Cú hích về giá
Từ ngày 1/11 tới, giá mua điện gió được điều chỉnh tăng từ 7,8 lên 8,5 US cent/kWh cho các dự án điện gió trong đất liền và 9,8 cent cho các dự án điện gió trên biển. Đây được coi là cú hích cho các dự án điện gió đã được cấp phép và sẽ thu hút thêm nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực này. Bởi trước đó, giá là nút thắt lớn nhất khiến dự án chậm triển khai, nhà đầu tư không mặn mà. Là địa phương phát triển mạnh các dự án điện gió, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội điện gió Bình Thuận, phân tích giá điện gió hiện tại (7,8 cent/kWh) là quá thấp, nhà đầu tư không có lãi. Nay Thủ tướng điều chỉnh tăng gần 10%, giá 8,5 cent/kWh là giá tốt cho các dự án đang triển khai.
Ông Tobias Cossen, Giám đốc dự án “Hỗ trợ mở rộng quy mô điện gió tại Việt Nam” thuộc Chương trình hỗ trợ năng lượng GIZ (Đức), bình luận: “Với tín hiệu rõ ràng khi Chính phủ tăng giá mua điện gió, chúng tôi hy vọng nhiều dự án sẽ được xúc tiến và nhanh chóng đi vào hoạt động. Giá điện gió sửa đổi sẽ đem đến sự đảm bảo cho các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính đang cung cấp các khoản vay dài hạn”. Dù vậy, ông Tobias Cossen cho rằng mức giá này vẫn thấp hơn so với các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á. Nhu cầu năng lượng ở VN ngày càng tăng, VN cũng có nguồn năng lượng gió dồi dào nên thu hút sự quan tâm của nhiều nhà phát triển trong thời gian qua. Tuy nhiên, biểu giá điện gió được công bố năm 2011 thấp đã làm chậm tiến độ của nhiều dự án bởi nhà đầu tư và tổ chức tài chính vẫn còn lo ngại về rủi ro tài chính.
Giá thành các loại hình năng lượng tái tạo (không tính chi phí ngoại biên) đã có thể cạnh tranh được với điện than đến năm 2020.
|
Với mức giá mua điện được điều chỉnh, theo các chuyên gia, đã đảm bảo cho nhà đầu tư có lãi. Vì vậy, khả năng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều dự án điện gió được triển khai. Minh chứng thấy rõ ở lĩnh vực tương tự là điện mặt trời. Theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 1/6/2017 - 30/6/2019, bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án nối lưới với giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 9,35 US cent/kWh). Một năm từ ngày quyết định có hiệu lực, ông Nguyễn Ninh Hải, Phó trưởng phòng Năng lượng tái tạo, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết: Đã có 100 dự án điện mặt trời quy mô lớn được bổ sung vào quy hoạch điện cấp tỉnh/quốc gia. Trong đó, tổng công suất đăng ký là 4,7 gigawatt (GW) vào năm 2020 và thêm 1,77 GW sau năm 2020. Đối với điện mặt trời trên mái nhà nối lưới dù vướng chính sách nhưng cũng đã có 748 dự án được triển khai trên cả nước, với tổng công suất 11,55 MW. “Quyết định 11 đã tạo “cú hích” cho thị trường điện mặt trời tại VN. Đặc biệt, cơ chế dành cho các dự án điện mặt trời quy mô lớn đã rất hấp dẫn các nhà đầu tư”, ông Hải nói.
Tiết kiệm điện năng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Theo Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), tiềm năng kỹ thuật của điện gió ở VN rất lớn, khoảng 27 GW và có thể thay thế phần lớn lượng nhiệt điện (sản xuất từ than và khí gas) trong tương lai. Ngay cả khi nguồn năng lượng tái tạo từ gió hoặc năng lượng mặt trời có lúc không ổn định, hệ thống điện của VN vẫn có thể tiếp nhận một lượng điện lớn từ năng lượng tái tạo và sau khi được mở rộng, thích ứng và nâng cấp để trở thành “lưới điện thông minh”, hệ thống có thể tích hợp một lượng điện từ nguồn tái tạo lớn hơn nữa. GIZ đánh giá cao điều chỉnh về giá điện gió của Chính phủ, coi đây là một tín hiệu tích cực và đặc biệt quan trọng đối với các bên liên quan nhằm thúc đẩy đầu tư vào thị trường điện gió ở VN - thị trường hiện chỉ có 200 MW công suất lắp đặt (và 100 MW công suất đang trong quá trình xây dựng). Đối với điện mặt trời cũng tương tự, tiềm năng kỹ thuật lên đến 300 GW.
Việc Chính phủ công bố Quyết định 11 là một bước tiến quan trọng, tạo cơ chế thu hút đầu tư tư nhân vào phát triển điện mặt trời.
Mới nhất ngày 5.10, Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) và Công ty CP điện Gia Lai (GEC, đơn vị thành viên TTC) đã khánh thành Nhà máy điện mặt trời TTC Phong Điền (tại thôn Mỹ Hòa, xã Điền Lộc, H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) với công suất 35 MW. Nhà máy được xây dựng trên khu đất 45 ha, tổng mức đầu tư gần 1.000 tỉ đồng. 145.560 tấm pin năng lượng mặt trời đã được hơn 300 công nhân và kỹ sư trong và ngoài nước lắp đặt sẽ hấp thụ bức xạ của ánh nắng mặt trời và chuyển đổi thành điện năng hòa vào hệ thống tải điện. Nhà máy sẽ phát điện với sản lượng khoảng 60 triệu kWh/năm, gần bằng mức tiêu thụ điện hằng năm của khoảng 32.628 hộ gia đình ở VN, ước tính giảm phát thải CO2 khoảng 20.503 tấn/năm.
Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) có cùng nhận định: VN có tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo sẵn có. Đặc biệt là năng lượng mặt trời, tương đương với các nước trong khu vực có thị trường phát triển như Trung Quốc, Thái Lan… hay những thị trường truyền thống như Ý, Tây Ban Nha. Trung bình tổng bức xạ năng lượng mặt trời ở VN vào khoảng 5 kWh/km2/ngày ở các tỉnh miền Trung, miền Nam, vào khoảng 4 kWh/km2/ngày ở các tỉnh miền Bắc với số giờ nóng 1.700 - 2.500 giờ/năm. Việc chú trọng tiếp cận phát triển nguồn năng lượng mới này không chỉ kịp thời đáp ứng nhu cầu năng lượng của xã hội mà còn giúp tiết kiệm điện năng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Phát triển năng lượng tái tạo là vấn đề hết sức cấp thiết đối với VN. Theo mục tiêu của Chính phủ trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh (QHĐ VII ĐC), điện mặt trời dự kiến sẽ trở thành nguồn năng lượng tái tạo chính trong tương lai, với công suất lắp đặt tăng từ 6 - 7 MW vào cuối năm 2017 lên 850 MW năm 2020, tương ứng 1,6% tổng lượng điện của cả nước. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 12.000 MW năm 2030, tương ứng 3,3% tổng sản lượng điện cả nước.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết: “VN đang được đánh giá tiềm năng phát triển lớn, mỗi năm GDP tăng trưởng trung bình 7%, chính vì vậy cần có sự cung cấp về năng lượng nói chung và điện nói riêng rất lớn. VN có tiềm năng về năng lượng tái tạo lớn, trung bình 5 kWh/km2. Do đó kế hoạch năm 2030, năng lượng tái tạo chiếm 10% trong tổng sản lượng năng lượng”. |