Lễ đóng điện trạm biến áp Hua Luống xã Nà Tấu
|
Ông Phạm Văn Lanh, Phó giám đốc Công ty Điện lực Điện Biên cho biết: “Dự án bắt đầu triển khai công tác chuẩn bị đầu tư từ tháng 6/2009 với tổng kinh phí trên 128,8 tỷ đồng, trong đó 85% là vốn ngân sách nhà nước, còn lại là nguồn vốn của Tổng công ty Điện lực Miền Bắc. Trước Tết Nguyên đán Qúy Tỵ năm nay, sẽ có hơn 1.200 hộ dân ở các bản vùng sâu, vùng xa trong Tỉnh được sử dụng điện lưới quốc gia”.
Theo kế hoạch, dự án mở rộng và nâng cấp lưới điện vùng sâu vùng xa tỉnh Điện Biên dự kiến đưa điện lưới quốc gia đến với 8.200 khách hàng (bao gồm cả trường học, trạm y tế xã, UBND xã..) trên tổng số 46 xã của 7 huyện trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Đồng thời đấu nối cấp điện tới từng hộ gia đình, lắp đặt cho mỗi hộ bảng điện trong nhà và 1 bóng đèn tiết kiệm điện.
Theo ông Trần Thế Lũy, Trưởng phòng Quản lý Xây dựng - Công ty Điện lực Điện Biên, từ tháng 8 đến tháng 10 năm 2012, 19 lô thầu đã khởi công , thời gian cam kết hoàn thành là 240 ngày. Đến nay đã có lô thầu hoàn thành khối lượng công việc, các lô khác đang trong giai đoạn đào móng, lắp đặt cột, kéo đường dây cao thế... Nếu các nhà thầu được cấp phát đủ vật tư đúng thời gian yêu cầu thì mục tiêu cấp điện trước Tết Nguyên đán cho trên 1.200 hộ dân chắc chắn sẽ đạt được.
Lễ hội chào mừng điện quốc gia về bản Hua Luống
|
Các hộ dân sẽ được cấp điện trước Tết năm nay đều thuộc các xã vùng sâu, vùng xa của 6 địa phương trong tỉnh, trong đó có bản Pa Pốm xã Thanh Minh của thành phố Điện Biên Phủ, các bản Chà Nọi xã Quảng Lâm, ngã ba xã Mường Toong và Huổi Hốc xã Nậm Kè, đều thuộc huyện Mường Nhé...
Sau khi hoàn thành toàn bộ dự án, tỷ lệ các hộ được sử dụng điện lưới quốc gia của tỉnh Điện Biên sẽ đạt 79,6%, chỉ còn lại khoảng 19.000 hộ thuộc trên 400 thôn, bản chưa được sử dụng điện.
Chúng tôi rời Hua Luống trong không khí vui tươi đón dòng điện lưới quốc gia, ông Lò Văn Chốm - Chủ tịch UBND xã Nà Tấu vui vẻ bắt tay tiễn chúng tôi và không quên gửi lời nhắn nhủ: “Một năm sau nhà báo đến đây, xã tôi sẽ khác nhiều lắm. Chúng tôi không sợ khó khăn vất vả, không cam chịu đói nghèo, nhưng để thoát được đói, thoát được nghèo thì điện đóng vai trò quan trọng nhất”.
Tâm tư của ông cũng chính là niềm vui và hạnh phúc của người thợ điện mỗi khi một công trình mới được đưa vào vận hành, nhất là việc cấp điện cho bà con vùng sâu, vùng xa trước Tết cổ truyền của dân tộc. Niềm vui đó như tiếp thêm sức lực cho những người thợ điện, giúp họ quên hết những vất vả, mệt nhọc khi trèo đèo, lội suối “cõng” điện về với bà con vùng sâu, vùng xa...