Huy động nguồn lực đầu tư cho tăng trưởng xanh đang là nhu cầu cấp thiết - Nguồn ảnh: Internet.
|
Chủ đề được đưa ra nhằm cập nhật tình hình hiện tại về chính sách quốc gia, các sáng kiến huy động tư nhân về tăng trưởng xanh cũng như chia sẻ về những rào cản, thách thức từ phía khu vực tư nhân để từ đó đề xuất các khuyến nghị nhằm thúc đẩy đầu tư xanh.
Bà Nguyễn Thị Minh Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Giáo dục Tài nguyên và Môi trường cho biết, huy động nguồn lực thực hiện các mục tiêu trong chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2020 ước tính cần khoảng 30 tỷ USD. Tuy nhiên, nguồn đầu tư của Chính phủ hiện nay mới có thể đảm bảo được 1/3 nhu cầu. Vì vậy, việc huy động nguồn lực đầu tư cho tăng trưởng xanh đang là nhu cầu cấp thiết để thúc đẩy quá trình thực hiện phát triển kinh tế xanh.
Ông Lê Đức Chung, chuyên gia tư vấn dự án cho biết, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh được Chính phủ ban hành vào tháng 9/2012. Tháng 3/2014, kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh được Chính phủ ban hành; trong đó, xác định vai trò rất quan trọng của khu vực tư nhân. Đây được coi là nhân tố quyết định trong thực hiện tăng trưởng xanh.
Ông Lê Đức Chung đánh giá, Việt Nam đã hình thành được hệ thống luật pháp, chính sách thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân tham gia thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đầu tư vào tăng trưởng xanh. Mặc dù, có nhiều tiềm năng phát triển nhưng các doanh nghiệp còn khá thận trọng khi đầu tư vào các lĩnh vực tăng trưởng xanh do nhiều chính sách chưa đủ sức thúc đẩy doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật liên quan đến tăng trưởng xanh chưa được hướng dẫn đảm bảo thực hiện đầy đủ. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư còn nhỏ lẻ, thủ tục quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, cấp phép phức tạp vì điều phối liên ngành… Mặt khác, nguồn lực chung còn hạn hẹp, nhiều khoản đầu tư theo thói quen truyền thống đã làm giảm cơ hội cho tăng trưởng xanh.
Để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào tăng trưởng xanh, nhiều chuyên gia kinh tế kiến nghị, cần có cam kết thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào thực hiện tăng trưởng xanh. Đồng thời, cần có chính sách linh hoạt, áp dụng cho sản xuất năng lượng sạch.
“ Khuyến khích hỗ trợ tài chính là quan trọng nhưng chưa đủ, cần tiếp tục ban hành hệ thống văn bản pháp quy tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư thông qua cơ chế 1 cửa đảm bảo các thủ tục liên ngành tương đối đồng bộ, thuận lợi”, ông Chung nhấn mạnh.
Chia sẻ kinh nghiệm, bà Justyna Grosjean, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) cho rằng, Việt Nam cần có cơ sở để các tổ chức tín dụng tham khảo và đưa các tiêu chí môi trường vào quá trình thẩm định tín dụng. Bên cạnh đó, cần thành lập các dự án tín dụng xanh, các dự án xanh đã được xác định để tham gia các chương trình tín dụng xanh, huy động vốn trái phiếu xanh và các chương trình đầu tư xanh.