Tự động hóa lưới điện, mục tiêu còn xa?

Các công nghệ tự động hóa được coi là đòn bẩy quan trọng, giúp EVN tiến nhanh và tiến xa trên hành trình hướng tới mục tiêu Top 4 ASEAN. Tuy nhiên, trên hành trình này, EVN đang phải đối mặt với không ít khó khăn về đồng bộ hệ thống thiết bị, nhân sự…

Nhiều khó khăn

Ông Nguyễn Xuân Tuấn - Trưởng Ban Viễn thông và Công nghệ Thông tin EVN cho biết, EVN đã có những bước tiến nhất định trong công tác tự động hóa lưới điện, qua đó, góp phần nâng cao năng lực cung ứng điện tới khách hàng. Tập đoàn đã ứng dụng thành công nhiều công nghệ như: Triển khai hệ thống SCADA cho các trung tâm điều khiển xa, phát triển hệ thống DCS với nguyên tắc điều khiển phân tán trong các trạm biến áp (TBA) để hạn chế sự cố, tăng độ tin cậy vận hành… 

Đặc biệt, nhiều đơn vị trong Tập đoàn đã thực hiện tích hợp hệ thống điều khiển khi xây dựng, triển khai các trung tâm điều khiển xa, cải tạo TBA không người trực. Đây là điều kiện tốt để phát huy nội lực trong EVN, tăng tính chủ động trong triển khai, xử lý sự cố các hệ thống điều khiển tại các đơn vị, giảm chi phí và sự phụ thuộc vào nhà thầu khi nâng cấp, mở rộng dự án.

EVN cũng đã không ngừng phát triển hệ thống thu thập dữ liệu từ xa. Nhờ đó, tăng cường tính chính xác của dữ liệu đo ghi chỉ số điện, tăng năng suất lao động và tăng sự đồng thuận của khách hàng với ngành Điện.

Tuy đã đạt được những kết quả khả quan, nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, công tác tự động hóa lưới điện của EVN vẫn còn một số tồn tại cần sớm khắc phục.  Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải cho biết: Các hệ thống tự động hóa trong Tập đoàn còn chưa thống nhất, đồng bộ, rất khó để phát triển, bổ sung các chức năng mới của các hệ thống. Đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực tự động hóa cũng chưa đủ mạnh về số lượng, chất lượng, để có thể đảm nhận, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của công việc.

Hệ thống SCADA được ứng dụng hiệu quả tại các trung tâm điều khiển xa 

Giải pháp nào?

Định hướng phát triển công tác tự động hóa trên lưới điện được EVN tập trung vào 3 mục tiêu chính: Hoàn thiện hệ thống SCADA, chuẩn hóa mô hình các trung tâm điều khiển xa và trạm biến áp không người trực, chuẩn hóa hệ thống đo đếm dữ liệu từ xa.

Với mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, các đơn vị trong Tập đoàn sẽ chú trọng đào tạo, bồi dưỡng các chuyên gia, kỹ sư chuyên sâu về công tác tự động hóa. Tập đoàn cũng chọn ra các lĩnh vực “mũi nhọn” trong việc triển khai, giao Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT) là đầu mối nghiên cứu phát triển các sản phẩm tự động hóa trong EVN, chủ động làm việc với các đơn vị liên quan, tổ chức nghiên cứu phát triển các sản phẩm tự động hóa trong EVN, đảm bảo tính hiệu quả, có tính ứng dụng cao.

EVN chủ trương các đơn vị tự thực hiện hoặc chuyển giao công nghệ, thuê chuyên gia trong nội bộ Tập đoàn để thực hiện phần việc tích hợp hệ thống và xây dựng, nâng cấp các trung tâm điều khiển xa, phát triển hệ thống điều khiển tại các TBA 110 kV… Theo đó, EVNICT và Tổng công ty Điện lực miền Trung được EVN giao chủ động làm việc để chuyển giao công nghệ, chuyển giao các sản phẩm hiện có (như hệ thống điều khiển tích hợp tại TBA 110 kV, hệ thống phần mềm cho trung tâm điều khiển xa) để các đơn vị khác trong Tập đoàn có thể ứng dụng, nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư. 

Dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi các công nghệ không ngừng thay đổi, phát triển từng ngày, nhưng với việc triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp, EVN đang nỗ lực làm chủ công nghệ, từng bước hướng tới phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam. 


  • 02/05/2019 09:00
  • Theo Tạp chí Điện lực Chuyên đề Thế giới điện
  • 15709