, thưa ông?

Ông Đặng Hoàng An: Minh bạch thông tin trong hoạt động điện lực là yêu cầu bắt buộc mà Chính phủ, Bộ Công Thương giao EVN thực hiện. EVN xác định, đây cũng là nhu cầu tự thân của quá trình phát triển, tái cơ cấu mà Tập đoàn đang hướng tới. Vì thế, đưa thông tin minh bạch, công khai về các hoạt động sản xuất – kinh doanh của mình, đặc biệt là thông tin liên quan đến giá điện (bao gồm cả giá thành sản xuất và giá bán) ra bên ngoài qua  các kênh báo chí, trong đó có Tạp chí Điện lực, là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay của EVN.

Để thực hiện được sứ mệnh này, không ai khác, chính là các nhà báo, phóng viên của Tạp chí Điện lực nói riêng, người làm công tác quan hệ cộng đồng, truyền thông trong ngành Điện nói chung và các đơn vị trong ngành sẽ phải đóng vai trò quan trọng.

Cùng với đó là đội ngũ cộng tác viên trong và ngoài ngành Điện trên khắp mọi miền đất nước. Họ chính là đội ngũ xung kích trên mọi mặt trận, là đầu nguồn thông tin, nắm bắt được “hơi thở” của đời sống sản xuất – kinh doanh của ngành Điện một cách nhanh chóng, trung thực nhất.

Trên thực tế, thời gian qua đội ngũ đông đảo những nhà báo “không chuyên” này  là các cán bộ, nhân viên ngành Điện, các cộng tác viên khắp mọi miền của Tạp chí Điện lực đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển, đổi mới không ngừng của Tạp chí. Nói cách khác, họ chính là “cánh tay nối dài” của các nhà báo ngành Điện, góp phần thực hiện sứ mệnh công khai, minh bạch thông tin về các hoạt động sản xuất – kinh doanh của EVN, vì mục tiêu tái cơ cấu và đổi mới bền vững.

PV: Vậy theo ông, làm báo ngành (như báo ngành Điện) là dễ hay khó?

Ông Đặng Hoàng An: Dễ mà khó. Dễ để viết, vì chỉ tập trung các vấn đề của ngành, mà chính các nhà báo  hiểu rõ, được tiếp cận các thông tin chính thống và chính xác nhất. Nhưng khó là để viết hay, viết thế nào cho mới lạ, để đến được với đại bộ phận công chúng.

Làm thế nào để không sa vào minh họa thuần túy, nhưng vẫn không rời xa tôn chỉ, mục đích của Tạp chí, trong khi vẫn đảm bảo hấp dẫn độc giả? Đây chính là thách thức, áp lực lớn đối với các nhà báo hoạt động trong doanh nghiệp.

PV: Là người đứng đầu Tạp chí Điện lực, nhưng đồng thời cũng là một trong những lãnh đạo của EVN, cá nhân ông có trăn trở, tâm tư gì trong ngày Báo chí cách mạng Việt Nam? “Vai” nào (Tổng biên tập Tạp chí ĐL hay Phó TGĐ EVN) khiến ông cảm thấy “nặng gánh” nhiều hơn?

Ông Đặng Hoàng An: Nếu chỉ nắm giữ một “vai” thôi – hoặc là Tổng biên tập, hoặc là Phó Tổng giám đốc EVN, có lẽ tôi sẽ dễ chia sẻ điều này hơn...(Cười).

Thực ra ở vai nào cũng đều phải có trách nhiệm, mà đã là trách nhiệm thì mình đều phải cố gắng làm tốt nhất có thể. Là Phó TGĐ EVN, nếu làm không tốt sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất – kinh doanh chung của Tập đoàn. Còn là Tổng biên tập Tạp chí Điện lực, nếu làm không tốt, cũng sẽ dẫn tới công tác truyền thông của Tập đoàn đi xuống, kéo lùi và thậm chí là đi chệch hướng mục tiêu xây dựng hình ảnh, thương hiệu EVN. “Vai” nào làm không tốt cũng nguy hiểm cả, và công việc nào cũng có những khó khăn đặc thù.

Với vai trò Tổng biên tập của Tạp chí Điện lực, để chia sẻ với các phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên và với độc giả của Tạp chí, tôi muốn nói lời cảm ơn, vì sự cố gắng, tâm huyết của đội ngũ những người làm báo ngành Điện, vì sự đồng cảm, phối hợp hiệu quả của các cộng tác viên trên cả nước. Tôi cũng cảm ơn độc giả đã trân trọng những sản phẩm trí tuệ của đội ngũ PV, BTV, đã có nhiều phản hồi tích cực và góp ý, để chúng tôi có thêm động lực tiếp tục làm tốt hơn công việc của mình.

Còn với vai trò của Phó TGĐ EVN, tôi cũng gửi lời cảm ơn tới các nhà báo theo dõi ngành Điện, các cơ quan báo chí trên cả nước đã luôn quan tâm, dõi theo các hoạt động điện lực để đưa tin, phản ánh kịp thời tới độc giả.

Làm sao để tiếng nói của báo chí, nhất là một tờ tạp chí chuyên ngành như Tạp chí Điện lực, đến được với độc giả trong và ngoài ngành Điện là điều không hề dễ dàng. Khó thì càng phải nỗ lực nhiều hơn. Đây là trách nhiệm, cũng là lương tâm nghề nghiệp của người làm báo nói chung, tôi nghĩ vậy.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tạp chí Điện lực:

- Là cơ quan ngôn luận chính thức của Tập đoàn Điện lực Việt Nam
- Nhiệm vụ: Phổ biến, tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động điện lực. Đưa thông tin và là diễn đàn của đội ngũ CBCNV Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
- Tạp chí có 2 chuyên đề: Quản lý Hội nhập và Thế giới điện, phát hành 2 số/tháng, số lượng 3,2 vạn bản/số/tháng, đến tất cả các đơn vị trong ngành, 64 tỉnh thành trong cả nước.

 


  • 01/07/2014 08:29
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 4272


Gửi nhận xét