Tết này người dân Bảo Ái có điện

Mới đây, ngành Điện đã đầu tư số tiền trên 13 tỷ đồng để cấp điện cho toàn bộ 351 hộ dân của 4 thôn chưa có điện là Ngòi Ngần, Ngòi Nhầu, Ngòi Kè và Vĩnh An.

Gian nan kéo điện về thôn

Chúng tôi đến với Bảo Ái vào những ngày đầu tháng 1/2013. Xã Bảo Ái nằm ngay bên quốc lộ 70 (Phú Thọ - Yên Bái – Lào Cai), nơi xe cộ giao thương tấp nập, hoạt động buôn bán chẳng khác dưới xuôi là mấy. Từ trung tâm xã Bảo Ái vào đến thôn Vĩnh An đến cả chục cây số. Ông Đặng Thanh Hải – Chủ tịch UBND xã Bảo Ái lúc đầu còn băn khoăn: “Vĩnh An là thôn xa nhất của xã, đường sá khó đi lắm. Không biết nhà báo có vào được đó không”.

Đi bộ mất khoảng hơn 3 tiếng đồng hồ chúng tôi mới tới Đội thi công – Công ty Xây lắp điện 4, đóng tại thôn Tân Lập 2 xã Bảo Ái. Anh Trần Việt Cường, đội trưởng cho biết: “Anh em chấp nhận đóng quân xa để còn có thực phẩm ăn uống, ở trong đó thì chỉ có cá, tôm của bà con vùng lòng hồ đánh bắt được chứ không có rau xanh. Với lại ở ngoài này việc tập kết vật liệu cũng sẽ thuận lợi hơn”.

Kéo điện về thôn, bản vùng lòng hồ Thủy điện Thác Bà rất gian nan - Ảnh: XT

Con đường 3 km từ thôn Tân Lập 2 đến thôn Vĩnh An mới thực sự là một thách thức. Anh Cường cho biết: “Đội thi công có tất cả 42 người, trong đó có 20 thanh niên là người bản địa làm nhiệm vụ vận chuyển thiết bị và đào hố móng. Bản thân tôi phải rèn luyện tay lái cả tháng trời, giờ tôi mới dám đi cung đường này. Hồi mới lên đây làm việc, có đoạn đường tôi chỉ dám dắt xe thôi. Ở đây đường đất lại mưa nhiều, thi thoảng lại lên dốc với những ngọn núi cao rồi lại xuống dốc sâu thẳm nên việc đi lại cực kỳ khó khăn, mỗi tuần xe máy của tôi lại phải tăng xích ít nhất một lần”.

Ông Đặng Văn Thanh, Giám đốc Công ty Điện lực Yên Bái: “Bằng mọi giá trước Tết nguyên đán Quý Tỵ, bà con 4 thôn của xã Bảo Ái sẽ có điện”.

Do địa hình hiểm trở, nên khó khăn lớn nhất trong việc đưa điện đến với bà con Vĩnh An chính là việc vận chuyển thiết bị đến vị trí thi công. Khu vực quanh hồ Thác Bà mưa nhiều, đường rộng 1 mét, có đoạn nửa mét và trơn trượt, xe tải không thể vào được. Đơn vị thi công phải thuê xe công nông hoặc thuê xe cải tiến để kéo bộ vật tư vào. Có thời điểm thời tiết mưa nhiều quá, xe chở cột điện phải nằm chờ nửa tháng ở đường 70 mà không dám tập kết vật liệu xuống. Và để đưa vật liệu vào đến điểm cuối cùng phải mất đúng một ngày - chậm hơn cả đi bộ.

Gian nan hơn nữa chính là đoạn phải chở vật tư bằng thuyền vì một ốc đảo nhỏ của thôn có khoảng chục hộ dân sinh sống nằm khá biệt lập. “Chúng tôi đã phải thuê thuyền của bà con đánh cá trong lòng hồ vận chuyển thiết bị qua rồi sau đó dùng dây tời kéo lên bờ để thi công những vị trí cột hạ áp”, anh Cường chia sẻ

10 năm làm xây lắp điện của anh Vũ Đình Thành (32 tuổi) thì đây là công trình anh nhớ nhất. Không chỉ đường đi khó khăn vất vả mà việc thi công cột ở những vị trí trên núi cũng khá gian truân. “Đáng nhớ nhất chính là cột xuất tuyến trung áp vị trí 23. Sau cả ngày anh em vất vả đưa cột được đến chân núi. Nhưng làm thế nào để đưa cột lên được đỉnh núi cao mấy chục mét quả là một bài toán khó”, anh Thành kể.

