Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Phạm Lê Thanh: Thành công từ những quyết định đúng đắn

7 năm sau ngày khởi công, tháng 9/2012 toàn bộ 6 tổ máy của Nhà máy Thủy điện Sơn La đã hòa lưới quốc gia, đảm bảo khánh thành nhà máy nhân dịp kỷ niệm 58 năm ngày Truyền thống ngành Điện lực Việt Nam. Điều đó thể hiện nỗ lực vượt bậc của đội ngũ những người làm điện Việt Nam, xứng đáng với niềm tin cậy của Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước. Nhân dịp này, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam – Phạm Lê Thanh đã chia sẻ về những nỗ lực của EVN để dự án Thủy điện Sơn La hoàn thành vượt tiến độ và đảm bảo chất lượng.

Tổng giám đốc EVN - Phạm Lê Thanh

PV: Nhằm đảm bảo các mục tiêu hàng đầu là an toàn, chất lượng và tiến độ, trách nhiệm Chủ đầu tư đã được EVN thực hiện ra sao trong thời gian qua, thưa ông?

Ông Phạm Lê Thanh: Trước hết, phải khẳng định dự án Thủy điện Sơn La (TĐSL) là dự án quốc gia có vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển đất nước. Đó là: Cung cấp điện năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước; góp phần chống lũ về mùa mưa và cung cấp nước về mùa kiệt cho đồng bằng Bắc Bộ; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh khu vực Tây Bắc. Từ tầm quan trọng đó, sau khi nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về các tác động của dự án Thủy điện Sơn La, Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 2, khóa XI, tháng 12/2002. Trên cơ sở Nghị quyết này, ngày 15/1/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 92/QĐ – TTg phê duyệt đầu tư dự án TĐSL.

Có thể nói, trong suốt quá trình triển khai dự án, vai trò của Chủ đầu tư đã được EVN thể hiện rất rõ nét, thông qua việc biết kết hợp sức mạnh thời đại với phát huy nội lực, chủ động đề xuất các cơ chế và quyết tâm tổ chức thực hiện các cơ chế này.

Cụ thể, EVN đã cùng Bộ Công nghiệp (hiện là Bộ Công Thương) xây dựng cơ chế chỉ định thầu tư vấn và các nhà thầu thi công trong nước thực hiện dự án. Trong đó, xin Chính phủ giao Công ty Tư vấn Xây dựng điện 1 làm Tư vấn chính cho dự án (với những hạng mục khó khăn đòi hỏi kỹ thuật và công nghệ mới, được phép thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài để tư vấn những việc Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm).  Từ cơ chế thuận lợi này, chỉ trong 1 thời gian ngắn, Công ty Tư vấn Xây dựng điện 1 cùng các tư vấn phụ đã hoàn tất thiết kế kỹ thuật của dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai thi công các hạng mục của công trình

Nhằm phát huy nội lực, một tổ hợp các nhà thầu bao gồm các tổng công ty mạnh của Nhà nước cũng đã được chỉ định thầu xây dựng toàn bộ công trình: Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Xây dựng Licogi, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Tổng công ty Lắp máy Lilama. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong điều hành thi công, Tổng công ty Sông Đà cũng đã được chỉ định đứng đầu tổ hợp nhà thầu để phối hợp với Chủ đầu tư, các nhà thầu trong tổ hợp thực hiện dự án một cách hiệu quả nhất. EVN cũng đề xuất Chính phủ giao cho các đơn vị trong nước thực hiện chủ đạo thiết bị cơ khí thủy công như  Xí nghiệp cơ khí Quang Trung, Tổng công ty Xây dựng Nông nghiệp và Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Công ty cổ phần Cơ khí điện lực, Công ty Cổ phần Cơ điện miền Trung để thực hiện các hạng mục như cầu trục, cửa van, đường ống áp lực, van… góp phần tiết kiệm đáng kể chi phí vật tư, thiết bị và thời gian thi công.

