Điện đang bị sử dụng lãng phí
Một tiêu chí thường được các nhà quy hoạch dùng làm căn cứ để xây dựng lộ trình phát triển điện là: Để GDP tăng thêm 1%, điện phải tăng với một tỉ lệ % tương ứng. Số % này được gọi là hệ số đàn hồi (HSĐH), hệ số này càng nhỏ, phản ánh nền kinh tế càng hiệu quả, đất nước càng hiện đại.
Dẫn số liệu thống kê của các tổ chức quốc tế nghiên cứu về ngành Điện Việt Nam, GS Hiển cho biết, trong giai đoạn 2001 - 2006, tăng trưởng điện năng hàng năm của Việt Nam bình quân 15%/năm, cao nhất trong khu vực. Trong khi đó, mức tăng trưởng của các nước như Trung Quốc là 13%, Thái Lan 7%, Inđônêxia 7%, Ấn Độ 5%... còn Nhật Bản chỉ có 0,6%.
Trong hai năm 2008 - 2009, lượng điện thương phẩm của Trung Quốc chỉ tăng 6%/năm trong khi GDP tăng gần 10%/năm. Cùng giai đoạn này, GDP của Việt Nam tăng chỉ 6 - 7%/năm nhưng sản lượng điện tăng đến 13,5%/năm.
Từ thống kê của ngành Điện, ngành có tỉ lệ điện dùng trong công nghiệp và xây dựng chiếm 51% (tổng tiêu dùng), có thể thấy nhiều ví dụ sử dụng điện đang lãng phí trong ngành này. Theo Hiệp hội thép Việt Nam, với hơn 100 nhà máy thép trên cả nước, để làm ra 1 tấn thép, công nghệ các nhà máy Việt Nam đang sử dụng tiêu tốn từ 700 – 800 kWh, trong khi công nghệ tiên tiến chỉ từ 300 – 400 kWh/tấn. Tương tự là ngành Xi măng, nếu khai thác được nhiệt thừa, khí thải của các nhà máy, ngành Xi măng có thể tự cung cấp được 30% năng lượng cho sản xuất.
Công nhân Tổng công ty Điện lực miền Trung lắp đặt bóng đèn tiết kiệm điện cho các hộ là đồng bào dân tộc ở Gia Lai.
|
Ở lĩnh vực quản lý và tiêu dùng dân cư, nơi sử dụng chiếm 40% (sản lượng tiêu dùng), so sánh mức độ sử dụng giữa các địa phương cũng thấy có mức “vênh” trong sử dụng điện. Trong hai năm 2008 - 2009, nhu cầu điện của TP.HCM chỉ tăng 7%/năm, Hải Dương 8,3%, Khánh Hòa 8,4%, Đồng Nai 9,4%/năm. Đây là những địa bàn có tăng GDP mạnh, nhưng tốc độ tăng điện năng ở mức vừa phải, gần với mức sử dụng điện chung của khu vực. Trong khi đó, Hà Nội tăng mức sử dụng điện tới 16%, Hải Phòng 15%/năm, Đà Nẵng 15,8%, Ninh Bình 17%, Quảng Ninh 26,8%/năm. Nếu xét cả giai đoạn 2006 - 2009, trong đó có hai năm tăng trưởng GDP trên 8%/năm (2006 - 20007), thì mức sử dụng điện của TP.HCM chỉ tăng 7,8%/năm; trong khi Hà Nội tăng điện đến 18,6%/năm.
Theo GS Hiển, đã đến lúc phải rà soát lại và từng bước “khai tử” các nhà máy dùng công nghệ lỗi thời tiêu tốn năng lượng. Và các địa phương có mức sử dụng điện năng lớn mà có mức tăng trưởng GDP không tương xứng thì cần phải xem lại.
Tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng
Theo thống kê năm 2004 của LHQ, cứ tiêu thụ 1 kWh điện, thì GDP trung bình được tạo ra là 4 USD ở các nước Tây Âu; 3,2 USD ở Nhật Bản và mấy “con rồng Đông Á”; 1,8 USD ở các nước Trung - Đông Âu mới gia nhập vào EU; 1,7 USD ở Philíppin, Malaixia, Inđônêxia và Thái Lan. Trong khi đó, Việt Nam chỉ làm ra 0,98 USD.
Theo bà Nadian, Giám đốc Văn phòng Rosa Luxemburg tại Việt Nam, giải quyết vấn đề năng lượng không chỉ là ưu tiên cho việc phát triển các nguồn năng lượng thay thế mới mà còn cần chú ý đến khía cạnh tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Do nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và việc khai thác năng lượng tái tạo quy mô lớn đối với Việt Nam còn nhiều khó khăn nên tiết kiệm năng lượng có ý nghĩa chiến lược. Tiết kiệm năng lượng có thể thực hiện được ở mọi cấp độ trong toàn xã hội, từ quy mô quốc gia như hoạch định chiến lược, chính sách, đến khía cạnh kỹ thuật như cải tiến, nâng cao hiệu suất thiết bị, nghiên cứu chế tạo những thiết bị thông minh, cảm ứng tự động, thiết kế các tòa nhà tiết kiệm năng lượng, tận dụng ánh sáng thông thoáng tự nhiên...
“Tiết kiệm năng lượng sẽ đem lại cho chúng ta những lợi ích đáng kể về kinh tế, giảm thiểu suy thoái do việc khai thác và để dành được những tài nguyên quý giá cho mai sau...”, bà Nadian khuyến nghị.