Ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA).
|
PV: Ông đánh giá thế nào về năng lực của các nhà thầu Việt Nam trong việc thực hiện các dự án nguồn điện?
Ông Trần Viết Ngãi: Hiện tại, các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam có thể sản xuất 50-60% thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện. Ví dụ: Công ty Công nghiệp nặng Doosan Vina có nhà máy tại Khu kinh tế Dung Quất đang tạo công ăn, việc làm cho trên 2.000 lao động, đem lại nguồn thu hàng trăm tỷ đồng/năm cho tỉnh Quảng Ngãi. Hiện công ty đang sản xuất các sản phẩm công nghiệp nặng bao gồm nồi hơi cho các nhà máy nhiệt điện, hoạt động với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Công ty Công nghiệp nặng Doosan tại Hàn Quốc và hệ thống hợp tác toàn cầu.
Đặc biệt, Doosan Vina hiện đang đóng vai trò rất quan trọng trong chương trình của Chính phủ về nghiên cứu, thiết kế và chế tạo trong nước thiết bị nhà máy nhiệt điện than (Quỳnh Lập 1). Dự án này sẽ góp phần nâng cao năng lực sản xuất sản phẩm cơ khí trong nước, giúp Tổng công ty Lắp máy Việt Nam, Viện Nghiên cứu Cơ khí và các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị, tiến dần tới làm chủ công nghệ, sản xuất thiết bị cho các nhà máy kỹ thuật cao. Tuy nhiên, dù đã đầu tư 300 triệu USD ở Dung Quất cho việc sản xuất thiết bị lò hơi và cầu trục, nhưng Doosan Vina vẫn rất khó chen vào được các gói thầu.
Ngoài ra, các hệ thống đường ống, cột thép, hệ thống băng chuyền thải xỉ, hệ thống tuần hoàn nước, động cơ, van…, các doanh nghiệp cơ khí trong nước đều có thể chế tạo được. Kể cả việc làm tổng thầu, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng làm khá tốt như Tập đoàn Sông Đà, Lilama…
Có năng lực, nhưng tại sao các doanh nghiệp Việt Nam vẫn khó chen chân vào các gói thầu, thưa ông?
Ông Trần Viết Ngãi: Tôi có thể khẳng định nguyên nhân chính là do cơ chế đấu thầu của Việt Nam thường đặt tiêu chí giá rẻ lên hàng đầu. Thực tế, nhiều nhà thầu bỏ giá rẻ để trúng thầu rồi sau đó lại tìm lý do phát sinh thêm một số hạng mục khiến giá thành của gói thầu bị đẩy lên, thậm chí còn cao hơn cả giá của những nhà thầu bị loại lúc đầu. Lúc này chủ đầu tư rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan nên phải chấp nhận. Trong khi đó, những nhà thầu Việt Nam rất có năng lực vẫn phải làm thầu phụ cho nhà thầu quốc tế yếu hơn mình. Ngoài ra, còn nhiều quy định khác cũng làm khó cho doanh nghiệp. Ví dụ, Công ty Cổ phần chế tạo thiết bị điện Đông Anh - đơn vị duy nhất đã sản xuất được máy biến áp 500 kV - cũng rất vướng vì theo quy định, những dự án của ngành Điện sử dụng vốn vay nước ngoài thì công ty không được tham gia đấu thầu (do EVN giữ cổ phần chi phối). Vì vậy, ở nhiều dự án, dù giá sản phẩm của công ty chỉ bằng 80% giá của các đối thủ quốc tế, chất lượng không thua kém, nhưng vẫn không được xét trúng thầu.
Những quy định pháp lý chưa phù hợp cũng là một trong những yếu tố cản trở khả năng cạnh tranh của nhà thầu trong nước. Đơn cử, trong Quy chế đấu thầu có tiêu chí là doanh nghiệp tham gia đấu thầu phải có lãi. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, những doanh nghiệp chưa có lãi không hẳn là không có năng lực. Như một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao (cơ khí chẳng hạn), vốn đầu tư ban đầu cũng như chi phí khấu hao hàng năm rất lớn thì hoạt động kinh doanh chắc chắn chưa thể có số dương ngay được, nhưng xét về năng lực thì họ có đủ. Hãy suy diễn một cách logic là: Nếu không được tham gia đấu thầu thì làm sao có việc để làm; nếu không có việc để làm thì lấy đâu ra lãi... Tóm lại, Nhà nước cần phải có những chính sách phù hợp hơn để hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp có khả năng thực sự, nhằm khuyến khích họ phát huy sở trường để có thể tập trung phát triển ngành một cách có hệ thống, có tính cạnh tranh lành mạnh và đúng pháp luật.
Muốn đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng dự án năng lượng cần thực hiện 3 yếu tố cơ bản: Hạn chế các nhà thầu EPC kém chất lượng; không coi giá dự thầu là yếu tố quyết định để chọn thầu EPC; tích cực phát huy hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Nhưng sao phải nhất thiết chọn nhà thầu giá rẻ?
Ông Trần Viết Ngãi: Việc này cũng là bất đắc dĩ. Bên cạnh khó khăn về tài chính, hiện nay giá mua điện còn thấp nên các dự án nguồn không hấp dẫn được nhà đầu tư, nhất là những nhà thầu có năng lực tài chính và kinh nghiệm. Điều đó đã khiến EVN gặp nhiều khó khăn về tài chính. Trong khi sức ép tạo nguồn điện mới luôn gia tăng. Nếu tuân thủ đúng chỉ đạo của Chính phủ về việc dự án chỉ được khởi công khi đã có hợp đồng mua bán điện thì chắc chắn các dự án sẽ bị chậm tiến độ. Muốn hấp dẫn các nhà đầu tư giỏi thì giá điện phải phù hợp với kinh tế thị trường. Tuy nhiên, vướng mắc ở chỗ, Chính phủ quyết định đầu ra cho giá điện, còn đầu vào do các doanh nghiệp thỏa thuận. Với giá đầu vào ngày càng tăng, giá đầu ra không được đội trần như hiện nay thì việc thương thảo để đảm bảo “đôi bên cùng có lợi” thật là khó.
Việc giải quyết vướng mắc về giá điện phải chờ chỉ đạo của Chính phủ, trong khi sức ép thiếu nguồn luôn hiện hữu, tình trạng thiếu vốn luôn căng thẳng khiến chủ đầu tư khó có cơ hội lựa chọn nhà thầu. Vì vậy, họ buộc phải lựa chọn những gói thầu EPC giá thấp và chất lượng tất nhiên cũng… không cao. Muốn hấp dẫn nhà đầu tư giỏi thì giá điện phải phù hợp với kinh tế thị trường.