Thực trạng phát triển nhà máy phát điện từ nguồn nhiên liệu sinh khối ở một số nước

Năng lượng sinh học hiện đại đang được các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới quan tâm và công nhận là nguồn tài nguyên carbon thấp. Vai trò của năng lượng sinh học trong sản xuất điện đang được quan tâm vì mục tiêu trung hòa carcbon, hay Net Zero đang đến gần.

Đức - Trúng thầu 243 MW dự án nhà máy điện sinh khối với giá giảm

Ngày 24 tháng 6 năm 2024, Theo thông tin từ BioEnergyTimes, Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức đã phân bổ 243 MW dự án nhà máy điện sinh khối trong vòng đấu thầu mới nhất tại các Bang của Đức, chứng kiến lượng đăng ký vượt mức đáng kể và giá trung bình giảm.

Có 788 hồ sơ dự thầu với tổng công suất 742 MW, gấp hơn ba lần khối lượng mục tiêu là 240 MW. Trong đó, có 08 đề xuất với tổng công suất 11 MW dành cho các nhà máy mới, trong khi 780 hồ sơ dự thầu với tổng công suất 731 MW dành cho các hệ thống hiện có. Không có hồ sơ dự thầu nào cho các dự án biomethane (là một nguồn năng lượng tái tạo 100% được sản xuất từ các chất hữu cơ như cây trồng nông nghiệp, chất thải lâm nghiệp, chất thải xây dựng bằng gỗ và phân bón).

Tổng cộng có 263 hồ sơ trúng thầu, trong đó có 257 dự án liên quan đến các nhà máy đang vận hành. Các hồ sơ trúng thầu đã đảm bảo mức giá nằm trong khoảng từ 0,1416 EUR (0,1497 USD) đến 0,1848 EUR mỗi kWh, với mức giá bình quân là 0,1780 EUR/kWh, giảm so với 0,1828 EUR/kWh lần đấu thầu trước.

Kết quả của cuộc đấu thầu nhấn mạnh những thách thức mà ngành công nghiệp sinh khối phải đối mặt do không đủ ưu đãi tài chính. Nhiều nhà máy hiện tại sẽ tìm cách gia hạn hợp đồng hỗ trợ sau khi hết thời hạn ban đầu. Ngoài ra, việc các dự án sinh khối rút khỏi chế độ trợ cấp tại EEG (Đạo luật Nguồn năng lượng Tái tạo) có thể dẫn đến việc đóng cửa các cơ sở khí sinh học, khi không thể đảm bảo các hợp đồng mới, việc này có khả năng gây nguy hiểm cho quá trình chuyển đổi năng lượng, Sandra Rostek, người đứng đầu Văn phòng Thủ đô về Năng lượng sinh học, cảnh báo. 

Ấn Độ - Các dự án nhiệt điện chạy bằng than phải đốt kèm viên nén sinh khối có nguồn gốc từ phế phẩm nông nghiệp 

Bộ Điện lực Ấn Độ đã yêu cầu các dự án nhà máy nhiệt điện chạy bằng than phải kết hợp đốt kèm 5% viên nén sinh khối có nguồn gốc từ phế phẩm nông nghiệp hàng năm, tỷ lệ đốt kèm viên nén sinh khối sẽ tăng lên 7% sau hai năm và duy trì ở mức này.

Các quy định về sử dụng sinh khối này nhằm đảm bảo sự rõ ràng và nhất quán trong quá trình xác định giá phát điện, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc tích hợp đồng đốt sinh khối vào hỗn hợp năng lượng. 
Với nguồn cung sinh khối hiện tại của Ấn Độ ước tính khoảng 750 triệu tấn mỗi năm và thặng dư ước tính khoảng 230 triệu tấn, thì việc sử dụng sinh khối để sản xuất điện là rất tiềm năng.

Nhật Bản-Nhà máy điện sinh khối Iitate hoạt động thương mại 

Nhà máy điện sinh khối có công suất 7,5MW ở làng Iitate, quận Fukushima, Nhật Bản, đã hoàn thành xây dựng và vận hành thương mại vào giữa tháng 7 năm 2024 sau gần 02 năm xây dựng.

Nhà máy điện sinh khối này sẽ sử dụng 95.000 tấn gỗ và vỏ gỗ chưa sử dụng mỗi năm có nguồn gốc từ nhiều khu vực khác nhau ở tỉnh Fukushima, bao gồm cả những khu vực bị ảnh hưởng bởi thảm họa hạt nhân năm 2011. Những vật liệu sinh khối này có thể chứa chất phóng xạ nên thiết bị được trang bị bộ lọc kép và sẽ liên tục theo dõi khí thải để tìm chất phóng xạ.

Theo chương trình giá điện FIT vào của Nhật Bản, hợp đồng mua bán điện của nhà máy được ký kết trong 20 năm. Tổng chi phí dự án lên tới 62 triệu USD, trong đó 34 triệu USD nhận được từ chương trình trợ cấp của chính phủ Nhật Bản nhằm thúc đẩy xây dựng nhà máy điện ở Fukushima như một phần của nỗ lực phục hồi. 

Trước đó, vào tháng 6 năm 2017, Nhà máy điện sinh khối Handa, nằm cạnh cảng Kinuura ở thành phố Handa, tỉnh Aichi, bắt đầu đi vào hoạt động thương mại, đây là nhà máy có công suất 75 MW, mức sản lượng lớn nhất trong số các nhà máy điện sinh khối đang hoạt động của Nhật Bản, cho phép đốt sinh khối chuyên dụng (phương pháp phát điện trong đó sinh khối chỉ được sử dụng để phát điện làm nhiên liệu).

Tại Nhật Bản, Cơ chế giá điện FIT (là biện pháp hỗ trợ chính để tăng sinh khối, cũng như năng lượng tái tạo khác trong quá trình sản xuất năng lượng) được áp dụng cho hợp đồng mua bán điện với giá cố định trong thời hạn 20 năm, chính sách này quy định cho giai đoạn 2012-2022. 

Sau năm 2022, Nhật Bản đặt mục tiêu phát triển một kế hoạch mới cung cấp các ưu đãi đầu tư, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc hội nhập thị trường năng lượng tái tạo mang tên Feedin Premium. Theo FIP, các nhà sản xuất điện tái tạo được khuyến khích bán điện trực tiếp tại thị trường bán buôn qua đó sẽ đảm bảo được mức giá ưu đãi nhất có thể khi so với giá FIT.

Link gốc


  • 02/08/2024 11:35
  • Theo erav.vn
  • 4583