Tuyên truyền viên tiết kiệm điện: Mưa dầm để thấm lâu

Tiết kiệm điện thực sự mang lại lợi ích to lớn cho cá nhân, gia đình và tập thể, nhưng tuyên truyền để mọi người dân hiểu và tự giác làm theo, không phải lúc nào cũng dễ dàng.

Khó ở cách nghĩ của người dân

Mới đây, tôi có tham dự một buổi tuyên truyền tiết kiệm điện cho các tổ trưởng tổ dân phố do một công ty điện lực tổ chức. Trong lúc tuyên truyền viên đang phổ biến các biện pháp tiết kiệm điện, trong đó nói đến việc dùng  bóng đèn compact, một bác ngồi cạnh tôi ghé tai thì thầm: Có phải là không biết đâu, nhưng mắc bóng điện cũ lâu rồi, giờ ngại đi dây mới và thay đui đèn...

(Ảnh minh họa)

Tới phần hỏi đáp dành cho khách hàng, chỉ vài ba câu là đúng chủ đề. Buổi tuyên truyền có nguy cơ bị “nhàm”, một cán bộ phường đứng lên “chấn chỉnh”: “Hôm nay, chúng ta đến đây để nghe tuyên truyền về cách tiết kiệm điện. Vì vậy, các ông, các bà nên đặt câu hỏi cho trúng vấn đề”. Dừng giây lát, ông nói một cách hình ảnh: “Phải bàn bạc, tìm các giải pháp để làm sao tiền không chảy vào túi của điện lực”. Cả hội trường đồng loạt vỗ tay tán thưởng (?!). Khỏi phải nói đến gương mặt tuyên truyền viên tiết kiệm điện của ngành Điện lúc đó thế nào!

Là người trực tiếp làm công tác tuyên truyền tại các tổ dân phố, cụm dân cư, anh Đinh Văn Mười (Đội Quản lý khách hàng, Công ty Điện lực Ba Đình) cho biết, anh không ít lần bị khách hàng “nói mát”: “Nhà điện bán giá nào thì chúng tôi mua như thế, cần gì phải tuyên truyền”. Có khách còn tuyên bố: “Tôi dùng bao nhiêu thì tôi trả tiền bấy nhiêu, sao phải tiết kiệm”. Chủ các nhà hàng, cửa hiệu thì phản ứng: “Tắt đèn quảng cáo làm sao chúng tôi thu hút được khách hàng”…

Đối với khối cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, ông Hà Tất Thắng - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Điện lực Hoàn Kiếm nhận định: Ý thức tiết kiệm điện của những người sử dụng điện chưa tốt, chủ yếu bởi tâm lý “xài điện chùa”, “cha chung nên không ai khóc”...

Kinh nghiệm thực tiễn

Ông Nguyễn Quỳnh Tiến – Phó chủ tịch UBND phường Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) rút kinh nghiệm từ thực tế triển khai tuyên truyền tiết kiệm điện tại “quận điểm” của Hà Nội nhận định, ý thức của người dùng điện sẽ “không thể ngày một ngày hai mà thay đổi ngay được, nhất là khi chúng ta còn thiếu những chế tài để xử lý các trường hợp lãng phí”. Theo ông Tiến, “mưa dầm thấm lâu”, việc tuyên truyền tiết kiệm điện cần phải tiếp tục cho đến khi nào người sử dụng được thấm nhuần.

Với kinh nghiệm quản lý khách hàng nhiều năm, anh Mười cho rằng, khi gặp những tình huống khách hàng không hợp tác, tuyên truyền viên tuyệt đối không nên tỏ thái độ chán nản, thất vọng hay bực bội, cứ kiên nhẫn lắng nghe ý kiến của người dân, rồi từ từ giải thích để thuyết phục họ.

Về phía đơn vị tuyên truyền, xác định đây là nhiệm vụ lâu dài và phải tiến hành thường xuyên, theo ông Phạm Đại Nghĩa – Phó giám đốc Công ty Điện lực Hoàn Kiếm, đội ngũ tuyên truyền viên điện lực cần được đào tạo bài bản hơn nữa để nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc. Còn ông Nguyễn Minh Phương, Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Xuân cho biết, mặc dù Tổng công ty có hỗ trợ nhưng đơn vị vẫn phải bù “tiền túi” thì mới đủ kinh phí tổ chức tuyên truyền. Được biết, hiện tại, Công ty này duy trì tối thiểu 2 buổi tuyên truyền/tháng ở các phường trong địa bàn quản lý.

Ông Phùng Văn Lợi, Giám đốc Điện lực TP Việt Trì (Phú Thọ)

Tôi cho rằng, khó khăn nhất trong việc vận động người dân thực hiện tiết kiệm điện là thay đổi được thói quen của người dùng, điều này khó mà thay đổi ngay trong một sớm một chiều. Ngoài ra, do mặt bằng dân trí nói chung chưa được đồng đều giữa các xã, chúng tôi cũng đã yêu cầu anh em tăng cường đến từng nhà phát tờ rơi, vận động, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm tiết kiệm năng lượng như bình nước nóng, bóng đèn compact…

Ở một góc độ khác, giá điện thấp cũng là một yếu tố khiến khách hàng không mấy quan tâm đến vấn đề này.

Kinh nghiệm trong thực tế triển khai tuyên truyền tiết kiệm điện là phải bám sát chính quyền địa phương để phối hợp thực hiện. Đặc biệt, mỗi một cán bộ, công nhân viên ngành Điện phải đi đầu, gương mẫu trong việc chấp hành thực hiện tiết kiệm điện tại gia đình, cơ quan, nơi làm việc để người dân vừa được tuyên truyền, vừa được nhìn thấy hiệu quả, từ đó tự giác làm theo.

Ông Phạm Huy Phong, Phó giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP. HCM:

Cũng là một tuyên truyền viên, tôi nhận thấy các hộ gia đình là đối tượng tương đối khó vận động. Phần lớn, người dân nhầm tưởng tiết kiệm điện đơn thuần là tắt hoặc bỏ bớt những thiết bị điện đang sử dụng, họ chưa thực sự hiểu và biết cách sử dụng điện làm thế nào để vừa có thể tiết kiệm, mà vẫn đảm bảo đủ và đúng nhu cầu sử dụng năng lượng trong gia đình.

Thậm chí nhiều người bảo thủ, thích dùng các thiết bị truyền thống tiêu tốn nhiều điện năng như bóng đèn sợi đốt. Một số người còn tuyên bố rằng: “Tôi dùng bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu chứ có chiếm đoạt, trộm cắp của ai đâu”, “Tôi có tiền nên có quyền xài theo cách mình thích”,…

Với những trường hợp như thế này, chúng tôi phải rất vất vả để làm cho họ hiểu rằng việc sử dụng tiết kiệm năng lượng là cách vừa tiết kiệm vì lợi ích của gia đình, vừa làm giảm những nguy gây hại cho môi trường, mà thế hệ con cháu mình sau này là những người chịu nhiều ảnh hưởng hơn ai hết.

 


  • 05/10/2012 08:34
  • Theo TCĐL chuyên đề QLHN
  • 5454


Gửi nhận xét