Bên cạnh cơ chế chỉ định thầu, EVN cũng chủ động đề xuất xin Chính phủ cơ chế giao cho các địa phương thực hiện công tác di dân giải phóng mặt bằng. Thực tế đã chứng minh việc địa phương triển khai công tác thi công giải phóng mặt bằng đã tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ công tác di dân tái định cư và phù hợp với nguyện vọng của dân. Mà một trong những yếu tố góp phần đẩy nhanh tiến độ này là địa phương 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã ý thức rất rõ cơ hội tốt cho địa phương trong công cuộc di dân để phát triển, sắp xếp lại dân cư, đổi mới cơ cấu sản xuất, tạo điều kiện khơi dậy những tiềm năng vốn có của các tỉnh cho phát triển kinh tế địa phương.

Một nỗ lực nữa cũng phải đề cập đến đó là công trình được thực hiện trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư của EVN rất eo hẹp, trong khi dự toán công trình lại không ngừng tăng cao do lạm phát và chi phí nguyên vật liệu, nhân công đều tăng (đặc biệt, từ thời điểm năm 2008 diễn ra suy giảm kinh tế). Trong điều kiện khó khăn như vậy, EVN đã đề xuất Chính phủ cho cơ chế tạo thuận lợi tối đa để thu xếp vốn đầu tư dự án. Cụ thể là dùng tiền khấu hao của EVN làm vốn đối ứng, xin Chính phủ cho vay vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Phát triển Việt Nam để triển khai di dân tái định cư và gia công cơ khí trong nước. Trong những thời điểm đặc biệt khó khăn về thu xếp vốn, EVN đã phải chấp nhận “vay nóng” của Ngân hàng Phát triển Việt Nam với lãi suất cao, tích cực làm việc với các ngân hàng thương mại để đảm bảo dự án không ngừng trệ vì thiếu vốn... Ngoài việc lo đủ vốn cho dự án, quy trình thanh toán cho các nhà thầu cũng hết sức linh hoạt, đảm bảo tiến độ, hiệu quả. Đến nay, Thủy điện Sơn La đã được các nhà thầu cung cấp thiết bị, xây lắp, thi công cả trong nước và nước ngoài đánh giá rất cao về công tác giải ngân vốn cho quá trình xây dựng và lắp đặt thiết bị.

Vai trò của Chủ đầu tư EVN còn được thể hiện cụ thể hơn trong quá trình triển khai dự án, đó là thông qua Ban quản lý dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La, đại diện chủ đầu tư đã thực hiện tốt công tác điều phối, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan, các nhà thầu, tư vấn giám sát để triển khai dự án một cách hiệu quả nhất.  Các cán bộ, nhân viên Ban quản lý dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La đều là những người có năng lực, không chỉ thực hiện tốt công việc điều phối mà còn từng giờ, từng phút bám sát công trường để luôn làm tốt vai trò giám sát A, với mục tiêu xuyên suốt là an toàn, chất lượng và tiến độ cho công trình. EVN thông qua Ban quản lý dự án đã mạnh dạn tổ chức đấu thầu, áp dụng nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong thi công, tiêu biểu là đã chọn được thiết bị tổ máy do hãng Alstom của Pháp với công nghệ tiên tiến, sản xuất tại Trung Quốc nên giá thành hợp lý, tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư.

Có thể nói, từ ngày khởi công và ngăn sông công trình đến nay là cả một chặng đường dài gian nan, thử thách sự quyết tâm vượt khó của hàng chục nghìn con người. Để tạo ra nguồn động viên to lớn, giúp các đơn vị thi công vượt qua khó khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, EVN đã chủ động đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động Phong trào Thi đua liên kết trên công trường thủy điện. Nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị thi công, sự động viên khích lệ kịp thời của các tổ chức đoàn thể trong phong trào thi đua liên kết này mà những dấu mốc quan trọng của công trình đều đã được hoàn tất vượt tiến độ như: Hoàn thành công tác thi công bê tông đập không tràn, đập tràn; lắp đặt thiết bị và đóng cống dẫn dòng thi công; hạ roto tổ máy số 1... và mốc quan trọng nhất là phát điện tổ máy số 1. Tất cả những người thực hiện công trình đều quyết tâm “về đích”, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và an toàn trong suốt cuộc “hành trình” vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc.

