Việc cần làm khi cảm thấy kiệt sức

Áp lực công việc khiến nhiều người muốn chạy trốn, nhưng chỉ cần hiểu "burn out" hoạt động như thế nào, bạn có thể đảo ngược tình thế bằng vài thay đổi đơn giản.

Năm 1974 nhà tâm lý học người Mỹ Herbert Freudenberger định nghĩa "burn out" là "kiệt sức vì đưa ra những yêu cầu quá cao về năng lượng, sức mạnh hoặc nguồn lực" trong công việc.

Theo khảo sát năm 2015 của công ty tư vấn Deloitte, 51% nhân viên Mỹ nói rằng đã nhiều lần bị kiệt sức trong công việc. Đại dịch Covid-19 khiến điều này trở nên tồi tệ hơn. Các nhà nghiên cứu viết trên Harvard Business Review năm 2021 rằng 89% người tham gia khảo sát nói cuộc sống công việc của họ trở nên tồi tệ hơn trong thời kỳ đại dịch. Hơn 3/5 thừa nhận "đấu tranh để quản lý khối lượng công việc của mình" và cho biết đã trải qua tình trạng kiệt sức "thường xuyên" hoặc "cực kỳ thường xuyên" trong ba tháng trước đó.

Các nhà nghiên cứu khẳng định, khi kiệt sức bạn cảm thấy mệt mỏi vì phải đối mặt với những yêu cầu của công việc. Bạn mất đi sự nhiệt tình với công việc hoặc chất lượng của nó và bắt đầu nghi ngờ khả năng cũng như năng lực của mình.

"Burn out" là một vấn đề đặc biệt khó giải quyết, bởi vì một khi rơi vào vòng xoáy của sự kiệt sức, hoài nghi và tự phê bình, ngay cả những gì từng khiến bạn hạnh phúc trong công việc giờ đây cũng gây ra đau khổ.

Giáo sư Arthur C. Brooks, chủ mục Sống hạnh phúc của tờ Atlantic khuyên rằng đối với nhà tuyển dụng để tránh tình trạng kiệt sức xảy ra ở nơi làm việc rất đơn giản: Đầu tiên, đừng yêu cầu mọi người hy sinh toàn bộ thời gian và các mối quan hệ của họ cho công việc. Hãy để mọi người nói những gì họ cảm thấy trong giới hạn hợp lý và cho họ quyền kiểm soát. Ngoài ra, hãy đảm bảo rằng họ biết công việc của mình là gì và cảm thấy được hỗ trợ. Và cuối cùng, hãy loại bỏ càng nhiều cuộc họp càng tốt.

Lời khuyên dành cho nhân viên khó thực hiện hơn. Nó phụ thuộc vào feedback loop (Vòng lặp phản hồi), tức quá trình trong đó thông tin, đánh giá hoặc kết quả được chuyển đổi và truyền lại vào hệ thống ban đầu để điều chỉnh hoặc cải thiện nó. Điều quan trọng là phá vỡ vòng lặp này, bằng cách tạo thêm không gian giữa cuộc sống và công việc của bạn để chúng không kéo nhau xuống và có cơ hội đảo ngược chu kỳ.

Cách dễ nhất để đạt được điều này là chỉ làm việc vào những giờ nhất định. Với sự lan rộng của công nghệ di động, đối với nhiều người, công việc có thể len lỏi vào hầu hết thời điểm. Làm việc bất chấp như thế không chỉ chiếm thời gian; còn chiếm đoạt suy nghĩ, khiến bạn hầu như không thể thoát khỏi những lo lắng về nghề nghiệp.

Đặt ra thời gian quy định không kiểm tra email hoặc trả lời tin nhắn mạng xã hội. Nếu cần, bạn có thể cân nhắc mua một chiếc điện thoại cá nhân để có thể bỏ lại các thiết bị làm việc khi tập thể dục, ngủ và dành thời gian cho gia đình.

Bạn thậm chí có thể đưa ra quy tắc với những người thân yêu là không nói chuyện về công việc vào những giờ và ngày nhất định hoặc khi đang đi nghỉ. Những giờ nghỉ này giống như những khoảng nghỉ ngắn, có thể rất hiệu quả trong việc giúp bạn sảng khoái và đổi mới sự gắn kết với công việc. Cách nghiên cứu đã chứng minh cách này cải thiện đam mê và hiệu suất công việc.

Link gốc


  • 14/05/2024 03:54
  • Theo vnexpress.net
  • 3098