Trung Quốc: Khuyến khích đầu tư vào ngành Điện
Sau nhiều năm tăng trưởng kinh tế ngoạn mục, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới vào năm 2010. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đó đã đặt “công xưởng của toàn cầu” này vào tình trạng thiếu điện nghiêm trọng. Đặc biệt vào năm 2004, Trung Quốc thiếu khoảng 40 gigawatt – mức độ nghiêm trọng nhất trong vòng 20 năm (tính từ năm 1984-2004).
Thiếu điện buộc các nhà máy phải hạn chế sử dụng, chuyển ca sản xuất. Hệ thống đèn đường và các địa điểm công cộng phải tiết giảm chiếu sáng đến tối đa; các nhà hàng, khách sạn, siêu thị cũng được yêu cầu tăng nhiệt độ điều hòa không khí; thậm chí các hộp đêm không được bật điều hòa.
Việc cắt điện luân phiên đối với các hộ dân và công sở khiến nhu cầu dầu diesel tăng vọt, bởi người dân mua về để chạy máy phát điện và thắp sáng. Nhiều chuyên gia khẳng định, thiếu điện ở Trung Quốc đã gây tác hại không nhỏ tới mức tăng trưởng kinh tế của quốc gia này.
Mùa hè năm 2005, năng lượng điện ở Trung Quốc lại tiếp tục đứng trước nguy cơ cầu vượt cung khoảng 30 gigawatt. Rút kinh nghiệm năm trước, Chính phủ Trung Quốc đã sớm kêu gọi tăng cường đầu tư vào ngành Điện và hạn chế phát triển các ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng. Tập đoàn Điện lực State Gird sở hữu và điều hành hơn một nửa hệ thống điện quốc gia, đã mở cửa cho dòng cổ phiếu trị giá hàng tỷ USD từ nước ngoài đầu tư vào trong nước.
Đồng thời, để giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng truyền thống như than, dầu mỏ, Chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố các dự án điện hạt nhân và thủy điện thuộc diện ưu tiên trong chính sách phát triển điện quốc gia và được đầu tư phát triển.
Nhật Bản nỗ lực tiết kiệm điện trong bối cảnh khó khăn về cung cấp năng lượng - Ảnh: H.Hiếu
|
Nhật Bản: Tiết kiệm điện là quốc sách
Sau sự cố tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima (3/2011), toàn bộ 54 lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản đã tạm thời đóng cửa. Việc ngừng sử dụng 30% tổng sản lượng điện từ năng lượng hạt nhân đã đặt đất nước mặt trời mọc vào nhóm các nước nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới.
Tình trạng thiếu điện vào mùa hè diễn ra khá trầm trọng. Phát ngôn viên của Chính phủ Nhật Bản, ông Osamu Fujimura đã khẳng định: “Chính phủ Nhật Bản sẽ cố gắng hết sức tìm ra các biện pháp để cung cấp điện, hạn chế ảnh hưởng đến nền kinh tế và đời sống người dân. Tuy nhiên, chúng tôi muốn kêu gọi mọi người cùng chung tay thực hiện tiết kiệm điện trong mùa hè”.
Với tính kỷ luật và ý thức tự giác cao, việc thực hiện tiết kiệm điện vốn đã được người dân và Chính phủ Nhật Bản thực hiện từ lâu, nay càng được thắt chặt hơn nữa. Đồng thời, Chính phủ Nhật Bản còn quản lý chặt chẽ việc cung ứng điện. Tại thủ đô Tokyo, nhiều tòa nhà đã được yêu cầu tắt bớt các thiết bị chiếu sáng và hạn chế bật điều hòa ngay cả khi nhiệt độ tăng cao.
Đối với các nhà máy công nghiệp nặng nằm ở miền Tây Nhật Bản, Công ty Điện lực Kansai đã yêu cầu khách hàng giảm mức độ sử dụng điện xuống 15%, hạn chế đến mức tối đa các sự cố mất điện có thể xảy ra.
Đài Loan: Định giá bán điện: Giá bán điện mùa hè cao hơn các mùa khác khoảng 20 – 30%; giá bán điện cho lĩnh vực dịch vụ và tiêu dùng cao hơn hẳn giá điện cho sản xuất.
Hàn Quốc: Dành 30 – 50% tổng nợ vay nước ngoài của quốc gia đầu tư vào ngành Điện.
Malaysia: Tạo cơ chế minh bạch, thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư lớn thế giới vào phát triển ngành Điện.
|