PV: Để Nhà máy Thủy điện Sơn La hoàn thành và đi vào vận hành hiệu quả, các dự án đồng bộ đã được EVN triển khai ra sao, thưa ông ?  

Ông Phạm Lê Thanh: Nhiệm vụ Chủ đầu tư trong 1 dự án có 4 việc quan trọng: Lo thiết kế cho dự án, lo giải phóng mặt bằng (đường giao thông, đường điện), lo thiết bị và lo vốn đầu tư. Riêng dự án TĐSL, ngoài những nhiệm vụ trên,  EVN còn triển khai nhiệm vụ xây dựng các công trình đồng bộ đường dây và trạm, cũng như quản lý điều hành dự án một cách hiệu quả nhất.

Dự án đường dây truyền tải 500 kV đồng bộ dự án Thủy điện Sơn La đã được Chính phủ phê duyệt và được EVN giao cho Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) làm chủ đầu tư. Dự án này được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 gồm Trạm 500 kV Sơn La, mở rộng Trạm 500 kV Hòa Bình, Trạm 500 kV Nho Quan, tuyến đường dây 500 kV từ Sơn La đi Hòa Bình, Sơn La đi Nho Quan; Giai đoạn 2 gồm có đường dây 500 kV Sơn La – Hiệp Hòa và Trạm biến áp 500 kV Hiệp Hoà.

Vượt qua những khó khăn về tiến độ, vốn đầu tư, điều kiện khắc nghiệt về địa hình cũng như được sự hỗ trợ hết sức  tích cực của các địa phương nơi có đường dây đi qua, công tác giải phóng mặt bằng đã từng bước được giải quyết thuận lợi. Và rất mừng là chỉ sau gần 22 tháng nỗ lực thi công, giai đoạn 1 của dự án đã được NPT hoàn thành và vượt tiến độ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 2 tháng, góp phần quan trọng để tổ máy số 1 Thủy điện Sơn La đi vào vận hành. Với đường dây 500 kV Sơn La – Hiệp Hòa mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, đặc biệt đoạn đường dây đi qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, tuy nhiên, với những nỗ lực ngày đêm của các đơn vị tham gia dự án, cuối cùng thì công việc cũng hoàn tất đúng tiến độ phát điện tổ máy 5 và 6 Thủy điện Sơn La.

Tổ hợp thiết bị tổ máy số 2 Thủy điện Sơn La - Ảnh: Hà Bắc

PV: Đảm bảo tiến độ, chất lượng của một đại công trình thủy điện trong điều kiện khó khăn nhiều mặt là thử thách quá lớn lao. Theo ông, yếu tố quan trọng nào đã giúp EVN vượt qua thử thách này trong suốt 7 năm qua?

Ông Phạm Lê Thanh: Kể từ ngày khởi công đến nay, công trình Thủy điện Sơn La đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao từ Chính phủ, Ban Chỉ đạo nhà nước, các ban ngành hữu quan và sự hướng tới, chia sẻ của nhân dân cả nước. Chính vì vậy, mọi trở ngại trong quá trình triển khai dự án đã được khẩn trương giải quyết, tháo gỡ.

Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò của Ban Chỉ đạo nhà nước dự án Thủy điện Sơn La. Ngay từ khi có quyết định thành lập vào ngày 15/1/2004, Ban Chỉ đạo nhà nước đã được Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng làm Trưởng ban chỉ đạo. Sau này khi Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận chức Thủ tướng thì vị trí Trưởng ban được bàn giao cho Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải. Công trình cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê - người đã cả đời tâm huyết với sự nghiệp phát triển Điện lực Việt Nam. Với vị trí Phái viên Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng ban Chỉ đạo nhà nước dự án thủy điện Sơn La - đồng chí Thái Phụng Nê đã liên tục có mặt trên công trường thay mặt Ban Chỉ đạo giao ban hằng tháng. Từ việc nắm rất sát các vướng mắc trên công trường, Ban Chỉ đạo nhà nước đã rất kịp thời, tích cực trong việc chỉ đạo các bộ, ban ngành liên quan giải quyết những vướng mắc trong quá trình triển khai dự án như những khó khăn trong thu xếp vốn đầu tư, đấu thầu, lựa chọn thiết bị công nghệ…

EVN cũng nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương các cấp các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên trong triển khai dự án, đặc biệt là công tác di dân, tái định cư, giải phóng mặt bằng cho các dự án đồng bộ. Công tác di dân tái định cư vùng lòng hồ cũng đã nhận được sự ủng hộ của hơn 20 nghìn hộ dân tái định cư là đồng bào các dân tộc ba tỉnh.

Bên cạnh đó, sự đoàn kết nhất trí, mối quan hệ khăng khít giữa chủ đầu tư và các nhà thầu cũng là yếu tố quan trọng để đảm bảo tiến độ của dự án.

PV: Với góc độ của một người từng “chinh chiến” trên các công trình thủy điện, ông có thể chia sẻ những cảm nghĩ của ông về công trình Thủy điện Sơn La trước thời khắc quan trọng này?

Ông Phạm Lê Thanh: Nếu như Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình với công suất 1.920 MW được coi là công trình thế kỷ, mở đầu cho cuộc chinh phục sông Đà của ngành Điện Việt Nam, thì công trình Nhà máy Thuỷ điện Sơn La công suất 2.400 MW có quy mô lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay là sự kết tinh của tinh thần lao động sáng tạo vượt bậc, khẳng định nội lực, bản lĩnh, tài năng và trí tuệ của chính đội ngũ những người làm điện Việt Nam. Điều tự hào nhất là bản lĩnh ấy được thể hiện bằng việc tại công trình Thủy điện Sơn La, từ khâu chủ trì thiết kế quy hoạch, công tác khảo sát, thiết kế kỹ thuật, cho đến công tác thi công, lắp đặt và vận hành đều do kỹ sư, chuyên gia, công nhân lao động Việt Nam thực hiện.

Bên cạnh đó, việc phát huy nội lực trong nước còn được thực hiện thông qua việc ưu tiên sử dụng các thiết bị cơ khí, máy móc của các nhà thầu sản xuất trong nước. Công tác xây dựng và lắp đặt thiết bị 100% là người Việt Nam đảm nhận, các nhà thầu trong nước, chuyên gia nước ngoài chỉ đóng vai trò giám sát. Bằng chính bàn tay, khối óc của đội ngũ những người làm điện Việt Nam, dự án đã vượt qua rất nhiều những trở ngại từ vấn đề lựa chọn vị trí xây dựng, lựa chọn phương án quy mô công trình, thu xếp vốn đầu tư, điều kiện thi công khắc nghiệt cả về thời gian, địa hình và khí hậu, vấn đề đấu thầu, vận chuyển thiết bị thi công và tổ máy, công tác di dân, tái định cư… Đến nay, tiến độ của dự án đã được đảm bảo, tổ máy số 1 đã vào vận hành sớm 2 năm, và toàn bộ dự án về đích trước 3 năm so với mục tiêu đề ra của Quốc hội, đem lại lợi ích hàng chục nghìn tỷ đồng cho đất nước.

PV: Xin cảm ơn ông!


  • 05/01/2013 12:59
  • Theo sách Thủy điện Sơn La: Trọn vẹn niềm tin
  • 3107


Gửi nhận xét