Kết luận của IEA được đưa ra trong báo cáo mang tên World Energy Outlook (Triển vọng Năng lượng Thế giới), AFP đưa tin.
Nhà máy điện hạt nhân ở Smolensk (Nga)
|
IEA dự báo, năng lực sản xuất điện từ các nhà máy điện hạt nhân sẽ giảm 15% vào năm 2035 nếu một số nước phát triển – như Đức và Bỉ - đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân. Do lượng điện giảm mà nhu cầu tiêu thụ lại tăng nên rất có thể các nước đó sẽ phải sử dụng than đá và khí đốt nhiều hơn để sản xuất điện. Khi đó lượng khí thải carbon sẽ tăng mạnh, gây nên hậu quả tai hại cho môi trường.
Lượng điện được sản xuất từ năng lượng hạt nhân giảm cũng khiến giá điện từ các nguồn khác tăng, kéo theo sự leo thang của hàng loạt dạng nhiên liệu như dầu mỏ, than đá, khí đốt. Theo dự báo của IEA, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu có thể tăng tới 14% vào năm 2035, còn giá dầu có thể vọt lên tới 120 USD mỗi thùng.
Tới năm 2035, lượng than đá mà con người sử dụng để sản xuất điện sẽ tăng thêm 65% so với hiện nay. Hiện tại than đá tạo ra gần một nửa lượng điện mà loài người tiêu thụ.
Bà Maria van der Hoeven, Giám đốc điều hành IEA, nhấn mạnh trong bản báo cáo rằng tăng trưởng kinh tế và sự gia tăng dân số sẽ đẩy nhu cầu năng lượng lên mức cao hơn trong những thập kỷ tới. Do đó thế giới phải thay đổi cách thức tiêu thụ năng lượng theo hướng an toàn và hiệu quả hơn.
Báo cáo của IEA cũng chỉ ra một số nghịch lý trong cách tiêu thụ năng lượng. Chẳng hạn, Trung Quốc vẫn đang trên con đường trở thành nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới. Năng lượng mà Trung Quốc tiêu thụ sẽ lớn hơn Mỹ tới 70% vào năm 2035. Song ngay cả khi đó mức tiêu thụ năng lượng trung bình hàng năm của mỗi người dân Trung Quốc vẫn chưa bằng một nửa mỗi người dân Mỹ.