Sản xuất xanh, hướng phát triển bền vững của doanh nghiệp

Sản xuất xanh đang là xu hướng nhiều doanh nghiệp hướng đến. Tại Phú Yên, doanh nghiệp đã thay đổi thói quen, đầu tư công nghệ hiện đại để tiết kiệm tài nguyên, chi phí sản xuất, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

Các doanh nghiệp đầu tư nhà máy sản xuất đạt các tiêu chí về môi trường để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ khách hàng quốc tế. Ảnh: NHƯ THANH

Công nghệ hiện đại

Trước những tác động của biến đổi khí hậu, môi trường bị ô nhiễm, các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt…, sản xuất xanh là xu thế tất yếu mà các doanh nghiệp (DN) hướng đến. Trong đó, sản xuất cát nhân tạo từ nguồn đá thải ra là một trong những công nghệ mà Tổng công ty Thành Trung - Công ty CP (huyện Tây Hòa) đang triển khai.Ông Hoàng Văn Quốc, Tổng giám đốc doanh nghiệp này, cho biết: Cát tự nhiên ngày càng khan hiếm, việc tái tạo các mỏ cát cần trải qua rất nhiều năm. Qua quá trình khai thác, chúng tôi nhận thấy một lượng lớn đá vụn thải ra bị bỏ đi, vừa lãng phí tài nguyên, vừa gây ô nhiễm môi trường.

Để tận dụng nguồn đá dư này, công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất cát nhân tạo từ nguyên liệu đá thải để tạo ra sản phẩm cát sạch chất lượng cao; đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng công nghiệp, dân dụng và đảm bảo cân bằng môi trường. Cát nhân tạo có những tính chất đặc biệt như hạt đồng đều hơn, tỉ lệ thành phần hạt theo từng yêu cầu cấp phối cho các loại bê tông khác nhau. Nguồn cát nhân tạo cũng sẽ giúp các chủ đầu tư, nhà thầu chủ động được nguồn cát, sản xuất bê tông thương phẩm.

Tại Công ty CP An Hưng, thay vì sử dụng than đá để đốt trong các lò hơi, vài năm trở lại đây, DN này đã chuyển sang dùng than củi trấu - một nguyên liệu được đánh giá thân thiện môi trường và có giá thành rẻ hơn. Phần tro của chất đốt này được tái sử dụng làm phân bón cây trồng. Công ty cũng đã đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời để sử dụng trong sản xuất tại một số nhà máy.

Bà Bùi Thị Kim Son, Trưởng phòng Tổ chức nhân sự công ty cho biết: Là một DN trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn trên thế giới, Công ty CP An Hưng đã tiếp nhận những yêu cầu xanh hóa trong sản xuất như tiêu chuẩn về nhà máy xanh, môi trường làm việc đảm bảo cho người lao động, giảm khí thải ô nhiễm, giảm chất thải độc hại…

Đây cũng là những tiêu chí để đánh giá năng lực cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế. DN phải giảm chất thải phát sinh, thay đổi thói quen và công nghệ sử dụng năng lượng hóa thạch sang nguồn năng lượng sinh học, năng lượng tái tạo…

Sản xuất sản phẩm từ nguồn nguyên liệu xanh giúp doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu của khách hàng đến từ thị trường châu Âu. Ảnh: NHƯ THANH

Phù hợp xu thế

Theo các chuyên gia kinh tế, phát triển sản xuất xanh, bền vững tốn chi phí khá lớn, có thể hàng chục, hàng trăm tỉ đồng nhưng đây là những hoạt động đầu tư cho tương lai. DN phải xác định dựa vào các yếu tố bền vững để thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận trong dài hạn.

Tại Việt Nam, sản xuất xanh đang là một mắt xích quan trọng giúp Việt Nam hướng tới một nền kinh tế xanh và bền vững. Không chỉ tạo lợi thế ở thị trường trong nước, xanh hóa sản xuất còn giúp nhiều DN có được những tấm vé thông hành là các chứng chỉ xanh, các tiêu chuẩn quốc tế để thâm nhập sâu hơn vào thị trường xuất khẩu khó tính.

Ông Hà Hùng Vĩ, Giám đốc Công ty CP Công nghiệp gỗ Trường Thành (TX Đông Hòa) cho biết: Đa số khách hàng của DN đều yêu cầu sản phẩm không sử dụng gỗ rừng tự nhiên. Do đó, DN phải cam kết sử dụng gỗ rừng trồng, gỗ nhập khẩu từ vùng địa lý tích cực và loài không rủi ro để đáp ứng các quy định nghiêm ngặt của thị trường xuất khẩu của Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…

Bên cạnh đó, quá trình sản xuất cũng không sử dụng các hóa chất độc hại. Các nhà máy được lắp đặt hệ thống hút bụi công nghiệp và xử lý chất thải hiện đại.

Nhấn mạnh về việc chuyển đổi sản xuất xanh, theo ông Ngô Đa Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, để không bị loại khỏi cuộc chơi, các DN cần thay đổi tư duy, quan tâm tới tính xanh của chuỗi sản xuất và cung ứng. Không chỉ các DN lớn với những khoản chi khủng cho phát triển xanh, thực tế đã có không ít DN vừa và nhỏ đang chọn con đường phát triển sản phẩm theo mô hình tuần hoàn, bền vững.

Thời gian qua, nhiều DN đã đẩy mạnh tạo lập giá trị thương hiệu và nâng cao hiệu quả kinh doanh bằng cách xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng thông qua các cam kết về trách nhiệm xã hội và môi trường, đặt vấn đề sức khỏe người tiêu dùng vào trọng tâm của việc phát triển sản phẩm.

Link gốc