Thực hiện Quy hoạch điện TP.HCM giai đoạn 2011-2015: Cần sự phối hợp đồng bộ

Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, giai đoạn 2011 – 2015, TP.HCM sẽ phải đầu tư tổng mức 20.936 tỷ đồng cho phát triển lưới điện, trong đó, riêng Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh phải chủ động thu xếp hơn 14 ngàn tỉ đồng. Các hạng mục còn lại do Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT), thành phố và khách hàng đầu tư.

Phụ tải điện phân bố không đều

Nguồn điện cung cấp cho TP.HCM hiện được nhận từ 2 trạm biến áp (TBA) trung gian 500/220/110 kV Phú Lâm, Nhà Bè; 6 TBA 220/110 kV Hóc Môn, Cát Lái, Tao Đàn, Thủ Đức, Vĩnh Lộc, Long An và từ Nhà máy điện Hiệp Phước. Phụ tải điện của TP.HCM thời gian qua tuy tăng trưởng không nhanh, nhưng phân bố không đều, khu vực trung tâm và phía Tây thành phố có mật độ phụ tải cao, trong khi khu vực phía Đông và Nam thành phố tăng thấp so với quy hoạch được duyệt, dẫn đến một số trạm 110 kV đang vận hành non tải như TBA An Khánh, Cát Lái, Thủ Đức Đông, các trạm Nam Sài Gòn 1, 2.

Theo ông Bùi Trung Kiên - Trưởng ban Kế hoạch Tổng công ty Điện lực thành phố HCM (EVN HCMC), thời gian qua tuy vẫn còn một số hạng mục đầu tư chậm so với quy hoạch được duyệt, nhưng do nhu cầu phụ tải điện tăng chậm hơn dự báo, cùng ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008-2009 và thực hiện chủ trương tiết kiệm của Chính phủ trong công tác đầu tư xây dựng, chống lạm phát, EVN HCMC đã tập trung vốn đầu tư cho những khu vực có tốc độ tăng trưởng phụ tải cao và chủ động giãn tiến độ một số dự án phù hợp với nhu cầu tăng trưởng điện thương phẩm thực tế. EVN HCMC cũng điều chỉnh bổ sung quy hoạch một số các công trình lưới điện 220/110 kV để giải quyết tình trạng quá tải cục bộ, đảm bảo vận hành an toàn lưới điện thành phố. Cụ thể, bổ sung qui hoạch TBA 220 kV Vĩnh Lộc nhằm giải quyết chống quá tải cho trạm biến áp 220 kV Hóc Môn, Phú Lâm và các khu vực lân cận. Tính đến tháng 7/2011, tổng công suất đặt của các trạm biến áp 110 kV  trên địa bàn Thành phố là 4.920 MVA, trong khi công suất cực đại là 2.632 MW (tương đương 66,8% công suất đặt của hệ thống).

Theo Quy hoạch phát triển điện lực TP. HCM giai đoạn 2011 - 2015, công suất cực đại của hệ thống điện TP. HCM  năm 2015 là 4.800 MW

Khối lượng quy hoạch lớn

Theo Quy hoạch phát triển điện lực TP.HCM giai đoạn 2011-2015, có xét tới 2020, được Bộ Công Thương phê duyệt, công suất cực đại của hệ thống điện TP.HCM đến cuối năm 2015 là 4.800 MW, sản lượng điện thương phẩm là 28,325 tỷ kWh, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2011 – 2015 là 12,9%/năm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tốc độ tăng trưởng sản lượng điện có chiều hướng chậm lại so với các khu vực khác của cả nước (qua 6 tháng đầu năm 2011 chỉ tăng 2,19% so với cùng kỳ). Điều này có thể lý giải bởi cơ cấu kinh tế Thành phố đã chuyển dịch theo hướng phát triển các ngành kinh tế kỹ thuật có hàm lượng công nghệ cao và các lĩnh vực tài chính - dịch vụ, nên suất tiêu hao năng lượng ngày càng thấp (hệ số đàn hồi là dưới 1).

