TP. Hồ Chí Minh chuyển đổi chiếu sáng xanh, giải quyết ô nhiễm ánh sáng đô thị

Việc sử dụng không kiểm soát các loại đèn đường và đèn trang trí đô thị đã và đang gây khó khăn không chỉ cho người dân, du khách, mà còn làm gia tăng nhiệt độ trái đất, lãng phí năng lượng. TP.HCM đang phải đối diện với một thử thách lớn là vấn đề ô nhiễm ánh sáng...

TP.HCM được mệnh danh là "Thành phố ánh sáng" hay "Thành phố không ngủ". Ảnh: Tuấn Sơn.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng đưa ra cảnh báo rằng tại các thành phố “không ngủ”, người dân thường mắc các chứng bệnh về thị lực, đau đầu, chóng mặt, thậm chí mất ngủ, kém ăn, tâm trạng trầm uất, thân thể suy nhược… Nguyên nhân là do tình trạng ô nhiễm ánh sáng gây ra.

Giải bài toán ô nhiễm ánh sáng cho các đô thị

Hiện nay, ở một số tuyến đường, đặc biệt các các ngõ hẻm ở TP.HCM, việc sử dụng nhiều đèn huỳnh quang và halogen có chiều dài từ 0,6 - 1,2 m để chiếu sáng đường phố còn khá phổ biến.

Do vỏ đèn được làm từ nhôm, chúng không thể ngăn chặn được ánh sáng gây chói mắt từ các nguồn sáng. Cùng với đó, các đèn chiếu sáng trên nhiều con đường ở đây được lắp đặt không đúng cách, ánh sáng quá mạnh đến mức xâm nhập vào nhà của người dân; thậm chí một số đèn quá sáng do điện áp rất cao, còn gây nguy hiểm cho những người đi đường (mắt bị chói, bị hoa mắt…).

Ghi nhận thực tế ở nhiều khu vực dân cư có thể thấy, đi kèm với hệ thống đèn chiếu sáng là các loại chóa đèn cũ kỹ, không tuân theo một quy cách nào. Khoảng cách giữa các đèn cũng tùy tiện, không đồng đều, có khi lắp ngay tại ban công của một hộ gia đình…

Theo định nghĩa của các nhà khoa học, ô nhiễm ánh sáng là việc sử dụng ánh sáng nhân tạo không đúng cách hoặc quá mức cần thiết gây ra các hiện tượng chói lóa, giảm tầm nhìn về đêm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường sinh thái tự nhiên. Tại Việt Nam, thực trạng ô nhiễm ánh sáng đang xảy ra rất phổ biến tại các thành phố lớn và có xu hướng tăng nhanh tại các đô thị, để lại tác động tiêu cực tới đời sống xã hội.

Ánh sáng bị ô nhiễm từ rất nhiều nguồn sáng như đèn đường giao thông, biển quảng cáo của các cửa hàng, biển quảng cáo tấm lớn, đèn trang trí, đèn của các phương tiện tham gia giao thông…

Ô nhiễm ánh sáng là tác dụng phụ của văn minh công nghệ. Ảnh minh họa.

Trong rất nhiều trường hợp, việc chiếu sáng của hệ thống đèn và bảng quảng cáo gây chói mắt người đi đường. Nhiều khu vực trong các thành phố lớn trong nước đã và đang lạm dụng quá mức việc sử dụng ánh sáng nhân tạo vào ban đêm, gây ra ô nhiễm ánh sáng vốn là “sát thủ” nguy hiểm đang thầm lặng gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống.

Các giải pháp về chiếu sáng đô thị thông minh, chuyển đổi chiếu sáng xanh hướng tới Net Zero nhằm giúp tạo ra không gian đô thị trở nên đáng sống hơn cho tất cả người dân.

Bởi khi ứng dụng hệ thống chiếu sáng thông minh có thể giảm tới 30% tai nạn, giảm 20% tỷ lệ tội phạm, cải thiện mức độ an toàn cho giao thông và người đi bộ; giảm đến 80% khí thải CO2; theo dõi và giải quyết vấn đề kịp thời từ người dân; bảo mật dữ liệu của nhà quản lý khỏi nguy cơ truy cập trái phép…

Chuyển đổi chiếu sáng xanh 

Vừa qua, Công ty Signify Việt Nam (thuộc Tập đoàn Signify Hà Lan, đổi tên từ Philips Lightings trước đó), tập đoàn hàng đầu thế giới về lĩnh vực chiếu sáng và giải pháp thành phố thông minh, đã công bố dự án “Chuyển đổi chiếu sáng xanh hướng tới Net Zero”.

Dự án có sự tham gia phối hợp của Tổng Lãnh sự quán Hà Lan tại TP.HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam và báo Tuổi trẻ TP HCM với mục đích khắc phục những bất cập này và góp phần hướng đến mục tiêu phát triển đô thị xanh, bền vững, đạt cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại COP26.

Dự án gồm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên dành cho tất cả mọi người tham gia bài dự thi, từ học sinh, sinh viên, công chức, chuyên gia, kỹ sư, người dân… Bài tham gia dự thi có thể là ý tưởng hoặc thiết kế được trình bày dưới dạng bài viết, đồ họa, hình ảnh, video chia sẻ về các giải pháp sử dụng ánh sáng hợp lý, tiết kiệm năng lượng, và giảm phát thải tại TP.HCM.

Kết quả được công bố kết tại sự kiện ngày hội sáng kiến chiếu sáng (Signify Innovation Day 2024) diễn ra trong tháng 11/2024. Ban tổ chức sẽ lựa chọn những sáng kiến xuất sắc nhất để gửi về Ủy ban nhân dân TP.HCM và các sở ban ngành, cùng nhau xây dựng TP.HCM trở thành một đô thị xanh trong tương lai.

Ô nhiễm ánh sáng nhân tạo làm chê khuất bầu trời đêm, gây mất cân bằng sinh thái, góp phần làm nóng lên Trái Đất. 

Những giải pháp và ứng dụng mà Signify đem đến cho đô thị Việt Nam, trong đó có TP.HCM - siêu đô thị đông dân nhất nước và “chung sống với kẹt xe và khói bụi” nhiều nhất do lưu lượng xe cộ tham gia giao thông – là “Interact City”.

Interact City - là hệ sinh thái chiếu sáng thông minh, sử dụng công nghệ IoT (Internet of Things) để xây dựng hệ thống quản lý ánh sáng hiện đại và tiên tiến cho các thành phố, khu đô thị, khu dân cư cộng đồng.

Ngoài việc điều khiển và tối ưu hóa độ sáng, thời gian chiếu sáng của đèn đường, Interact City còn phát triển các tính năng mới như cảnh báo giao thông, quản lý đỗ xe và giám sát môi trường nhờ vào sự tích hợp các cảm biến. 

Link gốc


  • 24/09/2024 10:27
  • Theo VnEconomy
  • 5653