Ngay trước khi xảy ra mưa lũ, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão EVN CPC đã tiến hành khảo sát nắm chắc hiện trạng lưới điện, những nơi hư hỏng, xuống cấp, nhất là lưới điện của các chủ tài sản sau tiếp nhận, khu vực vi phạm hành lang tuyến. Bố trí nhân lực theo dõi sát diễn biến mưa lũ để kịp thời chỉ đạo các đơn vị triển khai phương án phòng chống mưa lũ, đảm bảo cung ứng điện an toàn cho nhân dân. Tiến hành vệ sinh lưới, rà soát lại hệ thống chống sét, tiếp địa và gia cố những nơi xung yếu có khả năng ngã đổ khi có bão, lụt. Vệ sinh, bảo dưỡng các trạm BTS, máy phát dự phòng phục vụ tốt cho công tác thông tin, liên lạc trước, trong và sau bão, lụt. Đặc biệt là các đường dây và trạm biến áp đi qua vùng đồi núi, qua các cánh đồng ngập úng và vùng cát trũng dễ bị tác động bởi nạn sạt lở hoặc ngâm nước lâu ngày, hoặc gây ngã trụ, đứt dây khi gặp gió lớn.
Các đơn vị cũng phân công sẵn sàng ứng trực 100% tại các địa điểm xung yếu, phối hợp với Ban chỉ huy phòng chống bão lụt tại các địa phương để giải quyết nhanh những vấn đề phát sinh trước, trong và sau bão, lụt. Các phương án cấp điện sau mỗi trận bão, lụt cũng được xây dựng trên cơ sở hiện trạng lưới điện, với tinh thần khẩn trương, hỗ trợ lẫn nhau khi cần thiết.
Thống kê từ EVN CPC, mưa lớn đã làm hư hỏng 2 MBA phân phối (160 kVA và 320 kVA) và khoảng 1.000 công tơ tại khu vực huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình). Riêng huyện Minh Hóa có hơn 25 cột trung thế bị xói lở, gãy đổ.
Tại Quảng Trị, nước lũ chảy xiết đã làm nghiêng đổ 1 cột bê tông ly tâm 10,5m, gãy 6 cột và đứt 1.250 m dây dẫn hạ thế tại khu vực huyện Gio Linh, Vĩnh Linh; hư hỏng 2 bộ aptômat, 1 bộ FCO, 1 cụm tụ bù hạ áp tại huyện Cam Lộ và ngập nước 20 công tơ 1 pha, 7 công tơ ba pha. Các đơn vị đã chủ động cô lập sa thải những nơi nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho dân.
Tại Thừa Thiên Huế, lưới điện khu vực huyện Quảng Điền, Phong Điền gần như phải sa thải hoàn toàn do nước lũ dâng cao do nguồn nước sông Ô Lâu đổ về. Nước lũ chảy xiết tràn qua tuyến đường tỉnh lộ 9 từ Phong Chương đi các xã vùng Ngũ Điền đã làm đổ 01 cột sắt 12m thuộc xuất tuyến 475 đường dây 22kV Phong Chương đi Điền Hòa và 04 cột CH-10 thuộc XT 472 trạm cắt Sịa đi Điền Lộc. Đây là 02 tuyến đường dây quan trọng cấp điện cho khu vực 9 xã vùng ven biển phía bắc tỉnh Thừa Thiên Huế . Ngay khi nhận được thông tin sự cố, Lãnh đạo Công ty đã đến hiện trường và bàn giải pháp khắc phục sự cố. Trong ngày 18/10/2011, dù nước lũ vẫn tiếp tục tràn về nhưng đội xung kích PCLB Công ty đã phối hợp với Điện lực Quảng Điền nỗ lực triển khai phương án xử lý -gia cố cột cũ, đấu nối lại tuyến đường dây, cấp điện trở lại cho 9 xã vùng ven biển, đồng thời cũng đã cơ bản khôi phục gần 100% phụ tải trong toàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Khu vực dọc hai bên bờ sông địa phận Phổ Ninh, Trà Câu (Huyện Đức Phổ-Quảng Ngãi) gần như chìm trong biển nước làm ngập đến thùng công tơ, tủ điện của trạm biến áp phụ tải nhiều khu vực. Tại khu vực xã Ba Trang (huyện Ba Tơ), nhiều vị trí cột đường dây trung áp, hạ áp bị ngã đổ gây mất điện trên diện rộng.
Với phương châm “Nước rút đến đâu, khôi phục đóng điện đến đó”, sau khi kiểm tra đảm bảo an toàn lưới điện, các đơn vị Điện lực đã đóng điện trở lại cấp điện an toàn theo thứ tự ưu tiên: Đóng điện cao thế trước, hạ thế sau, vùng nào nước đã rút và đảm bảo an toàn thì kịp thời đóng điện để phục vụ nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt. Đến chiều 18 và ngày 19/10/2011, ngay sau khi mưa ngớt và nước có xu hướng rút dần, các Điện lực đã nhanh chóng kiểm tra xử lý và cấp điện trở lại cho các khu vực. Riêng các khu vực bị ngã đổ cột sẽ tiến hành khắc phục sau khi nước rút hoàn toàn.