Trên cơ sở dự báo trên, Đề án Quy hoạch đã đề xuất khối lượng đầu tư mới trong giai đoạn 2011-2015 là: Xây dựng mới 7 trạm biến áp 220 kV (tổng công suất là 3.500 MVA), thi công sửa chữa 1 trạm 220 kV (công suất tăng thêm là 250 MVA); xây dựng mới 35 trạm 110 kV (tổng công suất là 3.427 MVA), sửa chữa 13 trạm 110 kV (tổng công suất tăng thêm là 588 MVA); ngoài ra còn có 5.299 trạm hạ thế được xây dựng mới (tổng công suất là 3.964 MVA), cùng 3.296 km đường dây trung áp và 4.517 km đường dây hạ áp.

Với khối lượng công việc lớn vậy, nhưng trong Quy hoạch chưa đề xuất được các cơ chế hỗ trợ đầu tư nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện. Trong khi đó, theo kinh nghiệm thực tế thì thời gian để hoàn thành một công trình lưới điện 220 kV trung bình vào khoảng 4 đến 5 năm; công trình lưới điện 110 kV trung bình vào khoảng 3 năm. Do đó, với khối lượng đầu tư lớn như Quy hoạch đề xuất, nếu không có cơ chế, chính sách phù hợp thì khó có thể đảm bảo đúng tiến độ.

Cần sự phối hợp đồng bộ

Hiện nay, một trong những trở ngại lớn nhất khi triển khai đầu tư công trình điện 220/110kV là công tác thoả thuận hướng tuyến, và bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do quỹ đất của Thành phố ngày càng eo hẹp và yêu cầu  đất để phát triển đô thị rất cao, do đó, đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện các công trình lưới điện 220/110kV.

Ngoài ra, đơn giá bồi thường thường thấp hơn giá đất thực tế cũng khó tạo được sự đồng thuận từ phía người dân. Cùng với việc quy hoạch đô thị các quận, huyện luôn thay đổi, điều chỉnh và chưa kết nối với Quy hoạch phát triển điện làm cho khi EVN HCMC triển khai các dự án điện, nhất là việc thỏa thuận vị trí đặt các TBA và hành lang tuyến đường dây gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, thủ tục thoả thuận tuyến, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn phải qua nhiều khâu, nhiều cơ quan, cũng làm chậm tiến độ của dự án.

Hiện tại, lưới điện trung áp của EVN HCMC đang vận hành ổn định ở cấp 15 kV, chất lượng điện năng cao, hệ số cosφ được duy trì thường xuyên > 0,95, tổn thất điện năng thấp (khoảng 6%). Tuy nhiên, trong Đề án Quy hoạch phát triển điện lực được duyệt lại yêu cầu nâng cấp điện áp vận hành từ 15 kV lên 22 kV. Công việc này đòi hỏi chi phí đầu tư rất lớn để thay thế cả thiết bị phía 110 kV (đối với các MBA chỉ có cấp điện áp 110/15 kV) và các thiết bị trung áp (đối với MBA hạ thế, thiết bị đóng cắt…), kể cả các tài sản do khách hàng đầu tư trước đây nay cũng phải được phối hợp nâng cấp đồng bộ.

Trong khi đó, hiệu quả về nâng cao khả năng phân phối điện và giảm tổn thất điện năng sau khi nâng cấp lên 22 kV là rất nhỏ, không đáng kể, do bán kính cung cấp điện của lưới điện Thành phố khá ngắn (trung thế từ 1-3 km, hạ thế chỉ từ 0,2-0,5 km). Bên cạnh đó, công tác thi công nâng cấp sẽ gặp nhiều khó khăn, thời gian gián đoạn cung cấp điện kéo dài (cắt điện phục vụ thi công, khối lượng mua sắm vật tư thiết bi lớn, thí nghiệm, hiệu chỉnh...) và nhất là đối với các trạm trung gian chỉ có 1 cấp điện áp 110/15 kV phải thay cả MBA 110 kV. Đó cũng là vấn đề mà các nhà quản lý điện lực thành phố Hồ Chí Minh cần phải nghiên cứu, cân nhắc kỹ trước khi tiến hành thực hiện Quy hoạch.

 


  • 25/10/2011 11:00
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 4236


Gửi nhận xét