Việt Nam cần nhiều vốn để sản xuất điện

Đó là nhận định của đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong buổi tọa đàm tại TP.HCM vừa qua, về việc hợp tác và thu xếp vốn cho các dự án lưới điện truyền tải quốc gia.

Trong 5 năm tới, mỗi năm cần khoảng 1 tỉ USD để phát triển lưới điện

Theo ông Vũ Trần Nguyễn - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT), trong ngành Điện, đầu tư cho nguồn và lưới điện truyền tải là 2 lĩnh vực "ngốn" nhiều vốn nhất. Chỉ tính riêng cho lưới điện truyền tải quốc gia, trong 5 năm (2011-2015), nguồn vốn đầu tư cho 300 - 350 dự án lưới điện xấp xỉ 76.000 tỉ đồng, tương đương 1 tỉ USD cho mỗi năm. Để có thể thu xếp được nguồn vốn lớn như vậy, NPT phải tập trung huy động từ nhiều nguồn khác nhau, từ vốn tự có đến vốn ODA của các tổ chức tín dụng quốc tế (WB, ADB, Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)...) và cả vay trong nước.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn hiện nay của NPT là phí truyền tải thấp (hiện là 77,5 đồng/kWh, thấp nhất thế giới), chỉ đáp ứng được nhu cầu tối thiểu chứ không thể tái đầu tư. Trong khi đó, các điều kiện vay lại khắt khe, khả năng huy động vốn bị giới hạn bởi quy mô vốn điều lệ, tình hình lãi suất khó khăn. Nếu không tìm kiếm được sự chia sẻ và khả năng ưu tiên thu xếp vốn từ các tổ chức tín dụng và ngân hàng, NPT sẽ không đảm bảo huy động được lượng vốn lớn cho các dự án phát triển lưới điện truyền tải theo kế hoạch.

Tính đến ngày 31.9.2011, NPT đã huy động được khoảng 40.000 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là nguồn vốn ODA để đáp ứng nhu cầu đầu tư cho các dự án đã, đang và sẽ triển khai trong giai đoạn 2008-2013.

Theo ông Nguyễn, hiện NPT cần 1.800 tỉ đồng để đầu tư cho 3 dự án truyền tải cho Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng (Hà Tĩnh). Nếu không thu xếp được nguồn vốn này, nhà máy nhiệt điện trị giá 1,6 tỉ USD sẽ bị "đắp chiếu". Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc NPT  bổ sung: NPT không chỉ xây dựng mạng lưới truyền tải cho các nhà máy điện của EVN mà còn cho các nhà máy điện khác ngoài EVN, nên rất khó khăn trong việc thu xếp vốn. NPT cũng không thể hoãn, giãn tiến độ các dự án phát triển lưới điện vì như vậy sẽ dẫn tới thiếu điện trầm trọng. Do đó, các chủ đầu tư nhà máy điện cần có sự chia sẻ việc thu xếp vốn cho dự án truyền tải lưới điện. Ông Hùng nói, sắp tới sẽ kiến nghị chỉ cho khởi công dự án nhà máy điện sau khi thu xếp được nguồn vốn của dự án truyền tải, để tránh xảy ra tình trạng nhà máy điện xây xong phải "đắp chiếu" vì không có đường dây truyền tải.

Đại diện ADB nhận định: "Nếu không thu xếp được nguồn vốn kịp thời cho các dự án lưới điện, thì Việt Nam sẽ bị thiếu điện trầm trọng. Cho nên, cần có sự hợp tác, huy động vốn không chỉ từ ADB và các tổ chức tín dụng như chúng tôi, mà còn từ nhiều tổ chức tín dụng và ngân hàng khác".


  • 16/11/2011 09:54
  • Theo Báo Thanh niên
  • 3475


Gửi nhận xét