Thời tiết bất thường có nguy cơ tác động xấu đến ngành Điện trong năm nay

Nửa cuối năm 2014 đến đầu mùa khô năm 2015, thời tiết nước ta có khả năng diễn biến theo chiều hướng xấu, El Nino và nhiều hiện tượng thời tiết bất thường khác có khả năng xảy ra, sẽ tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống nói chung, trong đó có hoạt động sản xuất và cung ứng điện. Đó là nhận định của bà Đặng Thanh Mai, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Quốc gia.

Phóng viên (PV): Xin bà cho biết dự báo diễn biến thời tiết, khí hậu nước ta những tháng cuối năm 2014 có gì đặc biệt?

Bà Đặng Thanh Mai - Phó giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia - Ảnh: PV

Bà Đặng Thanh Mai: Nhìn chung, từ tháng 6 đến cuối năm 2014, nền nhiệt trung bình trên phạm vi toàn quốc phổ biến là cao trên mức bình thường so với trung bình nhiều năm (TBNN). Nắng nóng gay gắt trên diện rộng còn có khả năng tiếp tục xuất hiện ở các tỉnh Bắc bộ trong tháng 7, Trung bộ còn có thể có nắng nóng kéo dài đến cả tháng 8/2014.  

Theo đó, tổng lượng mưa nhìn chung cũng sẽ thấp hơn TBNN. Hầu hết các đợt mưa lớn sẽ tập trung vào các tháng 7- 8/2014. Nhiều khả năng mùa mưa ở Tây Nguyên và Nam bộ sẽ kết thúc sớm hơn so với bình thường. 

Đặc biệt, trong nửa cuối năm 2014, hiện tượng El Nino có khả năng phát triển và tiếp diễn đến các tháng đầu năm 2015. Đây là một trong hình thái khí hậu bất thường gây nên nhiều kiểu thời tiết xấu và tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống của người dân. 

PV: Cụ thể, bản chất hiện tượng El Nino là gì và nó có thể có tác động như thế nào đến các hoạt động của ngành Điện, thưa bà? 

Bà Đặng Thanh Mai: El Nino là khái niệm dùng để chỉ hiện tượng nóng lên không bình thường của lớp vỏ bề mặt Trái đất. Thông thường, hiện tượng El Nino (pha nóng) và hiện tượng La Nina (pha lạnh) xuất hiện kế tiếp nhau và mỗi hiện tượng El Nino/ La Nina xuất hiện cách nhau từ 2 đến 7 năm. Tuy nhiên, trên thực tế những năm gần đây, các hiện tượng này, đặc biệt là El Nino xuất hiện ngày càng dày đặc hơn, thường xuyên hơn. 

Cụ thể, trong các tháng cuối năm 2014, El Nino xuất hiện sẽ khiến diễn biến thời tiết nước ta bất thường, khó dự báo cụ thể, chính xác, nhất là trong mùa mưa bão. Số lượng các cơn bão và áp thấp nhiệt đới chịu tác động của El Nino ảnh hưởng đến nước ta sẽ không nhiều về số lượng, nhưng cường độ sẽ cao hơn. Đặc biệt, hướng di chuyển của bão và áp thấp nhiệt đới sẽ rất phức tạp, không theo quy luật bình thường của khí hậu, xuất hiện tập trung trong một thời gian ngắn, đặc biệt là cuối năm và ở khu vực nam Biển Đông. 

Bão lớn và bất thường sẽ tác động xấu đến mọi mặt đời sống, sản xuất, trong đó có ngành Điện. Theo tôi biết thì hằng năm, ngành Điện các địa phương, nhất là các tỉnh miền Trung (nơi có nhiều cơn bão đổ bộ) đều phải chịu thiệt hại hàng chục, hàng trăm tỷ đồng do bão. Công tác khắc phục hậu quả bão cũng hết sức khó khăn và mất nhiều thời gian. 

Bên cạnh đó, El Nino còn làm lượng mưa ít hơn, lũ xuất hiện muộn và cường độ lớn. Một mặt, nó sẽ gây bất lợi cho hoạt động của các công ty, nhà máy thủy điện trong công tác điều tiết, xả lũ. Mặt khác, mưa ít khiến mực nước xuống thấp, cũng sẽ tác động không nhỏ đến sản xuất của các nhà máy thủy điện thấp vào cuối năm 2014  và đầu mùa khô năm 2015. 

PV: Như vậy, El Nino sẽ tác động nhiều nhất đến những địa phương nào, thưa bà?

Bà Đặng Thanh Mai: Các cơn bão, lũ bất thường từ tháng 8 - 10 chủ yếu tác động đến các tình ven biển miền Trung và Bắc Trung Bộ. Còn khô hạn sẽ đe dọa trực tiếp đến Tây Nguyên.

Theo dự báo quan trắc, trong mùa khô năm 2014 - 2015, nguồn nước trên phần lớn các hệ thống sông ở Trung Bộ có khả năng thiếu hụt lớn so với TBNN cùng kỳ từ 40 - 80%, thậm chí có nơi trên 80%, khiến mực nước xuống thấp so với bình thường từ 1 - 1,5m. Đặc biệt, ngay sau mùa mưa lũ, từ tháng 11/2014, nguồn nước trên các sông suối sẽ giảm nhanh, đặc biệt là vùng hạ lưu các hồ chứa. Tình trạng khô hạn sớm sẽ xảy ra ở Đắc Lắc, Đắc Nông và 1 số nơi ở Gia Lai vào mùa khô 2014 - 2015. 

PV: Vậy theo bà, các đơn vị ngành Điện nói chung cần làm gì để có thể giảm thiểu tác động của các hình thái thời tiết xấu, nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn cho nhân dân?

Bà Đặng Thanh Mai: Ứng phó với các diễn biến thời tiết, khí hậu, nhất là hiện tượng nóng lên bất thường của Trái đất, đã không còn là câu chuyện của riêng quốc gia nào, lĩnh vực nào. Cần có sự vào cuộc, chung tay của tất cả cộng đồng. Việt Nam chúng ta cũng không phải là ngoại lệ. 

Tôi nghĩ, ngành Điện nên đề cao tính chủ động, làm tốt công tác "phòng" trước khi chống, kể cả với mưa bão, lũ lụt hay hạn hán. Ngoài các kịch bản, kế hoạch phòng bị cụ thể, cũng rất cần theo dõi thường xuyên, bám sát các dự báo gần của thời tiết để có những ứng phó linh hoạt. Ngoài ra, sự phối hợp liên ngành là rất quan trọng và cần thiết. Theo tôi, các ban ngành liên quan và chính quyền địa phương các cấp cũng nên đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp với các đơn vị ngành Điện để cùng nhau giảm nhẹ tác động thiên tai, khắc phục nhanh chóng các sự cố (nếu có). 

PV: Xin cảm ơn bà!

 

- Trên thế giới: Trong các năm El Nino 1997, 2006, 2009: Xuất hiện các cơn bão mạnh và hiếm gặp như bão Linda (1997), Xangsane (2006) và Ketsana (2009) gây thiệt hại kỷ lục về người và tài sản.

- Tại Việt Nam: các đợt El Nino mạnh (1982 - 1983, 1997 - 1998) gây ra nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối ở nhiều nơi như Đà Nẵng có nhiệt độ 40,1oC (6/1998), Pleiku: 38,1oC (5/1998), TP. Hồ Chí Minh: 39,3oC (5/1998).

 

 


  • 04/07/2014 09:40
  • Hoàng Ly (thực hiện)
  • 3217


Gửi nhận xét