Rút phích cắm, hành động nhỏ - lợi ích lớn

Nếu tất cả các phích cắm điện của những thiết bị điện dân dụng như: máy tính, máy in, quạt điện... tại cơ quan, tòa nhà, văn phòng làm việc đều được rút ra khỏi ổ cắm sau giờ làm việc hoặc khi không sử dụng thì lượng điện năng tiết kiệm từ những thiết bị điện này sẽ không hề nhỏ.

Tắt thôi chưa đủ

Đa số những người làm việc tại cơ quan nhà nước, tòa nhà... vẫn nghĩ chỉ viêc tắt các thiết bị điện khi không sử dụng là đã tiết kiệm điện năng. Tuy nhiên điều này không hoàn toàn đúng, nhiều thiết bị điện tử vẫn “ăn” điện, khi phích cắm vẫn còn cắm tại ổ điện.

Theo Tiến sĩ Trần Văn Thịnh, Viện Điện trường ĐH Bách khoa Hà Nội, việc thiết bị vẫn ngốn điện như vậy là do bộ phận biến áp bên trong vẫn còn hoạt động. Biến áp hoạt động sẽ tiêu thụ một lượng điện nhất định. Hiện tượng này được gọi là công suất không tải, công suất này chiếm khoảng 5 - 10% công suất tiêu hao điện của thiết bị.

Nhiều người nghĩ tắt máy tính và màn hình chờ là đã tiết kiệm điện - Ảnh: Vương Thủy

Tắt như nào cho đúng?

Tiến sĩ Thịnh cho biết, có hai cách ngắt điện vào thiết bị. Cách thứ nhất là nhấn công tắc, cách thứ hai là rút dây nguồn ra khỏi ổ cắm. Với cách thứ nhất, đây không phải là cách ngắt điện tuyệt đối vì vẫn còn dòng điện chạy qua công tắc. Chỉ có cách thứ hai mới là ngắt điện tuyệt đối mà thôi.

Đặc biệt đối với máy vi tính, thông thường khi tắt máy, người sử dụng thường tắt bằng cách ''Turn off computer'', rồi tắt màn hình. Với những thao tác như vậy, người sử dụng yên tâm rằng máy đã được tắt toàn bộ. Nhưng trên thực tế không phải vậy! Tuy đèn tín hiệu của CPU đã tắt, màn hình đã hết sáng, nhưng vẫn còn một dòng điện nhỏ chạy qua máy. Đây không phải dòng điện rò mà là một dòng điện thường trực. Tuy cường độ của nó không lớn nhưng tổng cộng lại đó là một giá trị đáng kể, gây nên lãng phí điện một cách vô ích.

Để tiết kiệm điện cho văn phòng nên chủ động rút ổ điện trong trường hợp không có nhu cầu sử dụng các thiết bị điện - Ảnh: Vương Thủy

Đối với các thiết bị điện tử khác có điều khiền từ xa như ti vi, quạt, dàn âm thanh... cũng không nên tắt thiết bị bằng điều khiển, để chế độ chờ (đèn đỏ). Vì mỗi mạch đèn chờ như vậy vẫn có nguồn điện đến, mỗi thiết bị sẽ có một lượng điện trong mạch chờ riêng. Tuy nhiên, nếu xét tổng năng lượng do đèn chờ tiêu thụ trong cả một văn phòng lớn từ ngày này qua ngày khác cũng sẽ là một con số khá lớn.

Chính vì vậy, đã đến lúc các văn phòng, công sở nên thực hành tiết kiệm điện ngay ở trong ý thức của mỗi nhân viên. Mỗi người nên xây dựng ý thức rút nguồn điện máy tính và các thiết bị điện xung quanh mình trước khi ra về.

Ngoài ra, một biện pháp có thể giúp ngắt điện triệt để ở các văn phòng, đó là nên tách nguồn điện cung cấp cho các ổ cắm trong cơ quan thành một mạch riêng, có cầu dao tổng. Sau giờ làm việc, người trực điện của cơ quan sẽ có nhiệm vụ đóng cầu dao tổng. Đây là cách làm triệt để nhất đồng thời cũng tránh được các hiện tượng lãng phí điện trong văn phòng.


  • 10/12/2014 02:14
  • Vương Thủy
  • 11829