Thủ tướng Chính phủ họp khẩn với các Bộ, ngành, địa phương về ứng phó với bão số 9

Sáng 26/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc điều hành cuộc họp trực tuyến với các địa phương để ứng phó bão số 9. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai.

Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn tham dự cuộc họp.

Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết đây là cơn bão rất mạnh. Trên biển, bão số 9 có thể khiến sóng cao từ 8 - 10m, khu vực ven biển các tỉnh Trung bộ sóng cao 5 - 7m, trọng tâm là khu vực Đà Nẵng đến Phú Yên; còn ven biển từ Quảng Nam đến Bình Định, dự báo có nước biển dâng cao đến 1m.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Cảnh báo, từ ngày 27 – 29/10, bão số 9 sẽ gây ra một đợt mưa to đến rất to ở các tỉnh Trung Bộ, lượng mưa phổ biến từ 200 - 350mm. Sau đó, hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh có thể gây ra mưa lớn kéo dài cho các tỉnh Bắc Trung Bộ và Trung Trung bộ. Đặc biệt, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có thể có mưa đặc biệt to, với tổng lượng mưa đạt trên 500mm/đợt. Vùng núi các tỉnh Bắc Trung Bộ có nguy cơ rất cao tiếp tục xảy ra lũ quét và sạt lở đất.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương nghiêm túc triển khai công điện về ứng phó bão số 9. Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, các cơ quan liên quan phải đôn đốc kiểm tra, bảo đảm thực hiện công điện này một cách tốt nhất. 

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không mất cảnh giác, tinh thần chủ động phòng chống tốt nhất để giảm thiểu thiệt hại do cơn bão mạnh gây ra và sau bão là mưa lũ. Các địa phương phải chủ động di dời dân. Ở vùng đồng bằng, phải chèn chống nhà cửa, bảo đảm an toàn các công trình, cơ sở hạ tầng quan trọng, đặc biệt các hồ đập. 

Thủ tướng lưu ý ngành Điện chú trọng củng cố hệ thống lưới điện, xây dựng phương án ứng phó với phương châm “4 tại chỗ” để nếu có mưa bão tác động gây gãy đổ cột điện có thể sớm khắc phục, khôi phục được lưới điện nhanh nhất.

Trao đổi với evn.com.vn, ông Phạm Hồng Long – Trưởng ban An toàn EVN, Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Tập đoàn cho biết: Các đơn vị thuộc EVN tại miền Trung đã và đang tập trung khôi phục cấp điện trở lại cho nhân dân sau khi nước lũ đã rút và đảm bảo điều kiện an toàn. Đồng thời, khẩn trương củng cố lưới điện, sẵn sàng ứng phó với các cơn bão mới. Đối với các hồ chứa thủy điện khu vực miền Trung, Tây Nguyên hiện nay đang tuân thủ đúng quy trình vận hành liên hồ chứa, đơn hồ chứa do các cơ quan có thẩm quyền ban hành. Các hồ chứa trong khu vực hiện nay vẫn còn dùng tích phòng lũ khoảng 1,3 tỷ m3 và đang tiếp tục điều tiết để tạo dung tích phòng lũ lớn hơn.


  • 26/10/2020 12:00
  • Huyền Thương
  • 2165