Thủy điện “chắt chiu” nguồn nước

Hiện hàng loạt các nhà máy thủy điện khu vực miền Trung, Tây Nguyên gần như không phát điện để tích nước hồ chứa, sẵn sàng cấp nước cho hạ du khi có yêu cầu của địa phương.

Phát điện chưa bằng… 1% kế hoạch

A Vương là công trình thủy điện lớn nhất trên thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam), gồm 2 tổ máy có tổng công suất 210 MW, sản lượng điện bình quân hàng năm là 815 triệu kWh. Tính đến nay, hồ chứa thủy điện A Vương tích còn thiếu 17 m so với mực nước dâng bình thường. Đến hết quý I/2019, Nhà máy Thủy điện A Vương mới sản xuất được 5,2 triệu kWh điện, chưa bằng… 1% so với kế hoạch năm.

Do hồ chứa Thủy điện A Vương đang ở mức thấp và không đảm bảo mực nước quy định tại Quy trình vận hành liên hồ chứa, nên trong thời gian này, theo điều hành của UBND tỉnh Quảng Nam, Nhà máy không phát điện, mà chỉ tập trung tích nước hồ chứa, chuẩn bị cung ứng nguồn nước cho sản xuất vụ hè - thu sắp tới. Từ tháng 10/2018 đến nay, hàng tháng Công ty CP Thủy điện A Vương đều gửi công văn báo động về tình trạng hạn hán để các địa phương phía hạ du chủ động trong sinh hoạt và sản xuất.

Trong quý I/2019, Nhà máy Thủy điện A Vương phát điện chưa được 1% kế hoạch năm

Các hồ sắp về mực nước chết

Công ty Thủy điện Sông Bung cũng rơi vào tình trạng tương tự. Cuối năm 2018 không có mưa khiến hồ chứa không tích được đến mực nước dâng bình thường, nên các tổ máy đều ngừng hoạt động. Đến ngày 15/2/2019, Công ty mới được phát điện trở lại, tuy nhiên cũng chỉ hoạt động cầm chừng, nhằm đảm bảo cấp nước cho hạ du. 

Ông Lê Đình Bản - Giám đốc Công ty cho biết: “Quý I/2019, Công ty chỉ sản xuất được 40 triệu kWh điện, trong khi năm 2018 đạt 140 triệu kWh điện. Hiện tại, lưu lượng nước về hồ chỉ đạt 20 m3/s, nhưng theo Quy trình, Nhà máy phải xả 35-40m3/s nhằm đảm bảo cấp nước hạ du. Nếu tiếp tục không có mưa, hồ chứa sẽ sớm về mực nước chết”.

Nhiều nhà máy thủy điện khác ở miền Trung, Tây Nguyên như Sông Tranh 2, Vĩnh Sơn - Sông Hinh, Sông Ba Hạ, An Khê - Ka Nak… gần như không có nước về. Mực nước trong hồ giảm, buộc các nhà máy phải giảm công suất phát điện để điều tiết nước, phục vụ sản xuất và sinh hoạt vùng hạ lưu.
Điển hình nhất là Công ty Thủy điện An Khê - Ka Nak, từ đầu năm đến nay, lưu lượng nước đến hồ Ka Nak chỉ đạt trung bình 1-2 m3/s, thấp nhất từ khi nhà máy đi vào vận hành. Trong khi đó, Nhà máy luôn phải xả 4 m3/s, có những thời điểm theo yêu cầu của UBND tỉnh Gia Lai, Nhà máy phải xả với lưu lượng cao hơn. Vì vậy, đơn vị phải thường xuyên làm việc với UBND tỉnh Gia Lai và các cơ quan địa phương liên quan trước khi vận hành chạy máy phát điện, để địa phương, cũng như các trạm bơm chủ động lấy nước, nhằm tiết kiệm tối đa nguồn nước trong bối cảnh khô hạn kỷ lục tại miền Trung, Tây Nguyên.

Trước thực trạng thiếu hụt nguồn thủy điện ở miền Trung, Tây Nguyên, ông Vũ Xuân Khu - Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cho biết: Dự kiến trong mùa khô 2019, hệ thống điện quốc gia sẽ phải huy động tối đa các nguồn khác để bù đắp sản lượng thủy điện thiếu hụt. EVN kiến nghị Bộ Tài Nguyên & Môi trường, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các địa phương có giải pháp sử dụng nước thực sự tiết kiệm, hiệu quả. 


  • 02/05/2019 09:00
  • Theo Tạp chí Điện lực Chuyên đề Thế giới điện
  • 14362