Còn anh công nhân trẻ Lê Văn Sanh (24 tuổi) thì đây thực sự là công trình khó khăn nhất anh được trải nghiệm: “27 vị trí cột trung áp dài 3,9 km và 94 vị trí cột hạ áp dài 3,5 km của thôn Vĩnh An đã được chúng tôi dựng xong. Có những hôm trèo cột mà toát mồ hôi vì lo, nhưng đến nay những khó khăn nhất chúng tôi đã hoàn thành và tôi hi vọng tết này bà con Vĩnh An sẽ có điện ăn tết”.

Chủ đầu tư và đơn vị thi công quyết tâm cấp điện cho bà con trước tết - Ảnh: XT

Ước mơ xa vời… sắp thành hiện thực

Quyết đến vị trí cột hạ áp cuối cùng mà công nhân phải dùng thuyền để đưa vật tư sang, chúng tôi được một tay thuyền là chị Triệu Thị Lan – một người dân trong thôn đưa đi. Mất gần 10 phút ngồi xà lan, chúng tôi vào nhà bà Chu Thị Đàn (58 tuổi), dân tộc Dao. Ở đây đã mấy chục năm, mong mỏi có điện đối với bà đã từ lâu lắm rồi. Gia đình bà bấy lâu nay vẫn phải đốt đèn dầu, thi thoảng những người dân trong xóm đắp đập nguồn tại những ngọn suối, có đủ nước rồi thì tối hôm đó đặt máy phát điện mini vào để có điện khoảng 2 tiếng, đủ để ăn bữa cơm tối. Bà Đàn nói: “Mấy hôm trước khi thấy các anh thợ điện dựng cột và thông báo tết này bà con sẽ có điện tôi mừng lắm. Làm thuyền chài ở lòng hồ này bao nhiêu năm nay chẳng đói, chẳng nghèo, chỉ có một ao ước là có điện để mua nồi cơm điện, xem ti vi cho biết đó biết đây và không phải thắp đèn dầu nữa”.

Cạnh đó là gia đình anh Trương Văn Thóc và chị Triệu Thị Tươi cũng mong chờ có điện đến từng ngày. Chị Tươi kể: “Thằng con trai 8 tuổi nhà chị ngày nào cũng khoanh vào tờ lịch để đếm lùi ngày đến tết. Niềm mong chờ đến tết của thằng nhỏ không chỉ là mong được bộ quần áo mới hay được ăn ngon, mà tết đến là gia đình có điện, các cháu sẽ được xem ti vi. Chẳng thế mà nó cứ đếm từng ngày đợi tết về, đợi điện đến”.

Được biết, theo kế hoạch, sau 70 ngày thi công, các đơn vị thi công sẽ hoàn thành việc xây lắp và bàn giao lưới điện cho Công ty Điện lực Yên Bái. Đến nay, sau gần 2 tháng thi công, các hạng mục đã hoàn thiện được trên 80%, công việc còn lại là kéo đường dây và lắp công tơ cho các hộ gia đình.

Còn đại diện chủ đầu tư, ông Đặng Văn Thanh – Giám đốc Công ty Điện lực Yên Bái khẳng định: “Chúng tôi đã thường xuyên đốc thúc, giám sát các đơn vị thi công đảm bảo đủ khối lượng theo thiết kế, đồng thời tránh sai sót. Việc giải phóng mặt bằng được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương nên đến nay cơ bản thuận lợi, góp phần đẩy nhanh tiến độ công trình để bà con có điện vào dịp trước Tết nguyên đán năm nay”.

Theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại văn bản số 7341/VPCP-KTN, ngày 18/9/2012,  về việc thực hiện cấp điện cho các hộ di dân tái định cư Thủy điện Thác Bà. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đầu tư trên 13 tỷ đồng, thi công 10,123km đường dây trung thế với 04 trạm biến áp 100KVA 35/0,4 và 13,534 km đường dây hạ thế, lắp hệ thống hòm công tơ cho 351 hộ gia đình của 4 thôn thuộc xã Bảo Ái. Suất đầu tư cho mỗi hộ của dự án này là 40 triệu đồng. 

 


  • 07/02/2013 05:21
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý Hội nhập
  • 3016


Gửi nhận xét