Năng lượng tái tạo phát triển bền vững: Giải pháp nào?

Với những chính sách ưu đãi của Chính phủ, hơn một năm qua, nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, năng lượng tái tạo (NLTT) cũng đang gặp không ít thách thức.

Nhiều điểm nghẽn 

Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho hay, dù góp phần giảm bớt áp lực cung cấp điện nhất là trong bối cảnh nguồn cung ứng điện gặp nhiều khó khăn, nhưng NLTT chưa thay thế được các nguồn điện truyền thống. “1000 MW năng lượng tái tạo chỉ thay thế được khoảng 300 - 350 MW nhiệt điện điện than, khí” - ông Dũng chia sẻ.

Sự phát triển nhanh và tập trung tại một số địa phương của NLTT, đặc biệt là điện mặt trời đã tạo ra những khó khăn, thách thức trong việc giải tỏa công suất. Các dự án năng lượng tái tạo hầu hết do nhà đầu tư tư nhân triển khai, nên tiến độ nhanh, chỉ từ 4-6 tháng đối với các dự án điện mặt trời. Trong khi đó, các dự án lưới điện truyền tải do EVN thực hiện phải mất 3-5 năm do các thủ tục chặt chẽ, vướng mắc trong GPMB...

Các yếu tố như giá điện ưu đãi cố định (FIT) thường có thời gian không dài; chưa có cơ chế thu hút vốn đầu tư phát triển NLTT thông qua cơ chế đấu thầu; chưa có nghiên cứu tổng thể phát triển các dự án điện gió ngoài khơi; chưa có đủ nguồn dự phòng, hệ thống tích trữ năng lượng để tích hợp năng lượng tái tạo ở quy mô lớn; thiếu hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật cho các hệ thống điện mặt trời mái nhà… cũng là những “điểm nghẽn” trong việc phát triển nguồn NLTT.

Ngoài ra, khi NLTT tham gia sâu vào hệ thống điện, việc vận hành sẽ gặp những thách thức như chất lượng điện năng cũng có xu hướng xấu đi, hiện tượng điện áp nằm ngoài ngưỡng quy định sẽ tăng lên. Đặc biệt, tại các khu vực tập trung nhiều nguồn và cách xa trung tâm phụ tải, quá trình mất cân bằng trong hệ thống có xu hướng xảy ra nhanh và mạnh hơn...

Năng lượng mặt trời đã có sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hiến - Chủ tịch Hội đồng khoa học, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam cho rằng, để NLTT phát triển bền vững và phát huy tối đa hiệu quả, trong Quy hoạch điện VIII cần xác định cụ thể quy mô công suất, sản lượng trung bình/năm, địa điểm, khối lượng lưới điện đấu nối vào hệ thống điện quốc gia và tiến độ xây dựng… của các dự án NLTT. Từ đó, tính toán cân bằng công suất, điện năng trong ngắn hạn và trung hạn. Bởi trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, khối lượng các dự án NLTT chỉ mang tính “bốc thuốc” tượng trưng, dẫn đến việc phá vỡ quy hoạch.

Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hiến, đối với điện gió, cần đẩy mạnh phát triển các dự án ngoài khơi, nơi có tốc độ gió cao và ổn định; với điện mặt trời, cần quan tâm đẩy mạnh và khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời mái nhà, vì có thể huy động được nguồn lực của cộng đồng dân cư (các doanh nghiệp và tư nhân) và đặc biệt là không cần phải đầu tư lưới điện truyền tải. Bên cạnh đó, tiếp tục củng cố và phát huy vai trò của lưới điện truyền tải liên kết với các nước láng giềng, nhằm đáp ứng yêu cầu vận hành an toàn, tin cậy trong bối cảnh tỷ trọng nguồn điện gió, mặt trời ngày một gia tăng trong những năm tới.

Ông Lưu Xuân Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằng, cần sớm có các chính sách tái tạo các tấm pin năng lượng mặt trời, hỗ trợ tài chính và huy động nguồn lực để tiếp tục đầu tư các công trình truyền tải theo đúng tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về phát triển năng lượng; có các hướng dẫn khoa học để khai thác tối ưu nhất, hợp lý nhất các dự án đã triển khai. Đặc biệt, cần phải có cơ chế hỗ trợ việc chuyển đổi rừng, đất nông nghiệp để đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện truyền tải giải tỏa công suất các dự án NLTT. Hiện nay, để tiết kiệm đất đai, phần lớn các đường dây truyền tải đều đi qua các tuyến rừng. “Cần phải có sự thống nhất giữa các Bộ, ngành như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, để khai thông được vấn đề chuyển đổi đất rừng. Trên thực tế, hiện có những kiến nghị đã 2 năm nhưng chưa chuyển đổi được, thì vấn đề giải tỏa công suất NLTT là rất khó khăn”, ông Lưu Xuân Vĩnh nhấn mạnh.

Ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định: Ngành năng lượng Việt Nam đã đi đúng hướng trong phát triển và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, cần phải kịp thời bổ sung các quy định phù hợp để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tế. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép xã hội hóa lưới điện truyền tải; đồng thời, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội điều chỉnh một số quy định pháp luật hiện hành, cho phép xã hội hóa việc xây dựng, lắp đặt các dự án truyền tải. Bộ Công Thương cũng đang nghiên cứu và sớm đề xuất, tham mưu cho Chính phủ ban hành các chính sách tháo gỡ các khó khăn trong phát triển NLTT vừa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. 

Tính đến ngày 30/6/2020, cả nước đã có:

- Khoảng 5.500 MW nguồn điện NLTT được đưa vào vận hành, chiếm 9,5% tổng công suất toàn hệ thống điện; 
- Sản lượng phát trong 6 tháng đầu năm 2020 chiếm gần 4,6% tổng sản lượng điện toàn hệ thống. 


 


  • 17/08/2020 01:57
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 1612