Thủ tướng Nhật Bản, Nô-đa I-ô-si-hi-cô đã bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với sự hỗ trợ mạnh mẽ, tình đoàn kết của Chính phủ và nhân dân Việt Nam sau trận động đất tại Đông Bắc Nhật Bản. Những việc làm thiện chí và tình cảm nồng ấm đó là minh chứng cho mối quan hệ hữu nghị gắn bó đã được xây dựng qua nhiều năm giữa Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam - Nhật Bản.
Hai Thủ tướng Việt Nam và Nhật Bản ký Tuyên bố chung
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định, là đối tác chiến lược của Nhật Bản, Việt Nam sẵn sàng làm hết khả năng của mình để hỗ trợ Nhật Bản trong quá trình phục hồi, tái thiết sau thiên tai. Đồng thời, Thủ tướng đánh giá cao quyết định của Chính phủ Nhật Bản về việc cung cấp khoản vay viện trợ phát triển chính thức (ODA) với tổng trị giá 71,6 tỉ Yên cho Việt Nam; việc ký kết các Công hàm trao đổi và hiệp định vay cho 4 dự án gồm: Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam (đoạn Bến Lức - Long Thành), dự án sử dụng vệ tinh quan sát trái đất để phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu, dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn, chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu.
Từ đó, hai bên đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, tài nguyên thiên nhiên và biến đổi khí hậu, khẳng định tiến triển đạt được trong hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Phía Nhật Bản cam kết, tăng cường an toàn hạt nhân thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm, bài học từ sự cố tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima Daiichi của Công ty Điện lực TEPCO.
Đồng thời, Nhật Bản còn bày tỏ ý định cung cấp cho Việt Nam những công nghệ đảm bảo mức an toàn hạt nhân cao nhất trên thế giới. Về phía Việt Nam, Chính phủ đã quyết định chọn Nhật Bản là đối tác hợp tác để xây hai lò phản ứng hạt nhân tại Nhà máy Điện hạt nhân số 2 tại tỉnh Ninh Thuận, giải thích rõ sự cần thiết của năng lượng hạt nhân nhằm đảm bảo việc cung cấp năng lượng ở Việt Nam, bày tỏ nguyện vọng mạnh mẽ đối với việc Nhật Bản cung cấp công nghệ hạt nhân.
Hai bên cũng khẳng định lại tính cấp thiết của việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Để bảo vệ lợi ích toàn cầu thì mục đích cuối cùng là thiết lập một khuôn khổ quốc tế công bằng và hiệu quả với sự tham gia của tất cả các nền kinh tế lớn là rất quan trọng. Vì vậy, việc khẩn trương thực hiện các thỏa thuận Can-cun càng trở nên quan trọng.
Cũng trong tuyên bố chung, Việt Nam – Nhật Bản còn ký kết hợp tác về tăng cường trao đổi và đối thoại; hợp tác kinh tế; thương mại và đầu tư; khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực; về sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước; hợp tác khu vực và quốc tế.