Bên lề Triển lãm quốc tế về ngành nước, công nghệ xử lý nước Việt Nam (Vietwater 2016) và Triển lãm năng lượng tái tạo Việt Nam (RE – EE Vietnam 2016) diễn ra tại TPHCM từ ngày 9-11/11/2016, ông Saku Liuksia- Giám đốc Chương trình rác thải thành năng lượng thuộc Cơ quan Xúc tiến và Phát triển đầu tư Phần Lan (Finpro) cho hay, các công ty từ Phần Lan rất quan tâm đến việc hợp tác phát triển dự án xử lý rác thải, xử lý nước thải tại Việt Nam theo hướng chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam.
“Đã có một nghiên cứu cho thấy Việt Nam rất có tiềm năng phát triển các dự án xử lý rác thải thành năng lượng. Hiện nhiều công ty Phần Lan đang tìm kiếm đối tác tại Việt Nam phát triển các dự án biến rác thải thành năng lượng, xử lý nước thải”, ông Saku Liuksia nói.
Đa phần rác thải tại Việt Nam là được chôn lấp - Ảnh: Nguồn Intrenet.
|
Theo nhiều chuyên gia về môi trường, một trong những thách thức lớn nhất tại Việt Nam hiện nay chính là vấn đề xử lý rác thải. Tổng khối lượng rác thải đô thị được thu gom cả nước hiện nay khoảng 38.000 tấn/ngày (tỷ lệ thu gom, vận chuyển, xử lý đạt 85%). Hầu hết rác thải được chôn lấp và khoảng 70% bãi chôn lấp hiện nay không hợp vệ sinh.
Trong khi đó, tại nhiều nước, rác thải đang là nguồn nguyên liệu thô hữu ích phát sinh khí sinh học để sản xuất điện. Chẳng hạn tại Phần Lan hiện tỷ lệ rác thải được xử lý thành năng lượng lên đến 40%, nhiều quốc gia khác cũng đã tính tới việc cấm chôn lấp rác thải hữu cơ, thúc đẩy áp dụng công nghệ hiện đại để xử lý rác.
Trong khi đó, đối với ngành xử lý nước tại Việt Nam, nhiều chuyên gia cũng cho rằng ảnh hưởng của biến đối khí hậu đang tác động rõ rệt đến nguồn nước tự nhiên, chất lượng nước nhiều nơi bị ô nhiễm.
Phát biểu tại buổi khai mạc triển lãm sáng nay, ông Cao Lại Quang, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, cho rằng ngành cấp thoát nước Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trong điều kiện gia tăng dân số đô thị, suy giảm nguồn nước, nguồn tài chính hạn hẹp, vấn đề ô nhiễm môi trường do diễn biến cực đoan của biến đổi khí hậu…
“Do vậy, việc nhiều doanh nghiệp quốc tế tham gia triển lãm lần này sẽ tạo cơ hội giao lưu hữu ích, giúp các doanh nghiệp Việt Nam học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận công nghệ mới trong vấn đề xử lý nguồn nước, nước thải, tiết kiệm năng lượng, nhất là trong bối cảnh ngành nước Việt Nam đứng trước những thách thức về suy thoái nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường”, ông Quang nhận định.
Còn theo bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng: “Nước và năng lượng là hai ngành quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành kinh tế, an sinh xã hội, môi trường của các quốc gia trong bối cảnh tác động không nhỏ của biến đổi khí hậu hiện nay”.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang tăng cường thu hút đầu tư vào hai lĩnh vực này với mục tiêu đến năm 2025 đạt tỷ lệ 100% dân khu vực đô thị được cấp nước sạch, tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo lên 5% vào năm 2020 và năm 2050 đạt 11%, bà Linh cho hay.