Trung tâm Điều khiển từ xa: Mô hình hay cần nhân rộng

Mỗi ca trực chỉ cần 2-3 người thay vì hàng chục người trước đây. Mọi thông số về vận hành thiết bị, thủy văn hồ chứa và công suất của hệ thống điện đều được cập nhật kịp thời. Đó là những tiện ích của Trung tâm Điều khiển từ xa (OCC) – đơn vị thuộc Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi (DHD).

Từ yêu cầu thực tế cấp thiết

Ông Lê Văn Quang – Phó tổng giám đốc DHD cho biết: Do đặc thù, DHD phải quản lý, vận hành 4 nhà máy (Đa Nhim, Sông Pha, Hàm Thuận, Đa Mi) nằm rải rác trên địa bàn các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, nhưng trụ sở Công ty lại nằm ở tỉnh Lâm Đồng, việc nắm bắt thông tin về tình hình sản xuất, vận hành thiết bị thường gặp khó khăn. Để nâng cao hiệu quả trong điều hành sản xuất - kinh doanh các nhà máy điện theo hướng tập trung, phát huy tối đa hiệu quả khi tham gia thị trường phát điện cạnh tranh cũng như định hướng phát triển thị trường điện trong thời gian tới, đồng thời sử dụng hợp lý nguồn nhân lực, cũng như từng bước thực hiện lộ trình phát triển lưới điện thông minh theo chủ trương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty DHD đã đầu tư xây dựng Trung tâm Điều khiển từ xa (OCC).

OCC được đưa vào vận hành theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: Từ tháng 12/2013 đối với cụm nhà máy Hàm Thuận – Đa Mi. Giai đoạn 2: Từ tháng 3/2014 đối với cụm nhà máy Thủy điện Đa Nhim – Sông Pha. Tại OCC, trưởng ca vận hành nhận và thực hiện lệnh điều độ từ kỹ sư điều hành Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) và điều độ miền (A2); trực tiếp chỉ huy vận hành, thao tác và xử lý sự cố các nhà máy điện.

Mọi dữ liệu được truyền về phòng điều khiển trung tâm đặt tại trụ sở Công ty - Ảnh: Minh Ngọc

…đến hiệu quả mang lại

OCC có chức năng  đảm bảo kết nối hệ thống thông tin thông suốt giữa các nhà máy, Văn phòng Công ty với mục tiêu phát huy tốt vai trò chỉ đạo điều hành của Công ty đối với các nhà máy, đồng thời tiết kiệm chi phí thuê kênh điều hành, góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất - kinh doanh. Trước đây, Công ty thuê 20 kênh truyền dẫn. Đến nay, sau khi đưa vào vận hành OCC, chỉ còn phải thuê 5 kênh truyền dẫn. Ngoài ra, xây dựng OCC giúp cho ca trực vận hành tại OCC thay thế cho ca trực tại các nhà máy điện trong công ty trực tiếp nhận và thực hiện các mệnh lệnh chỉ huy điều độ từ các cấp, đồng thời ca trực vận hành đảm nhiệm trực tiếp công tác thị trường điện chính vì thế giúp tối ưu nguồn nhân lực cho công ty.

Sau hơn 1 năm đưa vào hoạt động chính thức, đến nay OCC đã vận hành ổn định, hệ thống truyền dẫn, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống thu thập dữ liệu đều hoạt động tin cậy, không xảy ra các sự cố chủ quan. Tất cả các thao tác được thực hiện tại OCC đều đáp ứng một cách kịp thời, chính xác theo yêu cầu của điều độ quốc gia và điều độ miền.

“Việc đưa OCC vào vận hành đã đáp ứng cơ bản những yêu cầu về chiến lược phát triển của Công ty theo mô hình quản lý tập trung, phát huy hiệu quả trong quản lý vận hành sản xuất điện. OCC tổng hợp và cung cấp một cách đầy đủ và kịp thời các thông tin về tình hình thiết bị các nhà máy trong Công ty, tình hình thủy văn trên các lưu vực hồ chứa và các số liệu liên quan phục vụ tốt cho việc phân tích, đánh giá tình hình từ cơ sở đó để thiết lập bản chào giá tối ưu đối với các nhà máy điện, tham gia hiệu quả vào thị trường phát điện cạnh tranh”, ông Quang chia sẻ.

Không chỉ giúp lực lượng vận hành tại các nhà máy được điều chỉnh theo hướng tinh gọn hơn, OCC đi vào hoạt động cũng đã góp phần giảm bớt số lượng đầu mối trực tiếp liên lạc đến các cấp điều độ. OCC là nơi tổng hợp và cung cấp các dữ liệu về quản lý thiết bị để xây dựng phần mềm quản lý kỹ thuật kết nối đến hệ thống quản lý vật tư của DHD. Trên cơ sở các số liệu tổng hợp, có thể tiến hành xây dựng kế hoạch một cách hợp lý trong sửa chữa thiết bị, hợp lý hóa nguồn lực hiện có, giảm chi phí sửa chữa và ngăn ngừa các sự cố.


  • 29/06/2015 09:29
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 15327


Gửi nhận xét